Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nữ Tiến sỹ có những ý tưởng độc lạ “biến họa thành phúc”

Những ý tưởng sản phẩm du lịch táo bạo, độc đáo như: Du lịch mùa mưa lũ miền Trung; "khách sạn bóng đêm", “chơi đùa” với gió ở Bạc Liêu, thậm chí có thể cảm nhận gió “vẽ”, gió “tỏ tình”, và gió… “ghen” tại Việt Nam chắc chỉ có TS-KTS Nguyễn Thu Hạnh.

Chiêm ngưỡng biệt thự đẹp như chốn bồng lai của tỷ phú Jack Ma / Doanh nhân Hàn Quốc thành tỷ phú nhờ bán mặt nạ dưỡng da cho người dùng Trung Quốc

Là người có 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn chiến lược và quy hoạch du lịch ở tầm quốc gia, nữ Tiến sỹ - Kiến trúc sư Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe) đã có tới 15 dự án du lịch mang tư duy đột phá.

Theo bà Hạnh,quá trình khai thác tài nguyên biển của Việt Nam chủ yếu tập trung khai thác tài nguyên thô, nghĩa là chỉ khai thác giá trị bề nổi sẵn có với phương thức “mì ăn liền”. Phương thức khai thác này không có một chút chất xám nào trong việc sáng tạo ra những giá trị mới, trong khi chúng ta có rất nhiều giá trị tài nguyên.

Toàn bộ rào cản khiến chúng ta không thể phát triển được và hạn chế khả năng sáng tạo. Với sự tác động của biến đổi khí hậu, bà Hạnh cho rằng đã đến ngưỡng phải thay đổi.

Tư duy đột phá là tư duy vượt khung, thậm chí phá bỏ hoàn toàn lối tư duy cũ đã trở thành lối mòn. Con người nếu không chịu trang bị cho mình tư duy hoàn toàn mới sẽ khó có thể phát triển.

TS-KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịchLiên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe).

Hiện nay, STDe đã công bố dự án, trong đó nổi bật là 4 dự án gồm:

Sản phẩm du lịch “Mưa, bão lụt miền Trung”

Dự án này xuất phát từ chuyến khảo sát miền Trung của TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh vào đúng dịp mưa lụt. Trong chuyến đi đó, bà Hạnh phát hiện ra các di sản ven biển của Việt Nam như Hội An, Huế, Đà Nẵng gặp phải bất lợi trong quá trình khai thác du lịch, đó là thường xuyên phải hứng chịu mưa, bão lụt.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của tư duy đột phá, những yếu tố trên lại mang nhiều giá trị có thể khai thác cho du lịch. Chẳng hạn, trong những ngày ngập lụt, những con thuyền đi trên phố cổ Hội An sẽ giúp du khách khám phá di sản dưới một góc nhìn hoàn toàn mới. Lũ lụt cũng là cơ hội cho du khách tiếp cận, khám phá các giá trị kiến trúc, nghệ thuật của tầng 2, tầng 3, tầng mái các ngôi nhà cổ.

Đối với cố đô Huế, mưa kéo dài suốt từ tháng 9 âm lịch cho đến Tết, mưa Huế dai dẳng rả rích, dìu dịu, lâm thâm trùm lên cả mùa thu và mùa đông. Vào mùa này, lượng khách du lịch đến Huế cũng sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, những trải nghiệm về mưa Huế có thể khiến cho khách du lịch thực sự tìm thấy sự mới mẻ và bổ ích.

 

Những ngày mưa, hoạt động bên ngoài bị đình trệ, các hoạt động trong nhà phát triển, du khách có điều kiện giao lưu chia sẻ, gần gũi nhau hơn. Mưa Huế thích hợp cho nhu cầu tĩnh tâm, thiền định, thưởng thơ...

Năm 2011, STDe chính thức công bố về dự án này và được cả 3 tỉnh thành miền Trung gồm Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam ủng hộ dự án “biến họa thành phúc” này.

“Các doanh nghiệp du lịch và người dân Hội An rất biết ơn dự án này vì nó khiến cho họ không bị giảm doanh thu trong những ngày ngập lụt.” TS – KTS Nguyễn Thu Hạnh nói.

Sản phẩm du lịch “Khách sạn bóng đêm”

Mô hình “khách sạn bóng đêm” ra đời từ thực trạng các vùng ven biển hay chịu cảnh mất điện. Dự án này giúp cho du khách trải nghiệm “vẻ đẹp” của bóng tối. Bà Hạnh cho hay STDe đã ký được 3 hợp đồng từ dự án này trong một Hội nghị được tổ chức tại Quảng Nam vào năm 2012.

 

"Khách sạn bóng đêm" gắn với việc sử dụng năng lượng điện ở mức tối thiểu, hầu hết các hoạt động diễn ra trong bóng tối. “Khách sạn bóng đêm” sẽ có các phòng ăn trong bóng tối dành cho các cặp tình nhân trong ánh sáng huyền ảo từ các đồ vật phát quang tự nhiên; phòng "bữa ăn âm phủ" dành cho du khách yêu thích cảm giác mạnh; phòng "bữa ăn quê xưa" dành cho du khách mong muốn trở lại không khí thực sự của làng quê nơi mình sinh ra, lớn lên với ánh trăng, ánh sao, đèn dầu.

Điều đặc biệt, phục vụ tại khách sạn bóng đêm có đến 30% là người khiếm thị. Sự có mặt của người khiếm thị giúp cho khách hiểu và cảm nhận được cuộc sống trong bóng tối của người khiếm thị, thông cảm với người bị mất đi ánh sáng.

Sản phẩm du lịch “Cát – Muối – Rác”

Bờ biển chúng ta có cát, có muối và giờ đây có thêm rác. Trong tư duy của bà Hạnh, rác cũng có thể trở thành sản phẩm du lịch.

Những dải cát có thể tạo thành vườn Thiền, hay thành nơi để các đôi trai gái cùng tạo nên những hình khối lãng mạn như trái tim, lâu đài trên cát. Bà Hạnh đưa ra ý tưởng sản phẩm “vườn thiền cát”, “bức họa trên cát”, tạo ra hình ảnh mới cho du lịch.

 

Những cánh đồng muối dọc chiều dài đất nước có thể biến thành những "Công viên muối".

Ngay cả rác, vốn được xem là thứ đáng sợ nhất tại các bãi biển, nữ Tiến sỹ này cũng đưa ra ý tưởng xây dựng công viên tái sinh trên các bãi biển, được xây dựng từ vật liệu là rác. Những chất thải rắn, lon bia, vỏ chai khi phân loại ra, du khách có thể tự xây những bức tường vật liệu tái sinh.

Trong khi đó, những cánh đồng muối có thể biến thành công viên muối, vẽ tranh muối, mê cung muối, muối có thể biến thành tranh, thuốc chữa bệnh,…

Tuy nhiên, bà Hạnh cho biết ý tưởng khai thác du lịch từ muối chưa được ứng dụng ở địa phương nào và đang mong mỏi có một nơi nào đó hợp tác khai thác ý tưởng này.

Sản phẩm du lịch “Gió Bạc Liêu”

“Khi về Bạc Liêu chúng tôi phát hiện ra nơi đây là một trong những cánh đồng gió lớn nhất của ĐBSCL. Tuy nhiên giá điện gió rất đắt, doanh nghiệp gặp khó trong việc bán điện gió và đây là thách thức trong việc phát triển năng lượng sạch.” TS-KTS Nguyễn Thu Hạnh cho biết.

 

Từ đó, STDe đã đề xuất với UBND tỉnh Bạc Liêu xây dựng chuỗi du lịch từ tài nguyên gió, không chỉ nhìn gió với khía cạnh năng lượng. Để giúp khách du lịch cảm nhận được các giá trị đặc sắc và tinh tế của gió Bạc Liêu, dự án đã đề xuất rất nhiều hoạt động du lịch phong phú giúp cho khách có những trải nghiệm thú vị trên "Cánh đồng điện gió. Du khách sẽ cảm nhận được những lúc gió vui, gió buồn… hay tức giận.

“Gió là yếu tố phi hình hài, phi vật thể, nhưng du khách hoàn toàn có thể nhìn thấy gió “múa” thông qua những vật liệu khác mà chúng tôi gửi gió vào. Thậm chí, với gió “vẽ”, có thể cảm nhận khi nào gió “tỏ tình”, khi nào gió đang… “ghen”.”

TS-KTS Nguyễn Thu Hạnh đang thuyết trình về các dự án của STDe.

Dưới sự giúp đỡ của UBND tỉnh Bạc Liêu, STDe đã ký hợp đồng ghi nhớ với Công ty điện gió Bạc Liêu và chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế.

Dự án cũng đề xuất việc đầu tư xây dựng đại lộ “ Cuốn theo chiều gió”, nhằm liên kết “ Quảng trường gió” với “ Cánh đồng điện gió Bạc Liêu” để tạo ra một tuyến cảnh quan du lịch đặc sắc. Hai bên đại lộ sẽ được trang trí bởi rất nhiều hoa gió và chuông gió. Du khách sẽ mua được rất nhiều quà kỷ niệm độc đáo từ những cửa hàng ở 2 bên đại lộ này. Những bức tranh gió vẽ, những cây đàn gió hay bộ sưu tầm những cối xay gió, chuông gió được thiết kế độc đáo sẽ là những dấu ấn đậm nét về gió Bạc Liêu.

Danh mục 15 sản phẩm du lịch STDe đã công bố gồm:"Mưa, bão lut miền Trung"; "Gió Bạc Liêu"; "Khách sạn bóng đêm"; "Cát, muối, và rác"; "Ngày tận thế"; "Lời của nước"; "Làng Vũ Đại ngày ấy"; "Theo dấu chân Thánh Tướng"; "Rơm Đường Lâm"; "Kỳ quan Hạ Long"; "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận"; "Mùa lúa chín"; "Tự tìm hạnh phúc"; "Huyền thoại Hồ Gươm"; "Nước khoáng Ba Vì".

TS-KTS Nguyễn Thu Hạnh cho biết, trong 10 năm qua kể từ ngày thành lập STDe, trung tâm đã phải tự bỏ tiền ra làm để tự khẳng định mình, sau đó ký hợp đồng khai thác du lịch với các doanh nghiệp địa phương nhằm triển khai vào thực tế.

 

10 năm nay theo đuổi tư duy đột phá cũng là quãng thời gian bà Hạnh và các đông nghiệp luôn cảm thấy cô đơn bởi những ý tưởng khác lạ không giống với tư duy truyền thống.

“Khi mới ra đời chúng tôi phải hứng chịu rất nhiều “gạch đá”. Tuy nhiên, chúng tôi đã phải rất dũng cảm đi trên con đường đó 10 năm nay,” bà Hạnh nói.

Theo Nguyễn Tuân/infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm