Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp

“Sức khỏe” của cộng đồng DN đã có những tín hiệu khởi sắc, song vẫn còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt ở DN nhỏ vừa vừa. Chính vì thế, tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho DN là điều cần thiết hiện nay.

Sức mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng dịp lễ Quốc khánh / Dừa sớm lọt top xuất khẩu tỷ đô?

Sản xuất phục hồi, “sức khỏe” DN khởi sắc

Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), tháng 8/2023 có 14.047 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 135.298 tỷ đồng. Con số này tăng 17,9% về số DN và tăng 3,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cơ khí xây lắp và Thương mại Minh Cường, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng

Còn trong 8 tháng đầu năm 2023, số DN thành lập mới là 103.658 DN. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay; tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022 (89.899 DN). Bình quân một tháng có 18.700 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, điều này đã phần nào thể hiện niềm tin của cộng đồng DN với các chính sách phục hồi kinh tế của Quốc hội, Chính phủ, như tăng tốc đầu tư công, giảm thuế VAT…

Sản xuất, kinh doanh tháng 8 đã tốt hơn so với tháng 6, tháng 7 và so với cùng kỳ trên nhiều lĩnh vực phản ánh sức khỏe của cộng đồng DN đã có những tín hiệu khởi sắc. Trong đó, sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515.400 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Thêm nữa, từ đầu quý III/2023, nhiều ngành hàng như dệt may, thủy sản, hồ tiêu, gỗ, da giày... đang ghi nhận đơn hàng quốc tế quay trở lại...

Doanh nghiệp còn khó khăn về dài hạn

Tuy nhiên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định tình hình kinh doanh của DN vẫn rất khó khăn. Điều này thể hiện ở chỗ, quy mô vốn của DN gia nhập thị trường tiếp tục có xu hướng giảm: số vốn đăng ký của DN thành lập mới trong 8 tháng này đạt 969.618 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 8 tháng đầu năm giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, số DN rời thị trường vẫn còn khá cao, 8 tháng có 124.684 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2022. Một điểm cần lưu ý là đa số DN rút lui khỏi thị trường là các DN mới thành lập có tuổi đời dưới 3 năm. Trong số DN giải thể, ngừng hoạt động có đến 36.024 DN quy mô vốn nhỏ, dưới 10 tỷ đồng chiếm gần 88%.

 

Phân tích điều này chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho biết, các DN nhỏ và vừa hoạt động với nguồn vốn, nguồn nhân lực rất hạn chế nên dễ bị tổn thương hơn bởi những yếu tố bên ngoài tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. DN chưa được trang bị kỹ càng trước khi gia nhập thị trường, những hạn chế cố hữu của DN nhỏ và vừa chưa được giải quyết căn bản, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo còn thấp, môi trường kinh doanh mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn những rào cản gây khó khăn cho DN…

“Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì những điểm yếu cố hữu của DN nhỏ và vừa nước ta nếu không được cải thiện sẽ càng lộ rõ và "phát tác" mạnh hơn” - TS Lê Đăng Doanh nói.

Bên cạnh đó, 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Việc nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục thặng dư ở mức cao. Tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD.

Tuy vậy, ở góc độ khác, theo TS Lê Đăng Doanh cũng là điều đáng lo. Ở một nền kinh tế dựa nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu như Việt Nam, xuất siêu lớn có thể là dấu hiệu cho thấy sản xuất - kinh doanh trong nước đang tiếp tục gặp khó nên nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.

 

Một điểm đáng lưu ý nữa là DN bất động sản còn nhiều khó khăn. Một số ngành có mức vốn đăng ký mới giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 là: Vận tải kho bãi (giảm 54,06%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 53,48%); Kinh doanh bất động sản (giảm 48,8%)...

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì, có tới 25% DN sẽ chỉ gắng gượng đến hết quý III/2023 và đến cuối năm 2023, số lượng DN có nguy cơ phá sản sẽ tăng cao.

Thích ứng để gia tăng

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, các DN đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh. Do đó, cơ quan này đề xuất, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, kiến nghị Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn.

Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực tư nhân đang suy giảm đầu tư và tiêu dùng, kiến nghị Chính phủ quan tâm, ưu tiên việc thực hiện chính sách tài khóa, nhất là trong giai đoạn từ nay đến cuối năm nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người dân và DN. Cụ thể, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng và các chính sách giãn - hoàn thuế, phí, tiền thuê đất; xem xét giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho DN.

Nhiều DN sản xuất kiến nghị, để kéo giảm chi phí cho DN, cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho DN. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành trong những tháng gần đây nhưng với tình hình kinh doanh khó khăn của DN thì thách thức vẫn còn rất lớn. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN, bình ổn giá. Đồng thời, nắm bắt thông tin để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ, nhất là thủ tục tín dụng nhằm giúp DN tiếp cận, cập nhật chính sách mới của Chính phủ.

 

Đổi mới công nghệ quốc gia cũng là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ DN gia tăng giá trị sản xuất. Ông Lê Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc FPT Digital cho biết, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Do đó, mong đợi Chính phủ ban hành khung chuyển đổi số, hướng dẫn về chuyển đổi số để các DN có thể hiểu và tham gia trực tiếp vào các chương trình chuyển đổi số một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các nguồn lực tài trợ để giúp các DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận chuyển đổi số một cách hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 644 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và DN. Trong đó, có 3 điểm được nhấn mạnh là không chỉ cải cách thủ tục mà cắt giảm 20% chi phí tuân thủ; tiến hành rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính là rào cản; đồng thời xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân và DN. Trong bối cảnh trên, để tháo gỡ khó khăn cho DN, cần thiết thực hiện cải cách thể chế. Cần có chính sách nuôi dưỡng, hỗ trợ DN trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu

Tổng cầu yếu, chi phí sản xuất gia tăng kéo theo hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại bị thu hẹp. Kích cầu thị trường trong nước là giải pháp quan trọng. Nên giảm thuế phí cho sản xuất, kinh doanh; mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT; kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024 sẽ vừa giúp khoan sức dân, làm người tiêu dùng bớt khó khăn, đồng thời tác động ngay vào thị trường của các DN.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm