Hỗ trợ doanh nghiệp

Độc quyền dịch vụ máy bay cất, hạ cánh, ACV “đút túi” hơn 2.000 tỷ đồng

Doanh thu cung cấp dịch vụ cất, hạ cánh phải tách khỏi báo cáo tài chính theo yêu cầu của Bộ Giao thông.

Báo cáo tài chính hợp nhất vừa được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) công bố cho thấy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2017 lần lượt đạt hơn 13.870 tỷ đồng và 4.120 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu biến động không đáng kể khi dịch vụ hàng không và phi hàng không chiếm tỷ lệ áp đảo với hơn 89%. Do giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) xuống dưới 51%, công ty không còn ghi nhận doanh thu hoạt động phòng khách, trong khi năm trước con số này hơn 300 tỷ đồng.

Kết quả này chưa bao gồm doanh thu và chi phí liên quan đến tài sản khu bay gồm đường băng, đường lăn, thiết bị chiếu sáng, định vị… do Bộ Giao thông vận tải yêu cầu công ty tách khỏi báo cáo tài chính cho đến khi hoàn tất quá trình đàm phán. Hiện, công ty ghi nhận doanh thu và chi phí tại khoản mục phải thu và phải trả khác trên bảng cân đối kế toán.

ACV đang quản lý tài sản khu bay của 22 cảng hàng không.

Cụ thể, doanh thu liên quan đến hoạt động khu bay năm ngoái đạt 2.082 tỷ đồng và chênh lệch chi phí 912 tỷ đồng. Ước tính bình quân mỗi ngày công ty thu khoảng 5,7 tỷ đồng nhờ độc quyền cung cấp dịch vụ cất hạ cánh tại 22 cảng hàng không quốc tế và quốc nội trong cả nước.
Phía kiểm toán cũng lưu ý, công ty mới chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và lập báo cáo tài chính kỳ trước từ tháng 4/2016 nên chưa đủ số liệu so sánh tăng trưởng.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM nhận định báo cáo tài chính của ACV rất phức tạp và cần điều chỉnh số liệu để có được cái nhìn chuẩn mực.

Công ty vẫn tích cực đẩy nhanh quá trình đàm phán với Bộ Giao thông Vận tải về những vấn đề liên quan đến cho thuê tài sản khu bay. Công ty đang đề xuất hai phương án để xử lý đối với các tài sản khu bay. Thứ nhất, các tài sản trong khu bay sẽ được bàn giao cho Nhà nước và cho công ty thuê lại để phục vụ hoạt động. ACV sẽ nhận toàn bộ doanh thu từ các tài sản này, trả phí thuế 270 tỷ đồng mỗi năm cho Nhà nước và chịu mọi chi phí sửa chữa.

Thứ hai, Nhà nước sẽ dùng tài sản này làm vốn góp cho công ty thay cho phần vốn góp khi công ty huy động mới từ cổ đông hiện hữu. Ước tính giá trị tài sản khu bay vào khoảng 8.000 tỷ đồng, trong khi công ty có thể huy động 8.386 tỷ đồng.

Tài sản khu bay đang là rào cản lớn nhất khiến công ty chưa đủ điều kiện niêm yết trên sàn HoSE. Nếu đàm phán diễn ra suôn sẻ, công ty có thể chuyển sàn trong quý IV và mở ra nhiều cơ hội cho cổ phiếu như được thêm vào rổ VN30, được giao dịch ký quỹ sau 6 tháng niêm yết… 

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo