Doanh nghiệp - Doanh nhân

EVN lại lỗ lớn

DNVN - Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2023 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, doanh nghiệp này lỗ gần 22.000 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp EVN lỗ lớn.

Doanh nghiệp cần ‘điểm tựa’ để bứt phá / Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không có doanh nhân giỏi, dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ

Ngày 10/10, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2023. Kết quả được đưa ra sau khi Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm ngoái của tập đoàn này.

Kết quả cho thấy, tổng chi phí sản xuất điện của EVN năm 2023 là hơn 528.600 tỷ đồng, tăng 7,16% so với năm trước, đẩy giá thành sản xuất lên 2.088,9 đồng/kWh.

Mặc dù sản lượng điện thương phẩm tăng 4,26%, đạt 253,05 tỷ kWh và doanh thu bán điện tăng 8,18%, đạt 494.359 tỷ đồng, EVN vẫn ghi nhận lỗ gần 34.245 tỷ đồng trong hoạt động sản xuất điện. Sau khi tính cả thu nhập từ các hoạt động tài chính và khoản bán công suất phản kháng, tổng lỗ của EVN trong năm 2023 giảm còn 21.821 tỷ đồng.


EVN lỗ gần 22.000 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023.

Đây là năm thứ hai EVN chịu lỗ, trong khi giá bán điện thương phẩm bình quân năm 2023 là 1.953,57 đồng/kWh, tăng 3,76% so với năm 2022. Năm 2022, EVN cũng lỗ gần 36.300 tỷ đồng từ hoạt động này.

Ngoài ra, các khoản chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất năm 2023 lên đến 18.032 tỷ đồng, chủ yếu là chênh lệch tỷ giá từ các hợp đồng mua bán điện giai đoạn 2019-2023.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh năm 2023 của 671 doanh nghiệp Nhà nước, trong số 134 doanh nghiệp Nhà nước lỗ lũy kế hơn 115.000 tỷ đồng trong năm 2023, EVN đứng đầu. Nguyên nhân chính đến từ việc EVN phải huy động nguồn điện giá cao, trong khi giá bán lẻ điện không đủ bù đắp chi phí sản xuất tăng mạnh.

Chính phủ nhấn mạnh, doanh nghiệp Nhà nước vẫn là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế nhưng nhiều đơn vị chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt trong các ngành mũi nhọn như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hay cơ khí chính xác.

Nguyên nhân chính khiến hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực là do các yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh và căng thẳng kinh tế - chính trị quốc tế. Ngoài ra, các bất cập trong cơ chế quản lý, chậm thoái vốn và cổ phần hóa cũng làm giảm hiệu quả hoạt động.

Trước thực trạng này, Chính phủ cam kết sẽ hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước, xử lý triệt để các dự án thua lỗ, yếu kém. Trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành và doanh nghiệp sẽ được gắn với kết quả tái cơ cấu và kế hoạch kinh doanh. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục duy trì sở hữu và tăng vốn tại các doanh nghiệp hoạt động phù hợp với ngành nghề chính, đồng thời giải quyết các dự án đầu tư ngoài ngành.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm