Vietjet báo lãi 123 tỷ đồng trong quý I nhờ đầu tư dự án và dịch vụ hàng không
Bamboo Airways tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng / Sau Eximbank, đến lượt Ocean Group tổ chức đại hội cổ đông bất thành
Trong quý 1/2021, Vietjet Air đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu quỹ đang sở hữu nhằm tăng cường nguồn lực và tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Vietjet Air giảm bình quân chi phí hoạt động 52%, giảm chi phí bán hàng và hành chính trên 39% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải hành khách ghi nhận gần 1.100 tỷ đồng, doanh thu hoạt động phụ trợ hơn 1.500 tỷ đồng. Các hoạt động phụ trợ của Vietjet bao gồm vận chuyển hàng hóa, dịch vụ hành lý, các dịch vụ liên quan vận chuyển hành khách, bán hàng hóa trên tàu bay và hàng hóa miễn thuế, quảng cáo và hoa hồng bán hàng.
Trong quý vừa qua, Vietjet còn ghi nhận 1.356 tỷ đồng từ bán tàu bay, cùng kỳ năm ngoái không có khoản thu này. Sau khi trừ đi các loại giá vốn, Vietjet ghi nhận lỗ gộp hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên hoạt động tài chính khởi sắc với doanh thu xấp xỉ 1.400 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, đại đa phần doanh thu này đến từ "thu nhập tài chính khác" 1.358 tỷ đồng. Lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá chỉ khoảng 36 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm còn 38 tỷ đồng, chỉ bằng 1/8 cùng kỳ. Nguyên nhân là Vietjet được hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 115 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng giảm một nửa so với cùng kỳ còn 113 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 5% xuống 107 tỷ đồng. Sau khi trừ hết các chi phí, Vietjet ghi nhận lợi nhuận sau thuế 123 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ 989 tỷ đồng trong quý I/2020.
Tổng tài sản tại ngày cuối quý 1 ghi nhận gần 47.500 tỷ, tăng 2.300 tỷ so với ngày đầu năm. Tổng nợ phải trả là hơn 32.800 tỷ, tương đương 69% tổng nguồn vốn. Tại ngày 31/3, Vietjet đang đặt cọc hơn 7.400 tỷ đồng để mua tàu bay.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021 của Vietjet Air.
Trong 3 tháng đầu năm, Vietjet đã thực hiện hơn 21.000 chuyến bay, vận chuyển gần 3,6 triệu lượt hành khách. Tỉ lệ các chuyến bay đúng giờ trên 90%.
Bên cạnh vận tải hành khách, Vietjet Air tiếp tục tăng cường các giải pháp tăng doanh thu phụ trợ, đưa cơ cấu doanh thu phụ trợ đạt gần 50%, góp phần tăng doanh thu chung của Vietjet Air. Vietjet Air cũng cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng hóa ngày càng đa dạng. Trong đó, Công ty cổ phần Swift247, với 67% vốn từ Vietjet, đã cho ra mắt dịch vụ vận chuyển hàng không SWIFT Mega - dịch vụ vận chuyển đơn hàng tải trọng lớn theo chuyến bay, khách hàng đặt trực tuyến dựa trên mạng lưới bay của Vietjet Air. Tính chung cả quý 1/2021, Vietjet đã vận chuyển được 18.000 tấn hàng hóa.
Trong các tháng tiếp theo của năm 2021, Vietjet Air cho hay sẽ tập trung chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa năng lực, hiệu quả khai thác; tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp phù hợp với tình hình doanh nghiệp hiện tại và triển khai giải pháp gia tăng nguồn thu khác như chuyên chở hàng hóa, mở rộng dịch vụ hàng không; đầu tư tài chính và dự án đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững.
Hiện tại, Vietjet Air đã hoàn thành việc lắp đặt buồng đào tạo lái mô phỏng (SIM) thứ hai tại Học viện Hàng không Vietjet, dự kiến sẽ hoạt động trong tháng 5/2021 nhằm nâng cao năng lực đào tạo, đưa học viện trở thành cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành hàng không.
End of content
Không có tin nào tiếp theo