Doanh nghiệp - Doanh nhân

Sự sụp đổ của hai anh em cựu tỷ phú giàu nhất Mỹ

Theo Forbes, mức án phạt gian lận của cựu tỷ phú phá sản Sam Wyly giảm từ 1,3 tỷ USD xuống còn 500 triệu USD.

Tỷ phú Amazon quyên góp gần 100 triệu USD cho người vô gia cư / Những người bị loại khỏi danh sách tỷ phú trong năm 2019

Cựu tỷ phú Sam Wyly thường nghỉ ngơi và đọc sách trong căn biệt thự Edgemere nằm ở khu phố giàu có.

“Nhiều người sẽ cảm ơn tôi vì đã giúp người chồng quá cố của họ, hoặc một thành viên trong gia đình trở nên giàu có, hoặc cảm ơn tôi vì giúp họ có một công việc tốt ở một trong những công ty của tôi. Họ đều là những người tốt bụng”, Forbes dẫn lời Wyly, 85 tuổi.

Cựu tỷ phú muốn được nhớ đến với chuỗi cửa hàng thủ công mỹ nghệ Michael’s và một số công ty khác. Các công ty này đã giúp ông trở thành một trong những người giàu nhất nước Mỹ vào năm 2000 với tổng tài sản trị giá 750 triệu USD.

Tuy nhiên, người ta nhớ đến ông với án gian lận thuế nhiều hơn.

Vào năm 2010, Ủy ban Chứng khoán và Sở Thuế vụ đã buộc tội Sam Wyly và người anh Charles vào một trong những vụ trốn thuế lớn nhất lịch sử. Theo cáo buộc, hai anh em đã tận dụng một mạng lưới quỹ để che giấu doanh số cổ phiếu, từ đó tạo ra hàng trăm triệu USD lợi nhuận bất chính.

Cuối cùng, Wyly bị kết án và phải trả 1,3 tỷ USD cho các khoản thuế, tiền lãi và tiền phạt, trong đó có 1,1 tỷ USD phải trả cho IRS và 200 triệu USD tiền nợ SEC.

Tuy nhiên, theo người con trai lớn Evan Wyly và luật sư Jim Lee, Wyly giờ đã trong sạch.

1

Sam Wyly từng là một trong những người giàu nhất nước Mỹ vào năm 2000. Ảnh: Forbes.

Ông đã trả cho SEC 200 triệu USD, trong khi IRS đồng ý cho phép Sam Wyly chỉ cần trả 300 triệu USD vào tháng 10. Điều đó có nghĩa là cuối cùng Sam Wyly chỉ phải trả tổng cộng 500 triệu USD, giảm đến 800 triệu USD so với án phạt ban đầu.

Ông này chỉ trả toàn bộ khoản thuế mà không thể trả tiền lãi và tiền phạt, theo Evan Wyly.

Sau khi thỏa thuận với IRS, ông cũng thoát khỏi phá sản. Cựu tỷ phú 85 tuổi đã không còn nợ, dù tài sản cá nhân của ông vẫn bị sụt giảm đáng kể. Sau khi tuyên bố phá sản vào năm 2014, ông buộc phải bán hết đất đai, các tác phẩm nghệ thuật và những tài sản khác.

Các tài sản còn lại, bao gồm quỹ ủy thác của những người con, đang được thanh lý để hoàn trả 300 triệu USD cho các chủ nợ.

 

“Tôi đã già rồi. Tôi không cần nhiều”, cựu tỷ phú chia sẻ.

Sam Wyly sống trong căn nhà nghỉ hưu với tiền thuê khá khiêm tốn đối với một cựu tỷ phú: 7.500 USD/tháng, theo hồ sơ tòa án. Ông được phép giữ lại hạng thương gia tại American Airlines, những bức tranh đã ủy thác cho gia đình và chiếc Lexus IS 200t đời 2017.

Sam Wyly có sáu người con, chín người cháu và chín người chắt. Con gái Christiana của ông mới đây kết hôn với Kimbal, em trai của Elon Musk. Giờ ông sống một cuộc sống yên bình dù tài sản của cựu tỷ phú này đã bốc hơi gần hết.

Thành công với cuộc bùng nổ máy tính

Sam Wyly được sinh ra ở vùng nông thôn Louisiana trong cuộc Đại suy thoái. Mẹ ông quản lý một trường dạy nhảy còn bố ông sở hữu một đồn điền bông. Sau một năm thất thu, cả gia đình phải sống trong một căn nhà gỗ không có hệ thống ống nước và điện.

 

Wyly tốt nghiệp Đại học Louisiana Tech và sau đó kiếm học bổng để lấy bằng MBA tại Đại học Michigan.

Sau khi tốt nghiệp, ông đến Texas để tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc và sau đó trở thành đại diện bán hàng tại IBM và Honeywell.

Năm 1963, ông thành lập Universal Computing bằng 1.000 USD với ý tưởng xây dựng một công ty lớn sẽ trả tiền để truy cập vào một máy tính dùng chung. Cơ sở đầu tiên nằm ở khuôn viên Đại học Southern Methodist. Đó là một quyết định đúng đắn.

Công ty tăng trưởng nhanh chóng với doanh thu từ 700.000 USD (năm 1964) lên 7 triệu USD (năm 1966) và 60 triệu USD (năm 1968).

Các nhà đầu tư ồ ạt mua cổ phiếu và đẩy giá trị vốn hóa của công ty lên đến 1 tỷ USD.

 

Charles Wyly - anh trai của Sam Wyly. Ảnh: Forbes.

Từ thành công của Universal Computing, ông bắt tay vào những dự án tiếp theo. Wyly muốn xây dựng một hệ thống mạng kỹ thuật số trên toàn quốc, giúp các máy tính có thể truyền dữ liệu bên ngoài đường dây điện thoại. Nhưng AT&T, công ty muốn duy trì hoạt động kinh doanh dữ liệu đó, đã cản trở ông.

Công ty của Wyly, Datran, đã chi 100 triệu USD cho trận chiến về kỹ thuật và quy định nhưng thất bại. Sau đó, ông tố cáo vị thế độc quyền của AT&T tại tòa án.

Vụ việc dẫn đến khoản bồi thường trị giá 50 triệu USD cho Datran và các bên khác vào năm 1980, giúp mở đường cho sự sụp đổ của Ma Bell trong năm 1984.

 

Trong thời gian đó, Wyly bận rộn bắt đầu hoặc mua lại nhiều doanh nghiệp khác, bao gồm Bonanza Steakhouse. Ông mua lại một nhà hàng bít tết nhỏ trong khu vực vào năm 1967 và mở rộng đến 600 cơ sở trước khi bán lại trong năm 1989.

Ông bắt đầu công ty Sterling Software vào năm 1981 và bán với giá 4 triệu USD hồi tháng 3/2000, ngay trước khủng hoảng dot-com.

Năm 1982, ông đã tìm đến Michael’s và biến thương hiệu chỉ có sáu cơ sở thành nhà bán lẻ thủ công mỹ nghệ hàng đầu cả nước. Wyly bán Michael’s cho Bain và Blackstone với giá 6 triệu USD vào năm 2006.

Ngay cả trước khi bước vào hàng ngũ tỷ phú, Wyly đã là một nhà tài trợ tên tuổi của Đảng Cộng hòa. Vào năm 1960, ông ủng hộ nỗ lực trở thành tổng thống Mỹ của Nixon ở Texas và sau đó quyên góp cho các chiến dịch của George H.W. Bush, George W. Bush, John McCain, Bob Dole và Jeb Hensarling.

Ông cũng lên tiếng phản đối Tổng thống Trump về quan điểm chống nhập cư. Cựu tỷ phú đang thực hiện một cuốn sách viết về những người nhập cư thành công như Indra Nooyi của PepsiCo, Sergey Brin của Google và Elon Musk của Tesla. “Có rất nhiều cuộc nói chuyện về chống nhập cư nhưng chúng ta là một quốc gia của người nhập cư. Tất cả chúng ta đều đến từ một vùng nào đó”, Wily nhận định.

 

“Kế hoạch bí mật”

Những rắc rối của anh em nhà Wyly bắt đầu với kế hoạch chuyển tiền ra nước ngoài của Sam Wyly sau cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay trong thập niên 80.

Khi một ngân hàng đột ngột rút tín dụng của Michael’s, Wyly mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ, theo lời khai của ông.

Cựu tỷ phú đã tiến hành lập hàng chục tài khoản ở Quần đảo Cayman và Isle of Man từ năm 1992 đến năm 2005. Họ đã sử dụng “kế hoạch bí mật” này để che giấu việc bán 14 triệu cổ phiếu tại các công ty giao dịch công khai mà họ quản lý. Kế hoạch này tạo ra 550 triệu USD lợi nhuận, theo SEC.

Họ cũng ngụy trang quyền sở hữu. Theo các tài liệu của tòa án, hai anh em sở hữu 37% cổ phần Michael’s, 34% cổ phần Sterling Software và 16% Scottish RE, nhưng hồ sơ công ty vào thời điểm đó chỉ ghi nhận khoảng 25% số cổ phần đó.

 

Điều này cho phép họ bán một lượng lớn cổ phiếu mà không thu hút sự chú ý từ truyền thông và giới đầu tư.

Số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu đã chi phí cho lối sống thượng lưu với khách sạn xa xỉ, nghệ thuật và trang sức.

Hai anh em đã mua các trang trại tại Aspen và dinh thự trị giá 8 triệu USD ở Malibu. Họ mua đồ trang sức đắt tiền như viên ruby trị giá 622.000 USD, vòng cổ trị giá 759.000 USD cho vợ mình.

Một trong những cơ ngơi đồ sộ cũ của cựu tỷ phú 85 tuổi. Ảnh: Forbes.

 

Ngoài ra, hai anh em cũng chuyển 300 triệu USD vào các quỹ phòng hộ, để 120 triệu USD trong tài khoản ngân hàng, theo tài liệu của toà án.

Ngay từ đầu, anh em nhà Wyly đã một mực chối tội.

“Giống với mọi kế hoạch của các công ty bảo hiểm lớn, sự đánh đổi cho những gì tôi làm là bạn có thể trì hoãn các giao dịch và thuế lãi vốn”, ông cho biết.

Năm 2014, hai anh em bị kết tội lừa đảo. Thẩm phán ra lệnh cho Sam phải trả 198,1 triệu USD, và Charles - người đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi năm 2011 - bị phạt 101,2 triệu USD.

IRS cũng yêu cầu Sam Wily và Charles trả lần lượt 2,03 tỷ USD và 1,1 tỷ USD.

 

Năm 2016, mức phạt đối với Sam là 1,1 tỷ USD và hiện giảm còn 300 triệu USD.

Choáng ngợp bởi tiền phạt và phí pháp lý, cựu tỷ phú tuyên bố phá sản hồi năm 2014 và dừng lối sống xa hoa.

Ông bán căn biệt thự của mình ở Highland Park, căn hộ nằm tại New York cùng hiệu sách, trang trại. Cựu tỷ phú cũng bán đấu giá bộ sưu tập nghệ thuật và sa thải nhân viên.

“Tôi vẫn có những món ăn ngon và nơi đẹp đẽ để đi. Tôi từng chạy vòng quanh thế giới, nhưng giờ tôi không còn quan tâm đến điều đó. Phá sản là một cách để dọn dẹp mọi thứ và đảm bảo rằng đó không phải là thứ gây ảnh hưởng đến con cháu tôi”, ông cho biết.

Và đến nay, cựu tỷ phú vẫn khẳng định: “Tôi không làm gì sai cả. Mọi thứ tôi làm đều có ý nghĩa”.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm