Du lịch

Cù lao Ông Hổ: Không chỉ là huyền tích

DNVN - Cù lao Ông Hổ có địa danh hành chính là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Nơi đây gắn liền với những câu chuyện xưa kể về nghĩa tình giữa người và hổ, được bà con địa phương lưu giữ và truyền miệng cho đến nay.

Hà Giang mở cửa đón khách du lịch trở lại từ ngày 23/11 / Kịch bản nào cho ngành Du lịch Việt Nam năm 2022?

Sự tích 400 năm

Nằm tách biệt với trung tâm thành phố, muốn đến nơi đây chúng tôi phải vượt dòng sông Hậu trên những chuyến đò ngang bồng bềnh sóng nước. Từ bến phà Ô Môi, có thể phóng tầm mắt để ngắm một Mỹ Hòa Hưng hay còn gọi là Cù lao Ông Hổ một cách trọn vẹn nhất, với một màu xanh thanh bình, tách biệt khỏi sự ồn ào, náo nhiệt của nhịp sống đô thị.

Một góc Cù lao Ông Hổ nhìn từ trên cao.

Một góc Cù lao Ông Hổ nhìn từ trên cao.

Ngoài vẻ đẹp nên thơ, hiền hòa của một miền quê Nam bộ nằm giữa dòng sông Hậu còn là không khí vui tươi, phấn khởi của của người dân đang tất bật trang trí nhà cửa chuẩn bị đón mừng năm mới Nhâm Dần 2022.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông rực rỡ sắc hoa nối từ phà Ô Môi thuộc ấp Mỹ An 2 đến bến phà Trà Ôn, ông Nguyễn Văn Tri (sinh năm 1948), ngụ ấp Mỹ Long 1, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang, người đã gắn bó với quê hương Mỹ Hòa Hưng hơn 70 năm nay say sưa kể về “sự tích” Cù lao Ông Hổ cách đây hơn 400 năm.
Thuở xưa, vùng đất này được phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng sông Hậu, cây cối bén rễ rậm rạp, không người lui tới. Một hôm, có 2 vợ chồng nọ chèo xuồng đi bắt cá, lượm củi thì thấy bám trên mảng lục bình trôi trên sông có 1 con vật giống như mèo. Nhưng khi đến gần, không phải mèo mà là 1 con hổ con vừa đói, vừa rét, thấy thương nên ông bà đem về chăm sóc, nuôi dưỡng. Con hổ dần lớn lên trong tình thương đó nên rất hiền lành, không phá phách.

Vài năm sau, ông bà sinh được một cô con gái. Cô gái lớn lên gọi cọp là anh hai. Khi cô con gái đi lấy chồng, ông bà chỉ có cọp làm bạn. Khi ông bà mất, cọp cũng bỏ vào rừng kiếm ăn. Hàng năm cứ đến lễ giỗ, cọp tha về một con heo hoặc nai rừng đặt trước mộ, sau đó bỏ đi, không quấy phá ai hết. Từ đó dân làng mến con cọp có tình có nghĩa với người nên đặt tên cù lao là “Cù lao Ông Hổ” và lập miếu thờ…

Theo ông Tri, sự tích cù lao Ông Hổ tuy có chút huyền bí nhưng mang tính giáo dục rất cao, đó là lòng thương người, là sự biết ơn. Lớn lên trong sự giáo dục đó, nên mỗi người dân Mỹ Hòa Hưng Hôm nay đề nỗ lực phấn đấu để xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, không phụ lòng của các bậc tiền nhân.

Đạp xe đi dạo quanh cù lao.

Đạp xe đi dạo quanh cù lao.

 

Cả cuộc đời gắn bó với xứ cù lao này, trong đó, 12 năm ông làm cán bộ lãnh đạo xã Mỹ Hòa Hưng, 13 năm gắn bó với Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cho đến khi về hưu, ông Nguyễn Văn Tri vẫn bộn bề với công việc thiện nguyện của của mình với tâm niệm xây dựng quê hương Mỹ Hòa Hưng ngày càng giàu đẹp. “Bác Tôn là tấm gương không chỉ bản thân tôi mà tất cả chúng ta phải học tập, noi theo, nhất là đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” thì càng cần phải học Bác Tôn nhiều hơn”, ông Tri tâm sự.

Những đổi thay trên quê hương Bác Tôn

Quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng hôm nay chuyển mình vươn lên với biết bao thay đổi khiến những ai đã từng đến với nơi đây không khỏi bất ngờ. Những tuyến đường từ trục đường chính đến các trục đường liên ấp, nội đồng đều rộng rãi và được trải nhựa, đổ bê tông thẳng tắp. Hai bên đường là những hàng cây rợp bóng mát. Những ngôi nhà sàn nhuốn màu thời gian xem lẫn giữa những vườn hoa, khung cảnh xanh mướt…

Sau gần 5 năm mới thăm lại cơ sở du lịch Homestay của gia đình ông Tôn Thất Đính (cháu họ Bác Tôn), ở ấp Mỹ An 2, Mỹ Hòa Hưng, đang chăm chuốt lại hàng rào bằng cây bông trang trước nhà, ông Đính vui mừng vì gặp lại đoànkhách du lịch năm xưa từng lưu trú nhiều ngày tại nhà ông.

 

Căn nhà gỗ thao lao hơn 140 tuổi theo phong cách Nam bộ của gia đình ông Đính vẫn như xưa, có chăng đã thêm giàn hoa lan trước nhà tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên hơn. Đến đây, ngoài được trải nghiệm cuộc sống dân giã, hiền hòa của người dân miền sông nước miền Tây, chúng ta còn được thưởng thức những món ăn đặc sản do chính người nông dân chân chất “rặt hai lúa” chế biến trên những chiếc cà ràng Nam bộ…

“Năm nay dịch bệnh nên không có khách du lịch, cuộc sống khó hơn mọi năm chút xíu, nhưng thu nhập chỉ trông vào 20 công xoài cát hòa lộc vẫn đủ để cả nhà có một cái Tết đủ đầy” - Ông Đính háo hức khoe.

Ông Nguyễn Sĩ Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, Mỹ Hòa Hưng là xã cù lao, nằm giữa dòng sông Hậu, cách trung tâm TP Long Xuyên khoảng 3 km. Diện tích tự nhiên là 21,19 km2, với 5.424 hộ và 22.326 nhân khẩu. Xã có 884,9 ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa trên 502 ha, đất trồng cây lâu năm trên 269 ha, đất nuôi trồng thủy sản gần 205 ha, chia ra thành 4 tiểu vùng sản xuất nông nghiệp. Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề truyền thống với quy mô nhỏ như làm nhang, đan lát...

Mỹ Hòa Hưng đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015, Nông thôn mới nâng cao năm 2020 và đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.

Đền thờ Bác Tôn.

Đền thờ Bác Tôn.

 

Năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân, tuy nhiên với sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang và thành phố Long Xuyên, cùng sự đồng thuận của bà con nhân dân, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của xã đạt 7/7 chỉ tiêu đề ra. Đến nay, Mỹ Hòa Hưng không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/người/năm. Người dân từ sản xuất nông nghiệp thuần túy dần chuyển sang sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, hợp tác, áp dụng công nghệ cao, nên đời sống, thu nhập không ngừng được nâng lên.

Chỉ tay về cánh đồng trồng rau và xoài của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng, ông Trung kỳ vọng, tới đây, mô hình HTX của anh sẽ được bà con hưởng ứng và tham gia ngày càng đông hơn. Sản phẩm rau an toàn, trái cây, hoa kiểng của HTX Nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng sẽ chiếm lĩnh thị trường không chỉ ở An Giang, Đồng bằng sông Cửu Long, cả nước mà còn vươn xa hơn nữa.

Theo anh Trung, HTX Nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng được thành lập năm 2017, đến nay đã có 72 xã viên tham gia với hơn 21ha chuyên trồng rau, cây ăn trái và hoa kiểng. Tuy mới thành lập, nhưng bước đầu HTX đã phát huy được vai trò kết nối, tiêu thụ nông sản cho bà con.

Sắp tới, HTX sẽ triển khai xây dựng một mô hình canh tác rau hữu cơ kết hợp du lịch rộng khoảng 3ha ở ấp Mỹ An 2. Qua đó, HTX sẽ liên kết với các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các tour, tuyến theo hình thức du lịch nông nghiệp trải nghiệm.

 

Kể từ lúc Bác Tôn về An Giang lần cuối sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng năm 1975 cho đến khi Bác đi xa, trên quê hương Mỹ Hoà Hưng nói riêng, An Giang nói chung đã có nhiều thay đổi. Ước nguyện của Bác Tôn về một quê hương An Giang giàu đẹp đã và đang được các lớp cháu con không ngừng phấn đấu và xây dựng. Mỹ Hòa Hưng bây giờ đã thực sự “thay da đổi thịt”, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã và đang khởi sắc từng ngày. Giờ đây, bà con nông dân Mỹ Hòa Hưng đã có những hộ thu nhập lên đến 1,5 tỷ đồng/năm. Điều đó thể hiện sự bứt phá thật đáng mừng của xã cù lao từng hết sức khó khăn ngày ấy.


Thái Cường
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm