Doanh nghiệp - Doanh nhân

Kiến tạo không gian thuận lợi để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bền vững

DNVN – Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng khẳng định, doanh nhân là lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, kiến tạo không gian thuận lợi cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bền vững.

MENAS - Năm thứ 2 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng SME100 / Vì sao doanh nghiệp khó tuyển lao động phổ thông?

Nhân dịp 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10-2004 - 13/10/2024), phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những đóng góp, sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Cùng đó là những kỳ vọng của doanh nghiệp về mức độ cải cách, đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc để cộng đồng kinh doanh ngày càng phát triển.

Sau 20 năm từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Quang Phòng: Trong 20 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả kinh doanh đã tăng gần 8 lần, từ hơn 91.700 doanh nghiệp năm 2004 lên gần 735.500 vào cuối năm 2022. Đến 31/12/2023, số doanh nghiệp tăng hơn 10 lần, đạt hơn 921.370 doanh nghiệp. Mật độ doanh nghiệp cũng tăng 8,4 lần, từ 1,1 lên 9,2 doanh nghiệp trên 1.000 dân.

Trong 20 năm qua, hơn 1,88 triệu doanh nghiệp mới đã được thành lập, số lượng thành lập mới năm 2023 tăng 4,3 lần so với năm 2004. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2023 cũng chứng kiến khoảng 1,2 triệu doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn như Viettel, Vingroup, FPT, Hòa Phát đã vươn ra khu vực và thế giới, dẫn đầu về công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp, chỉ 2% là doanh nghiệp lớn.


Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.

Theo giới chuyên gia, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế, xã hội. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước?

Ông Hoàng Quang Phòng: Thực tiễn gần 40 năm đổi mới đã mang lại cho Việt Nam những thành tựu quan trọng. Việt Nam hiện đã lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, và nằm trong Top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất. Chúng ta đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với 60 nền kinh tế quan trọng trên toàn cầu, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2024 ước đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2024 sơ bộ xuất siêu 20,79 tỷ USD, góp phần tạo động lực sản xuất và kích thích xuất khẩu.

Những kết quả này không thể đạt được nếu thiếu sự đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Hiện cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, cùng với khoảng 30.000 hợp tác xã. Đội ngũ doanh nhân đã và đang đóng góp khoảng 60% GDP và tạo ra 30% việc làm cho xã hội, là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa được ban hành gần đây khẳng định vị trí, vai trò của doanh nhân trong giai đoạn mới. Ông có thể chia sẻ thêm về việc triển khai Nghị quyết này?

Ông Hoàng Quang Phòng: Nghị quyết 41-NQ/TW, được ban hành ngày 10/10/2023, thay thế Nghị quyết 09-NQ/TW, là một sự khẳng định mạnh mẽ từ Đảng và Nhà nước về vai trò của doanh nhân. Nghị quyết nêu rõ, doanh nhân không chỉ là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia.

VCCI đã phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức các hội nghị toàn quốc để quán triệt và triển khai Nghị quyết. Đến nay, đã có hơn 4.000 điểm cầu trực tuyến với sự tham gia của gần 207.000 đại biểu trên khắp cả nước. Các địa phương, bộ ngành và tổ chức chính trị xã hội cũng đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết này.

VCCI có những kế hoạch gì trong thời gian tới để phát huy hiệu quả của Nghị quyết 41 và vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp?

Ông Hoàng Quang Phòng: VCCI đã ban hành Chương trình số 08 với nhiều nhóm giải pháp để thực hiện Nghị quyết 41. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là nâng cao nhận thức về vai trò của doanh nhân, đẩy mạnh việc tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách giữa Chính phủ và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng các chỉ số kinh tế như Chỉ số Xanh cấp tỉnh.

Ngoài ra, VCCI cũng tập trung vào việc phát triển đội ngũ doanh nhân, hỗ trợ họ trong việc khai thác các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đồng thời, chúng tôi sẽ xây dựng và thúc đẩy đạo đức, văn hóa doanh nhân để khơi dậy tinh thần dân tộc và khát vọng phát triển đất nước.

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận được những chuyển động chính sách rất tích cực từ cơ quan quản lý. Tuy vậy, cộng đồng kinh doanh kỳ vọng hơn nữa về mức độ cải cách và tháo gỡ những vướng mắc, bất cập. Theo ông, cần những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới?

Ông Hoàng Quang Phòng: Năm 2024 chắc chắn sẽ là một năm đầy biến động. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang đối diện với tăng trưởng chậm lại do lạm phát cao, chính sách thắt chặt tiền tệ và tình hình địa chính trị phức tạp, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine. Điều này khiến sức mua giảm, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu, gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong nước.

Tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn theo chuẩn mực thị trường. Việc giảm thiểu sự can thiệp không cần thiết của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp có không gian thuận lợi để phát triển. Ngoài ra, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức.

Đồng thời, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, lãi suất, và pháp lý cũng cần được thực hiện kịp thời và hiệu quả hơn. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và giảm thiểu các rào cản pháp lý là rất quan trọng. Những biện pháp này sẽ giúp doanh nghiệp tự tin hơn, vượt qua khó khăn và phát triển bền vững trong tương lai.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm