Doanh nghiệp - Doanh nhân

TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp lo thiếu lao động sau khi hoạt động sản xuất trở lại

DNVN - Sau thông tin TP Hồ Chí Minh đang hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch sản xuất trở lại sau hơn 100 ngày ngừng hoạt động. Tuy nhiên điều mà các DN lo lắng hiện nay là vấn đề thiếu hụt nhân sự sau thời gian dài giãn cách.

Thừa Thiên Huế bắt tay Tập đoàn Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc phát triển đô thị thông minh / Nhiều doanh nghiệp vận tải quốc tế muốn hợp tác với Tập đoàn Mai Linh

Lo ngại thiếu hụt lao động chất lượng cao

Sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội với nhiều mức độ, tình hình kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều tín hiệu khả quan. Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9.

Theo đại diện các doanh nghiệp, những tháng cuối năm là khoảng thời gian các doanh nghiệp bước vào mùa sản xuất nhằm phục vụ thị trường Noel và Tết dương lịch. Do đó việc chính quyền thành phố chuẩn bị đẩy đủ nguồn lực để mở cửa, tái hoạt động sản xuất sau ngay 15/9 được xem như “chiếc phao cứu sinh” giúp doanh phục hồi kinh doanh sau chuỗi ngày đóng cửa.

Tuy nhiên, điều mà nhiều doanh nghiệp lo lắng là sau khi sản xuất được hoạt động trở lại thì nguồn nhân lực lại không đủ đáp ứng. Bởi khi dịch bệnh ập đến, doanh nghiệp không có nguồn thu nên đóng cửa, từ đó người lao động không có thu nhập nên đã bỏ về quê rất nhiều.

Thiếu hụt nhân sự sẽ là vấn đề lớn với các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh sau ngày 15/9.

Thiếu hụt nhân sự sẽ là vấn đề lớn với các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh sau ngày 15/9.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và phân phối gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, Châu Âu, Châu Phi, ông Nguyễn Bình Minh, Giám đốc Công ty TNHH chế biến gỗ Minh Tâm (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) cho biết, kể từ đầu dịch đến nay do ảnh hưởng của COVID-19 nên hoạt động của công ty bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Theo ông Minh, giữa năm 2020 khi dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp đã khiến việc nhập khẩu gỗ từ các đối tác nước ngoài chuyển đến trở nên khó khăn, điều này đã làm hoạt động sản xuất của công ty bị ngưng trệ, máy móc lúc chạy lúc dừng. Để giải quyết tình trạng này, doanh nghiệp của ông Minh phải lên kế hoạch tìm kiếm thêm các đối tác trong nước. Sau một thời gian trầy trật thì hoạt động sản xuất may mắn trở lại gần như bình thường.

Những tưởng việc kinh doanh trở nên ổn định thời gian sau đó thì đến đấu năm 2021 dịch COVID-19 trong nước trở nên phức tạp. Sau đó, từ TP Hồ Chí Minh rồi lần lượt đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… thực hiện việc giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Do không đáp ứng đủ các điều kiện của phương án “3 tại chỗ” nên giữa tháng 7 vừa qua công ty buộc phải dừng hoạt động. Toàn bộ hơn 200 người lao động trong công ty đều phải ở nhà.

Theo ông Minh, lo sợ người lao động vì thế mà bỏ về quê không trở lại sản xuất nên thời thời gian đầu công ty vẫn trả tiền lương cơ bản cho toàn bộ nhân công trong công ty với chi phí gần 1,5 tỷ đồng. Cộng thêm các các khoản phí như mặt bằng kho bãi, bảo dưỡng máy móc, thuế, lãi suất ngân hàng thì mỗi tháng ông Minh phải chi ra gần 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do công ty ngưng hoạt động, không có nguồn thu mà vẫn phải chi tiền đều đặn nên được một tháng sau, ông Minh không đủ khả năng thanh toán tiền lương cho người lao động. Vì thế mà người lao động, đặc biệt là những người có tay nghề cao bỏ về quê rất nhiều. Theo khảo sát của công ty, số nhân sự còn trụ lại thành phố chỉ còn 40%, tức là gần 100 người, hiện những người này đã tiêm vaccine mũi 1.

Theo ông Minh, những tín hiệu của thành phố đưa ra trong mấy ngày qua là rất đáng mừng, doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng trong tâm thế phục hồi mới cho sản xuất sau ngày 15/9. Song ông Minh vẫn còn lo lắng cho hoạt động của doanh nghiệp mình trong thời gian sắp tới.

“Sở dĩ như vậy là bởi không chỉ công ty tôi mà tất cả doanh nghiệp hiện đã đóng cửa quá lâu, nguy cơ phá sản, dừng hoạt động mãi mãi là luôn hiện hữu. Việc cho phép hoạt động trở lại trong những ngày sắp tới sẽ giúp doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất, tiếp tục thực hiện đơn hàng cho các đối tác và đưa ra thị trường trong thời gian cuối năm. Còn lo là bởi, hiện nay đa phần nhân lực có tay nghề cao trong công ty đã bỏ việc và không quay lại được, nếu công ty mở lại hoạt động thì nhân sự tham gia chỉ khoảng 40%, đơn hàng rất khó hoàn thiện đúng tiến độ. Muốn tuyển thêm người thì sẽ rất vất vã đào tạo tại”, ông Nguyễn Bình Minh lo lắng.

Tháng 9/2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất “quyết định” để “cứu nguy” cho cả doanh nghiệp đang duy trì hoạt động và doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng do dịch bệnh.

Việc mở cửa, phục hồi lại sản xuất trong lúc này có thể xem là thời điểm“quyết định” để “cứu nguy” cho cả doanh nghiệp đang duy trì hoạt động và doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng do dịch bệnh.

Vấn đề ổn định lực lượng lao động để giữ vững sản xuất sau thời gian giãn cách xã hội cũng trở thành mối quan tâm lớn nhất đối với Công ty TNHH Thương Mại may mặc Gia Linh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Bà Phạm Mãu Tâm, Giám đốc công ty cho biết, dù doanh nghiệp vẫn duy trì lương tối thiểu, thăm hỏi, hỗ trợ giải quyết chính sách hay giúp đỡ cho hơn 250 công nhân trong thời gian giãn cách xã hội nhưng do thời gian nghỉ quá dài khiến phần lớn họ lại quyết định rời thành phố. Họ muốn được về quê tránh dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

“Rời thành phố 2-3 tháng, họ dần thích nghi với cuộc sống ở quê, tìm được việc gần nhà, quyến luyến gia đình nên không muốn quay trở lại đây. Với lực lượng ở lại họ cũng xoay sở tìm công việc khác để duy trì cuộc sống. Chưa kể khi các công ty trên địa bàn thành phố hoạt động trở lại thì vấn đề công nhân “nhảy việc” là điều không thể tránh khỏi. Thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc tuyển dụng lao động”, bà Phan Mãu Tâm nói và cho biết doanh nghiệp đang lên kế hoạch từng bước hoạt động lại doanh nghiệp.

Theo đó, giai đoạn đầu rất khó mở lại hoạt động sản xuất 100% nên doanh nghiệp tôi sẽ duy trì từ 30% đến 50% lực lượng lao động cho tất cả các dây chuyền. Sau khi dịch cơ bản đã được không chế thì sẽ nâng dần số lượng lao động lên.

“Làm từng bước như vậy vừa an toàn và hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Và dĩ nhiên khi đi vào hoạt động chúng tôi sẽ cam kết tuân thủ nghiêm túc trong hoạt động phòng dịch”, bà Tâm cho biết và mong muốn, chính quyền thành phố cần phải có lộ trình cụ thể để doanh nghiệp hoạt động trở lại, thà “chậm mà chắc”.

Doanh nghiệp kiến nghị được trao quyền chủ động phòng dịch

Theo ông Nguyễn Bình Minh, Giám đốc Công ty TNHH chế biến gỗ Minh Tâm, để doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh an toàn sau ngày 15/9 thì chính quyền nên cho doanh nghiệp chủ động phòng chống dịch. Vì hơn ai hết doanh nghiệp phải biết cách bảo về nguồn lực an toàn để bảo đảm sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy.

“Sau ngày 15/9,thành phố nên trao quyền chủ động cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh toàn, áp dụng phương pháp hậu kiểm thay vì tiền kiểmđể các doanh nghiệp tự chủ trong các phương pháp phòng, chống dịch thì sẽ đạt được kết quả cao hơn. Muốn như thế thì chính quyền nên nhanh chóng tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine cho tất cả người lao động của doanh nghiệp, bên cạnh đó cần nhanh chóng cần lập bản đồ các vùng xanh, vàng, cam, đỏ để doanh nghiệp có phương án điều chỉnh cho phù hợp”, ông Nguyễn Bình Minh kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Phạm Mãu Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại may mặc Gia Linh nói: “Tôi cũng mong muốn doanh nghiệp của mình được trao quyền chủ động trong việc phòng, chống dịch, không phải đợi đến khi chính quyền can thiệp rồi mới sửa đổi hoặc hoạt động một các thụ động, có như vậy doanh nghiệp mới linh động trong sản xuất kinh doanh trong trạng thại bình thường mới”.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), cho biết ngày 15/9 được xem là điểm giới hạn của cả người dân lẫn các doanh nghiệp. Theo ông Dũng, hiện nay vùng xanh ngày càng được mở rộng, số F0 được bóc tách và kiểm soát chặt chẽ, do đó đã đến lúc mở cửa, phục hồi lại sản xuất, kinh doanh.

“Ngày 15/9 được xem là thời điểm phù hợp để thành phố từng bước mở cửa trở lại, vì hiện nay người dân và doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức về việc phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, thời điểm này là lúc các doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động để đảm bảo cung ứng hàng hoá cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, năng lực hệ thống y tế của TP Hồ Chí Minh thời gian qua liên tục được củng cố cũng là cơ sở để thành phố dần mở cửa trở lại”, ông Dũng nói. Đồng thời cho biết, khi mở cửa, thành phố phải đưa ra được kịch bản ứng phó dựa trên cơ sở là sức chịu đựng của ngành y tế. Đây là yếu tố hàng đầu, dựa trên cơ sở an toàn mới phục hồi sản xuất, phục hồi sản xuất phải an toàn.

Theo ông Dũng, thành phố nên gấp rút phủ 2 mũi vaccine cho toàn bộ người dân, điều này sẽ tạo được sức phòng vệ cho mọi người. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang gấp rút xây dựng phương án sản xuất an toàn để đưa vào áp dụng sau thời gian tái hoạt động.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm