Xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh trong dịch vụ thẩm định giá
DNVN - Đánh giá về thực trạng hoạt động của dịch vụ thẩm định giá (TĐG) ở Việt Nam, PGS. TS. Lê Thị Kim Nhung, Trường Đại học Thương mại cho rằng, bắt đầu xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh, bên cạnh đó nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu.
Thu hồi đất, bán nhà tái định cư phải mời chuyên gia thẩm định giá / Công bố Chỉ số tín nhiệm doanh nghiệp 2015 - Trusted Brand Index 2015
Theo PGS. TS. Lê Thị Kim Nhung, tại Việt Nam, TĐG được biết đến từ những năm 1993-1994 và đến nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về TĐG tài sản trong xã hội ngày càng tăng lên, đặt ra yêu cầu phải thừa nhận TĐG là một nghề - một dịch vụ tài chính mang tính chuyên nghiệp cao, độc lập và khách quan, để đảm bảo lợi ích chính đáng của các bên liên quan trong các tình huống xác định.
Thị trường dịch vụ TĐG ở Việt Nam đang do một số ít doanh nghiệp top đầu nắm giữ như: Công ty CP Định giá và DVTC Việt Nam (VVFC), Công ty CP TĐG Hoa Mặt Trời, Công ty TNHH Kiểm toán ASCO, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC, Công ty CP Thông tin và TĐG Miền Nam (SIVC), ... đây là những doanh nghiệp có từ 20 thẩm định viên trở lên.
Thẩm định giá là một nghề - một dịch vụ tài chính mang tính chuyên nghiệp cao, độc lập và khách quan.
Tuy nhiên, chuyên gia Trường Đại học Thương mại chỉ rõ, bên cạnh những thành công bước đầu đã đạt được, thị trường dịch vụ TĐG Việt Nam vẫn còn tồn tại 3 điểm bất cập chính.
Thứ nhất, số lượng các doanh nghiệp TĐG được thành lập mới tăng nhanh, sức ép cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về giá dịch vụ, về nguồn nhân lực, về chất lượng dịch vụ cũng ngày càng tăng cao; trên thị trường bắt đầu xuất hiện hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như giảm giá dịch vụ TĐG quá mức, không tuân theo căn cứ xác định giá dịch vụ theo quy định chung, hoặc giảm thời gian phát hành chứng thư định giá, hoặc có hành vi cấu kết làm sai lệch kết quả TĐG theo hướng có lợi cho khách hàng để cùng trục lợi...
Thứ hai, nguồn nhân lực về TĐG (tức là thẩm định viên) vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Mặc dù số lượng thẩm định viên đăng ký hành nghề tại các doanh nghiệp TĐG tăng trung bình 21,6%/năm trong giai đoạn 2013-2019, tuy nhiên trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế và kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như của các doanh nghiệp TĐG.
Thứ ba, thiếu thông tin thị trường đối với các tài sản đặc thù, dẫn tới thẩm định viên khó khăn trong khâu thu thập thông tin đáng tin cậy để phục vụ cho việc định giá tài sản. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn phương pháp TĐG cũng như mức độ chính xác, tin cậy của kết quả TĐG.
Cần xây dựng hệ thống thông tin về hệ số tín nhiệm doanh nghiệp
Đưa ra giải pháp khắc phục những bất cập trên, PGS. TS. Lê Thị Kim Nhung khuyến nghị cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong quá tình cung cấp dịch vụ TĐG.
Đó là tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá có chất lượng hoạt động TĐG của cơ quan chức năng của Nhà nước để tạo sự tin tưởng, tín nhiệm của khách hàng đối với doanh nghiệp TĐG, giúp cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch hơn.
Cần xây dựng hệ thống thông tin về hệ số tín nhiệm doanh nghiệp giúp thẩm định giá minh bạch.
Đối với doanh nghiệp TĐG, cần đánh giá chất lượng hoạt động cùng với những cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Đối với doanh nghiệp TĐG, cần đánh giá chất lượng hoạt động cùng với những cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, theo PGS. TS. Lê Thị Kim Nhung, cần phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TĐG, nâng cao hơn nữa mức chế tài xử lý vi phạm trong kinh doanh dịch vụ TĐG. Cụ thể là bổ sung sửa đổi cho phù hợp Nghị định 109/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn) sao cho phù hợp với bối cảnh mới của nền kinh tế.
Có giải pháp phát triển đội ngũ nhân lực nhằm đáp ứng mục tiêu của chiến lược phát triển và đáp ứng nhu cầu của thị trường cả về số lượng lẫn chất lượng.
“Bộ Tài chính cần nghiên cứu mở rộng đối tượng được phép dự thi chứng chỉ hành nghề một cách hợp lý nhằm tạo điều kiện phát triển về mặt số lượng thẩm định viên đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. Công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các thẩm định viên hành nghề cũng cần được chú trọng hơn”, PGS. TS. Lê Thị Kim Nhung nhấn mạnh.
Khuyến nghị về xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia phục vụ cho thẩm định giá, PGS. TS. Lê Thị Kim Nhung cho rằng, Bộ Tài chính đã thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia, bồi dưỡng nghiệp vụ và dịch vụ về giá, thẩm định giá. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai hệ thống dữ liệu này vẫn chưa được đưa vào khai thác và sử dụng được, đặc biệt để phục vụ cho TĐG doanh nghiệp thì đòi hỏi cơ sở dữ liệu phải đồng bộ hóa theo ngành.
Do vậy, trong thời gian tới, cần xây dựng hệ thống thông tin về hệ số tín nhiệm doanh nghiệp, các chỉ số tài chính trung bình ngành. Cần xây dựng khung pháp lý cho dịch vụ định mức tín nhiệm đối với doanh nghiệp.
Mặt khác, Chính phủ cần sớm cho phép thành lập các công ty chuyên xếp hạng và đánh giá hệ số tín nhiệm (Credit Rating Agency – CRA) đối với doanh nghiệp, hoặc cho phép loại công ty này hoạt động tại Việt Nam.
Các thông tin dựa trên kết quả CRA công bố sẽ là thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho các thẩm định viên trong TĐG doanh nghiệp. Cuối cùng, nguồn thông tin phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về TĐG có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, cần kết nối và tập hợp bởi một đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ và quản lý khai thác.
Đối với Hội thẩm định giá Việt Nam (VVA), VVA cần nghiên cứu cập nhật tiêu chuẩn TĐG quốc tế cũng như quy định của quốc gia phát triển, trên cơ sở đó kiến nghị với Bộ Tài chính xem xét ban hành hoặc bổ sung sửa đổi tiêu chuẩn TĐG Việt Nam cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và thông lệ quốc tế.
“VVA cần thể hiện tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức có chức năng TĐG bằng việc thường xuyên tổng hợp ý kiến của hội viên về cơ chế, chính sách của nhà nước để từ đó kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền về những bất cập, khó khăn cần tháo gỡ trong thực tế triển khai”, PGS. TS. Lê Thị Kim Nhung khuyến nghị.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo