Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tìm nguồn vaccine tiêm cho người lao động
Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh / Công ty Cổ phần Tập đoàn KITA Group trao tặng 700 thùng găng tay y tế phục vụ công tác phòng chống dịch trị giá hơn 2,6 tỉ đồng
Là doanh nghiệp có 44 công ty thành viên với 12.000 lao động, Tổng công ty CP nước giải khát bia rượu Sài Gòn - Sabeco vừa gửi đi thông báo cho biết chủ động tìm kiếm nguồn vaccine Covid-19 để tiêm cho lao động.
Ông Bennett Neo, Tổng giám đốc Sabeco cho biết: Chúng tôi luôn cam kết thể hiện vai trò của một doanh nghiệp công dân một cách có trách nhiệm nhất. Việc này thể hiện qua những hành động thiết thực nhằm đảm bảo sự an toàn của người lao động luôn được ưu tiên. Khi Việt Nam phải đối diện với những khó khăn bởi đại dịch Covid-19, chúng tôi sẵn sàng chung tay và sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc chiến này. Doanh nghiệp mong muốn có nguồn vắc xin tốt để giúp người lao động yên tâm làm việc. Hiện, công ty không chỉ làm việc với cơ quan chức năng mà còn trực tiếp làm việc với đơn vị cung ứng nhập khẩu vắc xin về Việt Nam”.
Theo đại diện Sabeco, năm 2020, khi Việt Nam lần đầu tiên đối diện với đại dịch Covid-19, Sabeco đã phối hợp cùng các cấp chính quyền tại các địa phương thực hiện các hoạt động hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu gồm: Các y bác sĩ, bộ đội và các lực lượng phòng chống Covid-19 tại các điểm cách li tập trung.
Sabeco hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm cho khu cách ly Tiền Giang.
Song song đó, Sabeco cũng đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp và đối tác trong cùng chuỗi cung ứng để mua những vật dụng, hàng hóa thiết yếu phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ phòng chống Covid-19. Bằng cách này, Sabeco đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và các đối tác địa phương không chỉ duy trì hoạt động kinh doanh mà còn ổn đinh việc làm cho người lao động trong thời điểm khó khăn.
“Sabeco có 44 công ty thành viên trong cùng hệ sinh thái và hơn 12.000 lao động trực tiếp là người Việt Nam. Hành động này của chúng tôi cũng đồng thời thể hiện những giá trị văn hóa của doanh nghiệp luôn lấy con người làm trọng tâm, hành động vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam”, ông Bennett Neo cho hay.
Cũng đang lựa chọn các giải pháp tìm kiếm nguồn vaccine, đại diện Masan Group cho biết, với số lượng hơn 40.000 lao động, tập đoàn đang rốt ráo đi tìm nguồn vắc xin phòng Covid-19 từ gửi công văn đến Bộ Y tế, Bộ Công Thương, UBND TP.HCM, Hà Nội và tận dụng một số mối quan hệ doanh nghiệp khác ở nước ngoài. Trong đó, doanh nghiệp tập trung vào các nguồn vắc xin nước ngoài ở Nga và Australia.
Khi có vắc xin, Masan sẽ ưu tiên tiêm phòng cho tuyến đầu là các nhân viên bán hàng, vốn tiếp xúc nhiều với bên ngoài và khả năng lây nhiễm cao. “Masan rất mong muốn được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công thương, các ban ngành liên quan để được tạo điều kiện tiêm vắc xin cho cán bộ, nhân viên sớm nhằm ổn định sản xuất và tránh phát tán khi là nơi có sự tiếp xúc rất cao với xã hội. Doanh nghiệp sẵn sàng chi trả ngân sách tiêm cho cán bộ, nhân viên của mình”, đại diện Tập đoàn Masan khẳng định.
Masan Group đang rốt ráo đi tìm nguồn vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho người lao động của của tập đoàn.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce đã ký công văn gửi đến Bộ Y tế và Bộ Công Thương, đề xuất được cơ quan chức năng năng tạo điều kiện để nhân viên của chuỗi Vincommerce được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19.
“Vì ngành hàng bán lẻ là nơi phục vụ các hàng hoá thiết yếu cho nhân dân và cũng là lực lượng tuyến đầu cùng Chính phủ chống dịch. Ngoài ra, đề xuất này còn góp phần tạo điều kiện mua sắm an toàn cho người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Phương chia sẻ.
Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề cũng ra sức tiếp cận các nguồn vaccinen tin cậy và kêu gọi thành viên đăng ký tham gia. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, Hiệp hội đang hợp tác với một số doanh nghiệp đã được cấp phép nhập khẩu vắc xin tại Việt Nam.
Ông cho biết các đơn vị nhập khẩu cũng phải thương lượng với nhà sản xuất vắc xin và chịu một số rủi ro, do đó cần làm việc với nhiều đối tác để gom đủ số lượng. Trong khi đó, mỗi hiệp hội tập hợp được rất đông doanh nghiệp thành viên với lượng lớn lao động.
"Riêng HAWA sau một ngày kêu gọi đã có hơn 50 doanh nghiệp đăng ký chờ nguồn vaccine với tổng số lượng trên 30.000 người", ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.
Ông nói thêm mức giá đang thương lượng được tương tự giá bán trên thị trường hiện nay của các loại vắc xin. "Tinh thần chung của doanh nghiệp là gánh vác khoản chi phí này, thậm chí không chỉ cho người lao động mà cả người thân", ông cho biết.
Mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cơ quan này đã đưa ra các chính sách khuyến khích, động viên địa phương, doanh nghiệp tham gia tìm kiếm nguồn vắc xin Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin.
Tới trưa 2/6, đã có 36 đơn vị được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu, bảo quản vaccine, trong đó có vắc xin Covid-19.
End of content
Không có tin nào tiếp theo