Doanh nghiệp - Doanh nhân

Thiết kế đầu ra cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực

Một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thuỷ sản, rau quả... đang cho thấy khả năng phục hồi tốt dù Covid-19 còn âm ỉ. Điều quan trọng vẫn là khơi thông đầu ra, nhưng để trở lại mạnh mẽ hơn trong tương lai thì không ít việc cần được “thiết kế” thêm.

'Sói đơn độc' Trung Quốc trở thành người giàu nhất châu Á / Giám đốc Kinh doanh hàng không Hải Âu: Xu hướng quan trọng để nổi bật trên thị trường là sự riêng tư và độc đáo trong trải nghiệm

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 3/2021, dệt may là một trong số nhóm hàng xuất khẩu (XK) chủ lực có sức tăng trưởng mạnh với kim ngạch tăng 565 triệu USD, tương ứng tăng 79,6% so với nửa cuối của tháng 2/2021.

Tín hiệu phục hồi tốt

Ngay như 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK ngành dệt may đã đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ 2020. Đó là những tín hiệu lạc quan cho thấy ngành dệt may Việt Nam có thể phục hồi tốt và hướng tới đạt mục tiêu XK trong năm nay là từ 39-40 tỷ USD.

HINH-7267-1616404724.jpg

Tăng trưởng XK rau quả từ đầu năm đến nay đang cho thấy tín hiệu phục hồi tốt.

Ts. Majo George, thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị của đại học RMIT, nhận định ngành thời trang và dệt may Việt Nam cho thấy khả năng phục hồi tốt suốt từ khi Covid-19 bùng phát đến nay. Nhất là các nhà sản xuất trong nước đã đa dạng hóa các dòng sản phẩm vàchuẩn bị tốt hơn trong việc hoàn thành các đơn hàng XK trước các đối thủ cạnh tranh ở Campuchia, Myanmar, Ấn Độ và Indonesia, nơi các biện pháp kiểm soát Covid-19 không mạnh bằng.

Còn với XK thuỷ sản, trong tháng 3 này cũng đang cho thấy những tín hiệu sáng khi nhiều DN đã có sự quyết tâm và chuẩn bị kỹ từ nguồn cung tới sản xuất để đẩy mạnh XK. Kim ngạch XK cũng được dự báo sẽ đạt 640 triệu USD, tăng 1,5% so cùng kỳ năm 2020.

Đơn cử như việc XK tôm đang được kỳ vọng sẽ có những đột phá trong các tháng tới đây sau quá trình phát triển thị trường mới đang mang lại hiệu quả tích cực. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) thì qua một năm bị dịch Covid-19 chi phối, cơ cấu thị trường tôm XK của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể.

Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay đã có 67 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam, so với cùng kỳ năm ngoái có 63 thị trường. Trong đó, có nhiều thị trường tăng nhập khẩu tôm Việt Nam với mức tăng đột phá như Australia, Bỉ, Nga, Chile, Campuchia…

Với thị trường Australia, Vasep cho biết, chỉ sau 1 năm, tính đến nay đã có thêm 12 công ty tham gia XK tôm sang thị trường này (nâng tổng số lên 35 công ty của Việt Nam cùng XK tôm sang Australia). Số doanh nghiệp (DN) XK tăng cùng với kim ngạch XK của các công ty lớn tăng là yếu tố mang lại kết quả khả quan cho XK tôm sang Australia tăng trưởng 115% như hiện nay.

 

Trong đó, riêng Minh Phú đã chiếm 37% tổng XK tôm Việt Nam sang Australia và có doanh số tăng vọt 159% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Minh Phú, CASES, Agrex Sài Gòn, SEAVINA, Thủy sản Quang Minh, Thủy sản Hải Sáng, O&H LOONG PTY...cũng nằm trong top 10 DN XK tôm sang Australia.

Ở mảng XK rau quả, trao đổi với Vnbusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết tình hình XK đang cho thấy những tín hiệu phục hồi tốt. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2021 thì kim ngạch XK rau quả tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó với thị trường chủ lực Trung Quốc đã tăng 5,6%. Hoạt động XK sang các thị trường lớn khác cũng ghi nhận tăng.

Vượt rào cản sau đại dịch

Theo ông Nguyên, việc tận dụng tính hiệu lực các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang giúp mở đường ra cho các DN tăng kim ngạch XK rau quả trong năm nay.

“Đương nhiên là sức tăng trưởng so với các năm trước là không bằng do dịch Covid-19 vẫn còn, DN còn rất nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề về vận chuyển, giá cước tăng cao, thiếu container rỗng, đường hàng không trục trặc... làm cho ảnh hưởng đến giá thành. Ngoài ra, sức tiêu thụ ở thị trường nhập khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn là một thách thức lớn”, ông Nguyên chia sẻ.

 

Có thể nói, những số liệu khả quan về kim ngạch XK của các ngành hàng chủ lực nêu trên là điều đáng khích lệ cho quá trình phục hồi trong năm nay sau các tác động tiêu cực của Covid-19.

Như lưu ý của Ts. Majo George, các nhà sản xuất ở Việt Nam nên tập trung vào những sản phẩm đang có nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu, đồng thời tạo ra các sản phẩm bền vững, nâng cấp công nghệ và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số.

“Đối với các nhà sản xuất và bán lẻ, đây là thời điểm để nhìn lại hoạt động, thiết kế lại chuỗi cung ứng, tìm kiếm các sản phẩm phù hợp trong tương lai và đầu tư vào nhu cầu của ngày mai”, ông George nhấn mạnh.

Chẳng hạn với ngành dệt may, theo vị chuyên gia của RMIT, nên chuẩn bị kỹ càng để vượt qua mọi rào cản sau đại dịch. Các nhà sản xuất cần hợp tác chặt chẽ với người mua để hiểu và đáp ứng chuyển đổi nhu cầu đang diễn ra trên thị trường thông qua các nền tảng kỹ thuật số đa dạng.

Hơn nữa, tất cả các nhà bán lẻ hoạt động tại thị trường địa phương hay toàn cầu đều sẽ tập trung vào hoạt động đa kênh, nơi thương mại điện tử và cửa hàng bán lẻ bổ trợ cho nhau.

 

Và xu hướng này tiếp diễn trong quý đầu năm 2021 và sẽ là xu hướng tương lai ngay cả khi cuộc sống trở lại bình thường. Do đó, các nhà sản xuất của Việt Nam nên sử dụng đa kênh để đẩy mạnh XK (XK trực tiếp cũng như trực tuyến).

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm