Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nâng cao chất lượng báo chí kinh tế, tiếp tục khơi dậy tinh thần kinh doanh

DNVN - Trong bối cảnh báo chí kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, vấn đề cần quan tâm số 1 đối với các toà soạn là nhân lực, tìm cách thể hiện mới để gia tăng trải nghiệm cho người dùng, tiếp tục khơi dậy tinh thần kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ứng phó với biến động thị trường xuất khẩu gạo / Giám đốc Mỹ phẩm Xuân Trang làm Phó Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên tỉnh Lâm Đồng

Khơi dậy tinh thần kinh doanh


Diễn đàn "Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024" do VCCI phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng 24/10 tại Hà Nội.

Tại diễn đàn "Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024" ngày 24/10 tại Hà Nội, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, báo chí và doanh nghiệp (DN) là hai lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Trong đó, báo chí có vai trò truyền bá kiến thức về hoạt động DN, qua đó khơi dậy tinh thần kinh doanh trong xã hội, đặc biệt khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới.

"Một môi trường truyền thông lành mạnh không chỉ truyền tải thông tin mà còn truyền cảm hứng kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Công chia sẻ.


Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, báo chí và doanh nghiệp là hai lực lượng quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế.

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên TƯ Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá báo chí đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao nhận thức về thương hiệu và sản phẩm của các DN Việt Nam. Nhờ báo chí, người tiêu dùng biết đến và tin dùng hàng Việt nhiều hơn, giúp DN tiếp cận thị trường và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Báo chí cũng đóng vai trò cầu nối giữa DN và Nhà nước, giúp phản ánh các thông tin thị trường và nguyện vọng của DN. Báo chí không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách, mà còn giúp DN phản hồi chính sách, trở thành tiếng nói độc lập góp phần điều chỉnh các chính sách kinh tế.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa báo chí và DN cần được xây dựng trên nền tảng hợp tác bền vững hơn để hỗ trợ lẫn nhau phát triển.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, dù truyền thông xã hội ngày càng phát triển, báo chí vẫn là nguồn thông tin chủ lưu. Dù vậy, mối quan hệ giữa báo chí và DN chưa thực sự vững chắc, đặc biệt khi nhiều DN chưa quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu qua báo chí, coi báo chí chỉ là kênh quảng cáo hoặc thậm chí là phiền toái. Nếu mối quan hệ này không được xây dựng trên cơ sở minh bạch và hợp tác, cả hai bên sẽ đều chịu thiệt hại.

Ông cũng chỉ ra rằng, nhiều DN lớn chưa đầu tư đúng mức cho công tác truyền thông, khiến mối quan hệ với báo chí trở nên đơn lẻ và thiếu hiệu quả. Đồng thời, một bộ phận báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Do đó, cả hai bên cần phối hợp để nâng cao trách nhiệm xã hội và tạo ra các sản phẩm thông tin chất lượng cao.

Vấn đề số 1 là nhân lực

Theo PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, báo chí kinh tế đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, áp lực cập nhật nhanh, kiểm chứng thông tin và sự thay đổi thói quen của công chúng.

Để nâng cao năng lực báo chí, bà Hằng cho rằng cần có sự đào tạo bài bản. Mỗi cơ quan báo chí cần nhà báo kinh tế vững, có kiến thức và kỹ năng chuyên biệt. Thúc đẩy hợp tác quốc tế những tờ báo kinh tế lớn trên thế giới và Việt Nam đều mời chuyên gia nước ngoài, gửi nhà báo đào tạo ở nước ngoài. Đồng thời xây dựng cộng đồng, tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà báo kinh tế, kết nối các nhà báo kinh tế với doanh nghiệp.


PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

"Đặc biệt, việc đầu tư công nghệ, trang bị công cụ hiện đại hỗ trợ công việc của nhà báo cũng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay", bà Hằng gợi ý.

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thông tin kinh tế, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, vấn đề cần quan tâm số 1 đối với các toà soạn là nhân lực. Theo số liệu thông kê, trong 21.000 nhà báo được cấp thẻ, có khoảng 39% các nhà báo có bằng đào tạo về báo chí, còn lại là các chuyên ngành khác, trong đó có các ngành về kinh tế, tuy nhiên, các phóng viên viết về kinh tế giỏi chưa nhiều.

"Thực tế, báo chí là nghề đặc biệt, nhưng phóng viên viết về kinh tế nên có kiến thức về kinh tế, viết về chứng khoán có kiến thức về chứng khoán… Tất cả các lĩnh vực khác nhau đều phải có kiến thức nền để phục vụ cho chuyên môn của mình, đặc biệt thông tin về kinh tế cần phải có kiến thức chuyên sâu hơn", bà Thảo nói.

Bà Thảo khuyến nghị các toà soạn cũng nên sử dụng hệ thống chuyên gia thẩm định, phản biện cũng như tăng cường sự tương tác với bạn đọc để có những thông tin khai thác đề tài đúng với tôn chỉ, cũng như có những kiến thức phản biện.

GS TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về báo chí, ban hành các quy định rõ ràng để xử lý vi phạm. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để giám sát, đánh giá và xử lý kịp thời các sai phạm. Việc thiết lập kênh đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và báo chí cũng là điều cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển bền vững.

Theo ông Lê Quốc Minh, các đơn vị báo chí cần nghiên cứu, triển khai các hình thức thể hiện mới bằng việc ứng dụng công nghệ để gia tăng trải nghiệm người dùng, thu hút độc giả nhiều hơn.

Với doanh nghiệp, ông Minh cho rằng cần chú trọng việc đưa các tin bài chuyên sâu, xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng để thuận lợi cho việc tìm kiếm, kết nối doanh nghiệp, mang lại cảm hứng cho xã hội.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã bấm nút khai trương giao diện mới cho Trang thông tin điện tử của VCCI và trao giải Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển môi trường kinh doanh bền vững. Chương trình nhằm khích lệ, động viên những người làm báo đồng hành, chia sẻ trong xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.


Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm