Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng phải bỏ bán lẻ sau 4 năm, tỷ phú Nguyễn Đức Tài thì sao?

Năm 2015 là thời điểm Vingroup đặt chân vào lĩnh vực bán lẻ với thương hiệu VinPro, Vinmart, và Adayroi. Sau 4 năm, tập đoàn này tuyên bố rút lui hoàn toàn khỏi sân chơi bán lẻ.

Lần đầu trong lịch sử: Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng vượt 10 tỷ USD / Hai ngày bán 2 công ty bất động sản, tập đoàn ông Phạm Nhật Vượng lãi gần 2.800 tỷ đồng

Nhằm triệt để việc rút lui khỏi sân chơi đầy thú vị nhưng cũng không kém khốc liệt này, Vingroup tuyên bố giải thể điện máy VinPro, sáp nhập Adayroi vào VinID.

Đây là bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu của tập đoàn, nhằm tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp – công nghệ, sau khi tiến hành hoán đổi cổ phần hệ thống siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ cho đối tác.

Trang thương mại điện tử Adayroi đi vào hoạt động từ năm 2014, hệ thống siêu thị điện máy VinPro và VinMart/VinMart+ ra mắt vào năm 2015.

Vingroup đã phải từ bỏ mảng bán lẻ sau thời gian đầu tư giàn trải.
Vingroup đã phải từ bỏ mảng bán lẻ sau thời gian đầu tư giàn trải.

Giai đoạn này, “ông vua bán lẻ” Thế Giới Di Động vẫn đang trong thời kỳ hoàng kim với chuỗi cửa hàng Thegioididong không ngừng mở rộng trên khắp cả nước.

Cũng trong thời gian này, Thế Giới Di Động bắt đầu mở rộng ồ ạt các cửa hàng Điện Máy Xanh sau khi nhận ra thị trường di động thông minh sẽ sớm bão hòa. Tuy nhiên, việc sớm nhận ra điện máy tiêu dùng sẽ không thể duy trì tăng trưởng cao trong thời gian dài sau đó, Thế Giới Di Động bắt đầu dịch chuyển sang ngành bán lẻ thực phẩm và FMCG, Bách Hóa Xanh – chuỗi minimart ra đời vào cuối năm 2015.

Thế nhưng, trong khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã buộc phải đóng cửa mảng bán lẻ của tập đoàn Vingroup, thì doanh nhân Nguyễn Đức Tài của Thế Giới Di Động vẫn đang tìm điểm hòa vốn cho chuỗi Bách Hóa Xanh của mình.

Lấy ý tưởng từ Alfamart – top 2 chuỗi bán lẻ bách hóa lớn nhất Indonesia, các cửa hàng Bách Hóa Xanh có quy mô của 1 cửa hàng tiện lợi để có thể thâm nhập sâu vào các khu dân cư cũng như có danh mục hàng hóa của một siêu thị thu nhỏ. Những cửa hàng đầu tiên có quy mô chỉ dưới 100 m2, được mở tại quận Bình Tân – nơi có mật độ dân cư cao nhất TP. HCM.

 

Trong giai đoạn này, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đang mở rộng liên tục, với số cửa hàng tăng gần gấp đôi trong năm 2016 (từ 629 lên 1.206). Công ty không còn nhiều nguồn lực tập trung cho Bách Hóa Xanh, chuỗi này kết thúc năm 2016 với 40 cửa hàng.

Mặc dù Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh vẫn đang mở rộng ồ ạt, dòng tiền dồi dào từ 2 chuỗi này vẫn đủ để đẩy mạnh Bách Hóa Xanh. Thế Giới Di Động có dòng tiền dương rất mạnh từ hoạt động kinh doanh, gần 2.700 tỷ đồng trong năm 2017 sau 2 năm có dòng tiền âm. Do đó bài toán của Bách Hóa Xanh không còn là vốn, mà là tìm ra mô hình thích hợp.

Đầu năm 2017, công ty có 50 cửa hàng Bách Hóa Xanh, tất cả đều ở quận Bình Tân với doanh thu trung bình mỗi tháng đạt 1 tỷ đồng/cửa hàng và giá trị trung bình/hóa đơn khoảng 50.000 đồng, là những con số đã rất cao so với các chuỗi minimart khác.

Bách Hóa Xanh mở rộng từ Bình Tân sang Tân Phú và tập trung lấp đầy 2 quận đông dân phía Tây này. Tuy nhiên, hiệu ứng“tự tước đoạt doanh thu” bắt đầu xuất hiện và doanh thu trung bình của Bách Hóa Xanh nhanh chóng sụt giảm xuống mức 700 triệu đồng/tháng vào cuối năm 2017, với tổng số cửa hàng đạt 283.

Cũng trong năm 2017, Bách Hóa Xanh bắt đầu kí kết hợp đồng thu mua thực phẩm tươi với các đối tác lớn để đảm bảo nguồn hàng lớn và bền vững, cụ thể là hợp đồng mua trái cây từ Hoàng Anh Gia Lai.

 

Bách Hóa Xanh vẫn chưa thể tạo ra lợi nhuận cho Thế giới di động sau 4 năm hoạt động.

Doanh thu trung bình vẫn trong đà giảm và chạm đáy tại mức 600 triệu đồng/cửa hàng vào tháng 2/2018. Nguyên nhân được xác định đến từ mô hình cửa hàng không phù hợp. Các cửa hàng nhỏ nằm sâu trong khu dân cư không thể có được lượng khách và doanh thu đủ lớn và quy mô nhỏ cũng không cho phép đáp ứng đủ lượng SKUs cho nhu cầu hàng ngày của khách hàng.

Từ quý 2/2018 Thế Giới Di Động bắt đầu thay đổi mô hình cửa hàng Bách Hóa Xanh. Theo đó cửa hàng mới sẽ có diện tích từ 150-250 m2 (đối với loại chuẩn) và 300 m2 (đối với loại lớn), nằm trên các trục đường lớn dẫn vào khu dân cư hoặc ngay cạnh các chợ truyền thống.

Ngoài ra, không gian giành cho thực phẩm tươi sống cũng được mở rộng với số lượng SKUs tươi tăng từ 100 lên tới 300-500. Các tiêu chuẩn mới được thêm vào để đánh giá KPI của nhân viên: thái độ niềm nở, không gian trưng bày sạch và ngăn nắp, thực phẩm tươi, tay nghề chế biến thịt cá…

Nhờ đó, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng nhanh chóng hồi phục và đạt 1,2 tỷ đồng/tháng vào cuối 2018. Nhờ quy mô lớn hơn và gia tăng tỷ lệ hàng tươi sống/tổng doanh thu, biên lợi nhuận gộp của Bách Hóa Xanh tăng từ 14% lên 18% trong năm. Bách Hóa Xanh tiếp tục thâm nhập sâu vào các quận khác tại TP.HCM cũng như tiến ra các tỉnh phía Nam.

Dù vậy, không phải cửa hàng mô hình cũ nào cũng có thể được mở rộng và chuyển đổi sang mô hình mới, rất nhiều trong số đó bị đóng cửa và dẫn tới chi phí cao (khấu hao còn lại không thể kết chuyển, tiền đền bù hợp đồng thuê…).

 

Bách Hóa Xanh kết thúc năm 2018 với 405 cửa hàng, 90% trong số đó tại TP.HCM. Chuỗi này cũng đạt được cột mốc quan trọng:hòa vốn EBITDA tại cấp độ cửa hàng vào tháng 12/2018.

Bách Hóa Xanh mất quý đầu năm 2019 để hoàn tất việc chuyển đổi/đóng các cửa hàng còn lại của mô hình cũ trước khi bắt đầu mở rộng ồ ạt với tốc độ khoảng 60 cửa hàng mới mỗi tháng.

Do tỷ lệ thực phẩm tươi/tổng doanh thu đã chạm 50% và không còn nhiều dư địa tăng thêm, Bách Hóa Xanh chuyển trọng tâm sang tối ưu khâu mua hàng.

Ngoài việc có thể đàm phán mức giá tốt hơn từ các nhà cung cấp FMCG do gia tăng quy mô, BHX đã và đang cắt giảm các đối tác trung gian (nhà phân phối) đối với mặt hàng thực phẩm tươi và mua trực tiếp nhiều hơn từ nhà cung cấp/hộ nông dân. Từ đó biên lợi nhuận gộp tăng từ 18% lên 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 31/10/2019 có tổng cộng 866 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 452 trong đó nằm ở 20 tỉnh thành miền Nam và Nam Trung Bộ.

 

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, việc đẩy mạnh tốc độ mở cửa hàng và trung tâm phân phối cũng làm gia tăng nhanh chóng chi phí trong khi doanh thu tạo ra từ các cửa hàng hiện hữu chưa đủ để bù đắp. Như vậy sau 4 năm hoạt động, Bách Hóa Xanh vẫn chưa tạo ra lợi nhuận cho Thế Giới Di Động.

Nhìn về phía trước, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu Bách Hóa Xanh sẽ hòa vốn toàn bộ trong năm 2020.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm