Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nhiều doanh nghiệp chủ động tăng lương sớm

Ngay tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tăng lương sớm, tăng thu nhập để giữ chân lao động đầu năm.

Việt Nam sẽ giàu lên nhanh nhất thế giới trong 10 năm tới / Đề xuất cho phép hạch toán tập trung cho cả tập đoàn kinh tế

Ảnh minh họa

Mặc dù đến ngày 1/7, Chính phủ mới tiến hành điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024. Nhưng ngay tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã chủ độngtăng lươngsớm, tăng thu nhập để giữ chân lao động đầu năm.

Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, hơn 1.400 lao động tại Công ty TNHH Hyosung Financial System Vina sẽ được điều chỉnh mức lương tăng từ 4% đến 5% tùy vào từng vị trí. Riêng với công nhân trực tiếp sản xuất, lương sẽ tăng khoảng 500 nghìn đồng/1 người/tháng. Với hình thức khoán sản phẩm, nếu công nhân làm tốt, mức thu nhập có thể cao hơn.

"Mức lương so với công ty khác cũng cao hơn, chế độ ở đây làm việc sạch sẽ, ăn uống có hơn các công ty tôi đã từng làm", anh Lò Xuân Hai - Công ty TNHH Hyosung Financial System Vina cho biết.

Ông Lee Dong Young - Giám đốc ngoại giao, Công ty TNHH Hyosung Financial System Vina cho biết: "Việc tăng lương đã thành thông lệ, ngay sau tết, ban lãnh đạo công ty đã lên kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu lên khoảng 5% và dự kiến áp dụng đồng loạt vào tháng 3".

Còn tại Công ty TNHH Công nghệ Laser IBe Việt Nam, dù đơn hàng chưa được lấp đầy song việc tăng lương ngay từ tháng 1 hàng năm cũng đã thành thông lệ. Sau Tết thường là thời điểm biến động nhân sự do nhiều lao động nhảy việc. Chủ động tăng lương sớm được xem là giải pháp khôn ngoan giúp doanh nghiệp giữ chân lao động.

 

"Thu hút nguồn nhân lực đến với công ty làm việc, công ty chúng tôi đã có những chính sách như tăng lương, tăng thưởng hàng năm, hàng quý cho người lao động", chị Lưu Thị Cần - Bộ phận nhân sự, Công ty TNHH Công nghệ Laser IBe Việt Nam nói.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024 đối diện với nhiều thách thức do làn sóng cắt giảm lao động kéo dài từ cuối năm 2022. Song mức tăng 6%, tương ứng tăng 200.000 đến 280.000 đồng tùy từng khu vực được cho là hài hòa, chia sẻ khó khăn của cả lao động và doanh nghiệp.

"Việc điều chỉnh tiền lương phải dựa vào mức sống tối thiểu, dựa vào yếu tố chỉ số giá tiêu dùng, mức độ tăng trưởng kinh tế rồi cung cầu lao động, năng suất lao động. Trong đó cả yếu tố sức khỏe của doanh nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp", ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.

Dù còn khó khăn, song việc nhiều doanh nghiệp chủ động thực hiện tăng lương sớm đã giúp ổn định quan hệ lao động, giảm đáng kể số vụ ngừng việc tập thể so với các năm trước. Đặc biệt đồng bộ với việc tăng lương ở khu vực công chức, viên chức nhà nước kể từ 1/7 tới đây.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm