Doanh nghiệp - Doanh nhân

Hưởng ứng "Girls in ICT Day”: Dấu ấn của “những bông hồng" công nghệ

Từ chỗ quá lép vế so với nam giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), ngày càng có “nhiều bông hồng” tạo được dấu ấn đặc biệt và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực này.

Nữ doanh nhân hội tụ / Nữ đại gia Việt có “đắc lợi” từ thương chiến Mỹ- Trung?

Rào cản giới tính

Như một dạng luật bất thành văn, từ rất lâu nay, mọi người vẫn mặc định nhân lực làm trong lĩnh vực ICT phải là nam giới mới phù hợp và hiệu quả. Bản thân đa phần nữ giới cũng nghĩ như vậy và tự mình loại mình khỏi cuộc chơi công nghệ. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng thiếu nhân lực là nữ giới trong các ngành nghề liên quan tới ICT.

Một tổng hợp báo cáo nhân sự cách đây ít lâu từ 11 công ty công nghệ lớn nhất thế giới cho thấy, số lao động nữ bình quân chỉ chiếm khoảng 30% và đặc biệt thiếu vắng ở các vai trò lãnh đạo chủ chốt.

Bàn về tình trạng thiếu vắng các bóng hồng khá phổ biến trong các công ty công nghệ ở Việt Nam, bà Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Hương chia sẻ: “Là chủ doanh nghiệp, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng nhân lực trong ngành CNTT. Còn trong quá trình điều hành Câu lạc bộ Mạng lưới nữ lãnh đạo quốc tế, chúng tôi đã cố gắng đưa ứng dụng công nghệ vào quản trị mạng lưới, để từng bước giúp các nữ lãnh đạo làm quen với công nghệ. Nhưng họ thường ở độ tuổi 35 – 55, giai đoạn mà việc tiếp nhận cái mới không dễ dàng”.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cũng thừa nhận hiện trạng số lượng lập trình viên nữ, cán bộ nữ trong doanh nghiệp CNTT ở nước ta ít hơn nam giới rất nhiều. Chính nữ giới lại hay có suy nghĩ trong đầu rằng việc này rất khó, vất vả, nên chọn nghề khác để công việc nhẹ nhàng hơn.

Ảnh minh họa: Thái Anh.

“Những bông hồng” làm thay đổi định kiến

Bất chấp những định kiến giới đã tồn tại dai dẳng bấy lâu, đã bắt đầu có nhiều người phụ nữ có nhiều đóng góp quan trọng, thậm chí còn thể hiện vai trò tiên phong trong lĩnh vực ICT.

Tháng 3/2019, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ TT&TT phối hợp với Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Vai trò của người phụ nữ ngành TT&TT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thông qua buổi tọa đàm, chị em phụ nữ hiểu hơn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phấn đấu làm chủ khoa học công nghệ, mở rộng cơ hội cho chính mình, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành, của xã hội.

Điển hình như: Lập trình viên đầu tiên trên thế giới là một phụ nữ xinh đẹp người Anh - bà Ada Lovelace; hay CEO của YouTube, người phụ nữ quan trọng nhất của Tập đoàn Google là bà Susan Wojcicki; hay Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg được coi là nữ triệu phú tài năng của tập đoàn này…

Tại Việt Nam, cũng đang có một thế hệ nữ tiềm năng nổi lên trong công nghệ. Đáng chú ý là Linh Phạm, sáng lập của Logivan, ứng dụng đặt xe tải theo mô hình Uber, được xây dựng nhằm khắc phục sự lãng phí khi phần lớn các xe tải lượt về đều rỗng, một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics của Việt Nam thuộc vào hàng cao nhất thế giới; Hoặc Văn Vũ, người đã nghĩ ra Elsa - ứng dụng giúp luyện phát âm chuẩn giọng bản ngữ hoạt động theo cơ chế trí thông minh nhân tạo; Hoặc Đoàn Kiều My với YellowBLocks - startup danh bạ cho công nghệ blockchain - đã chính thức trở thành đại diện tại Việt Nam của European Blockchain Hub, một tổ chức quốc tế độc lập chuyên về công nghệ blockchain…

 

Đó chỉ là một vài trong số ngày càng nhiều “bông hồng công nghệ” đã và đang tiếp tục tạo nên nhiều dấu ấn đặc biệt, tăng thêm gam màu tươi sáng cho bức tranh ICT thế giới nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng.

Bộ TT&TT “vào cuộc”

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực ICT tại Việt Nam, thời gian qua, Bộ TT&TT rất coi trọng công tác bình đẳng giới, phát huy vai trò và đóng góp của phụ nữ trong sự phát triển ngành cũng như sự phát triển của đất nước. Rất nhiều hoạt động cụ thể liên quan đến công tác này đã được lãnh đạo Bộ cũng như Thường trực Công đoàn TT&TT chỉ đạo triển khai trong toàn ngành.

"Girls in ICT Day” nằm trong “Chương trình mục tiêu bình đẳng giới” của Liên Hợp Quốc tổ chức hàng năm vào ngày thứ Năm, tuần 4, tháng Tư (năm 2019 là ngày 25/4), nhằm khuyến khích các quốc gia tổ chức các hoạt động liên quan đến nữ giới trong lĩnh vực ICT và vai trò của ICT đối với sự nghiệp của nữ giới.

Trung tuần tháng 4/2019, Công đoàn TT&TT Việt Nam vừa có công văn hướng dẫn các công đoàn trực thuộc triển khai công tác bình đẳng giới, dân số - gia đình – trẻ em năm 2019.

 

Một trong những nội dung đáng chú ý là hưởng ứng hoạt động "Girls in ICT Day” (Ngày Nữ giới trong lĩnh vực ICT) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Theo đó, Công đoàn phối hợp tổ chức các hoạt động, phong trào tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT hưởng ứng sự kiện này.

Kế hoạch công tác của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ TT&TT năm 2019 cũng đã chỉ rõ rất nhiều nội dung công việc cần triển khai, đáng chú ý là: Tiếp tục duy trì và tổ chức các hoạt động truyền thông thường xuyên về bình đẳng giới với hình thức phong phú, đa dạng, hướng đến nhóm đối tượng cụ thể và phù hợp với đặc thù của từng đơn vị trong Bộ TT&TT; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…

Theo infonet.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm