Đời sống

Chuyện người lớn, trẻ con chẳng biết gì?

Nhà cao cửa rộng, trường học quốc tế, thức ăn đắt tiền, quần áo đẹp đẽ... người lớn nghĩ là những gì tốt nhất cho con. Nhưng điều tốt nhất, thứ các con cần nhất, lại bị bỏ quên.

'Cha ở ác với mẹ, em không cần cha nữa' / Cha xin lỗi vì đã 'dạy' con làm ô-sin của chồng

Khuya qua tôi đọc lá thư - được cho là thư tuyệt mệnh của bé gái 12 tuổi, trước khi nhảy lầu 39 một chung cư ở Hà Nội. Nhìn những dòng chữ màu tím nắn nót trên quyển vở học trò, cuối thư còn có ba chữ được tô đậm: "Đọc ở đây!", tim tôi đau nhói. Giờ ấy, lẽ ra em đang có một giấc ngủ ngon trong căn hộ ấm áp. Vậy mà...

Bức thư được lan truyền trên mạng xã hội, nghi là của bé gái để lại.

Một thiên thần vừa rời xa cuộc đời này. Vì lý do mà bất kỳ người lớn nào cũng phải giật mình, nhìn lại. "Bố dành thời gian ra ngoài kiếm tiền, ít khi quan tâm gia đình như trước. Con nhớ những kỳ nghỉ Tết và nghỉ hè, cả gia đình cùng đi chơi với nhau, con thấy rất vui. Nhưng bây giờ, 3 mẹ con đi riêng, 3 bố con đi riêng, làm con cứ thấy thiếu điều gì đó! Giá mà bây giờ gia đình mình như vậy thì tốt quá, nhưng không, mọi thứ tan vỡ rồi!" - trích thư được cho làcủa bé H.L.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi đọc được những suy nghĩ của các bé kiểu này, khi nhìn thấy, hiểu được tình cảnh của gia đình mình. Trẻ con viết không có diễn từ gì về nỗi đau, các con viết nhẹ và thật như suy nghĩ. Chỉ như thế thôi, cũng là tất cả nỗi lòng tan nát của các con rồi. Bố mẹ cố gắng kiếm tiền nhiều để làm gì? Ai cũng cùng lý do, để cho các con được cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng rồi, con đường đó vô tình dẫn đến bao vỡ tan cho những mái ấm hạnh phúc mà trẻ con mơ ước...

Người lớn đừng nghĩ trẻ con chẳng biết gì. Có lúc tôi còn nghe nhiều người lớn bảo: "Chuyện trẻ con ấy mà, không sao đâu!". Chính cách nhìn này của người lớn khiến trẻ bơ vơ, không được chia sẻ hoặc thấu hiểu đúng mực.

Chuyen nguoi lon, tre con chang biet gi?
Một thiên thần về trời, người lớn chúng ta nghĩ gì... Ảnh minh hoạ.

Tôi từng đọc những dòng nhật ký buồn bã, cũng của một bé gái, khi nhiều lần chứng kiến ba mẹ cãi vã nhau. Ba ngoại tình, mẹ đòi ly dị. Đi học về là cháu ở lì trong phòng, với lý do học bài. Ba mẹ lại nghĩ như thế cũng tốt, con cái không phải chứng kiến cảnh mặt nặng mày nhẹ của người lớn.

Nhưng không phải. Cháu đã để ý hết, biết hết, nghe hết những gì ba mẹ nói. Buồn bã không nói được với ai, cháu viết nhật ký, vẽ những bức tranh về hạnh phúc gia đình. Lặng lẽ chịu đựng, cho đến khi mẹ cháu phát hiện trong ngăn bàn con gái có một lọ thuốc đầy. Và những dòng nhật ký của con gái đã kịp thời thức tỉnh bậc làm cha mẹ. Đó là còn may, nếu không, tôi cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi cháu đã viết đến cái chết. Năm ấy, cháu cũng chỉ mới 13 tuổi.

 

Chuyện hợp tan là của người lớn. Nhưng nếu ba mẹ chỉ mải để tâm đến cảm xúc và quyết định của bản thân, thì nỗi khổ của con trẻ ai sẽ là người hiểu thấu, xoa dịu? Trẻ nhỏ, còn cần phải sống thêm một quãng đời rất nhiều năm về sau nữa mới có đủ trí lực, tâm lý mà đối diện với những vấn đề của gia đình, của cuộc sống này.

Chuyen nguoi lon, tre con chang biet gi?
Hãy quan tâm tới cảm xúc của con. Ảnh minh hoạ .

Có người nói với tôi rằng, trẻ nhỏ chúng chẳng có nhu cầu gì về vật chất cả đâu. Chúng chỉ vui khi được sống cùng ba mẹ. Chỉ đơn giản như thế thôi. Vật chất, nhà cao cửa rộng, trường học quốc tế, thức ăn đắttiền, quần áo đẹp đẽ... người lớn nghĩ lànhững gì tốt nhất cho con. Nhưng điều tốt nhất, thứ các con cần nhất, lại bị bỏ quên, bỏ qua.

Cháu tôi từ bé đã được giao cho người trông trẻ nuôi, ba mẹ cháu đi làm cả ngày, cuối tuần có khi còn làm thêm việc. Bé không có người trò chuyện, lớn lên gần như một đứa trẻ tự kỷ, không linh hoạt. Cho đến khi ba bé nhận ra tình trạng đáng lo ngại của con, mới giảm bớt công việc, tích cực đưa cháu đi chơi, đưa về nhà nội ngoại, gửi học ở nhà dì, cho chơi với các anh chị em con các dì. Cháu mới bắt đầu cởi mở, biết cười vui, biết trò chuyện với mọi người nhiều hơn.

Và những câu chuyện mà cháu nói ra, khiến người lớn giật mình. Cháu đã quan sát hết chuyện trong gia đình, chuyện ba mẹ ít nói chuyện với nhau, hay cãi vã... Cháu nói những buổi tối muốn có ba mẹ nằm bên để kể chuyện mà không được. Ba ngủ một phòng, mẹ ngủ một phòng, cháu ọ ẹ không chịu ngủ thì có khi mẹ đánh. Mẹ giận ba, mẹ cũng đánh bé...

Vậy đó, nỗi khổ của những đứa trẻ với người lớn bé lắm, vụn vặt lắm, chẳng đáng để tâm, nhưng nỗi khổ đó là cả một vấn đề đối với tâm hồn của trẻ thơ. Người lớn cứ nghĩ, mình mỗi ngày phải đối diện với bao nhiêu vấn đề ngoài xã hội, mà, "những chuyện nhỏ" ở trong nhà mới chính là chuyện quan trọng nhất, cần gìn giữ nhất của đời mình.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm