Thiếu giám sát chặt chẽ, lượng tài nguyên tiêu thụ năm 2060 sẽ gấp đôi năm 2015
DNVN - Trên toàn cầu chỉ có 8,6% sản lượng sản xuất vào vòng tuần hoàn, và nếu thiếu đi sự giám sát chặt chẽ đối với lộ trình này, lượng tài nguyên tiêu thụ vào năm 2060 sẽ gấp đôi năm 2015.
Startup đồ bơi tái chế từ chai nhựa gọi vốn nghìn đô / “Tỷ phú tái chế” Anthony Pratt: Đứa trẻ hư bước ra từ cái bóng của cha, trở thành đại gia thành công nhất ngành tái chế - bao bì
Nhân loại chỉ mới đưa được 8.6% sản lượng sản xuất vào vòng tuần hoàn
Tại Hội thảo chuyên đề “Kinh tế Tuần hoàn – Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VCCI-VBCSD) tổ chức chiều 14/10, các chuyên gia đã bàn thảo về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) cũng như công cụ thúc đẩy xây dựng mô hình kinh tế xanh và bền vững.
Chia sẻ về vấn đề kinh tế tuần hoàn (KTTH) trên thế giới, đại diện WBCSD, ông Brendan Edgerton, Giám đốc Chương trình Kinh tế tuần hoàn cho biết, nhân loại chỉ mới đưa được 8.6% sản lượng sản xuất vào vòng tuần hoàn, và nếu thiếu đi sự giám sát chặt chẽ đối với lộ trình này, lượng tài nguyên tiêu thụ vào năm 2060 sẽ gấp đôi năm 2015.
Thiếu đi sự giám sát chặt chẽ đối với lộ trình này, lượng tài nguyên tiêu thụ vào năm 2060 sẽ gấp đôi năm 2015.
Kết quả nghiên cứu thực trạng và tiềm năng thực hiện KTTH của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam của VBCSD cho thấy, thông qua việc áp dụng thực hiện trên 100 doanh nghiệp vừa và lớn thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến nguyên liệu và sản phẩm của 9 nhóm sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm và đồ uống không cồn dựa trên phương pháp Circulytics của Ellen MacArthur Foundation cho thấy, 90% doanh nghiệp được khảo sát đã có các hoạt động chuyển đổi sang mô hình KTTH ở các mức độ khác nhau, tập trung ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu, cơ sở hạ tầng, sử dụng bao bì.
Hiện nay, các doanh nghiệp FMCG đã có sự chuẩn bị tích cực cho việc chuyển đổi sang mô hình KTTH, tuy nhiên hoạt động hợp tác và truyền thông còn thiếu và yếu, trong đó, hoạt động chuyển đổi sử dụng năng lượng chưa được ưu tiên đúng mức.
Chú trọng chuỗi logistics bao bì và cải thiện hoạt động tái chế tại địa phương
Để góp phần giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng theo KTTH, ông Fausto Tazzi, Tổng giám đốc Công ty La Vie, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam cho biết: “Để có một cơ chế EPR thực sự hiệu quả, cần xây dựng được chuỗi logistics bao bì (từ lúc bao bì được sản xuất cho đến giai đoạn sau sử dụng) với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, gồm nhà sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng, đơn vị thu gom rác thải và doanh nghiệp tái chế.
“Một khi chuỗi này được kiểm soát tốt, sẽ đảm bảo chất lượng rác thải, từ đó bao bì sau sử dụng mới có thể trở thành nguyên liệu có giá trị cao, tiếp tục quay trở lại vòng sản xuất thay vì thải ra môi trường, tạo nên một mô hình kinh tế tuần hoàn”, ông Fausto Tazzi nói.
Phó Chủ tịch PRO Việt Nam cũng khẳng định: Hệ thống EPR cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan, nên cũng sẽ đặt ra thách thức lớn cho La Vie cũng như các doanh nghiệp khác khi thực hiện.
Vì thế, cơ quan chức năng cần tạo ra một môi trường bình đẳng cho tất cả các bên liên quan trong mô hình EPR và đưa ra các quy định rõ ràng.
Đồng thời, thực hiện vai trò “trọng tài” cũng như kiểm toán để tránh các ưu đãi lẫn chế tài không chính đáng đối với một số nguyên liệu sản xuất, đảm bảo sự nhất quán từ trung ương đến cấp địa phương. Đây là những điều kiện cần thiết để hệ thống EPR có thể hoạt động tốt.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo.
Ông Fausto Tazzi cho biết thêm, công ty La Vie và công ty Nestlé Việt Nam – các thành viên của Tập đoàn Nestlé cam kết thực hiện các kế hoạch nhằm giảm lượng nhựa dùng lần đầu (virgin plastic) trong đóng gói sản phẩm, giảm phát thải nhựa (plastic footprint) ngay tại nguồn và đóng góp cho các sáng kiến thu gom tương đương lượng bao bì đưa ra thị trường đến năm 2025.
Hiện gần như toàn bộ sản phẩm của La Vie có thể tái chế 100%. Đầu năm nay, La Vie trở thành thương hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam sử dụng chai làm từ nhựa tái chế (rPET) đạt tiêu chuẩn bao bì thực phẩm, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất rPET để đẩy nhanh hơn nữa mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo cơ hội tái sinh cho vỏ chai. Nestlé Việt Nam và La Vie cũng là những thành viên sáng lập của PRO Việt Nam.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện các hoạt động tái chế tại địa phương để phát triển KTTH tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Truyền thông Đối ngoại và Phát triển Bền vững, Coca-Cola Việt Nam cho rằng, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc thu gom và tái chế bao bì là một phần quan trọng trong Chiến lược “Vì một thế giới không rác thải” của Coca-Cola.
Theo đó, công ty Coca-Cola đặt mục tiêu đến năm 2030, thu gom và tái chế tương đương 100% lượng bao bì mà công ty bán ra trên toàn cầu. Đến năm 2025, đạt tỉ lệ 100% bao bì có thể tái chế, và đến năm 2030, sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong bao bì sản phẩm của công ty.
Trong khuôn khổ Chiến lược “Vì một thế giới không rác thải”, Coca-Cola hợp tác cùng các công ty khác thành lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam), đồng thời phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) triển khai “Mạng lưới hành động giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế rác thải nhựa” (Plastic Action Network - PAN) từ năm 2018, nhằm cải thiện các hoạt động tái chế tại địa phương, đảm bảo 3 tiêu chí an toàn, thực tiễn và có thể nhân rộng mô hình này cho các đơn vị, cá nhân thu gom rác thải trong nước. Dự án đã được triển khai tại vịnh Hạ Long, thành phố Hạ Long và mới đây là huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
Coca-Cola cũng đồng hành cùng UNESCO Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy vai trò của thanh niên và các nhà khoa học trẻ tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và quản lý chất thải nhựa tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ven biển tại Việt Nam với Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” từ 2017 đến nay.
“Hiểu được EPR là công cụ quan trọng trong mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy các doanh nghiệp khép kín chu trình sản xuất – tái chế hay tạo ra một vòng kinh tế tuần hoàn của các chuỗi giá trị sản phẩm, bao bì, Coca-Cola ủng hộ và sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thu gom, tái chế bao bì cùng các đối tác trong nước và quốc tế, từng bước hỗ trợ kinh tế tuần hoàn cho bao bì sản phẩm, và hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững cùng Việt Nam”, bà Hằng nói.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo