Du lịch

Đời sống du lịch Tết "đóng băng" hoàn toàn?

DNVN - Với những "cú đấm" mạnh vào cuối năm, khi dịch bệnh Covid-19 đang trong giai đoạn bùng phát, thì con số 99% đóng băng trong ngành khiến những nhà làm du lịch lạnh người. Khách sạn không có khách, lữ hành không có đoàn đi, nhà hàng đón đoàn khách vắng tanh.

Phát triển du lịch cộng đồng: Cần có định hướng để giữ nguyên gốc của văn hóa bản địa / Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình: Quyết tâm tạo ra làn gió "Đại Phong" mới cho du lịch

Những ngày sát Tết Nguyên Đán, những ca lây nhiễm cộng đồng ở TP. Hồ Chí Minh khiến những người làm du lịch và dân tình “trằn trọc” không ngủ cả đêm. Nhiều người ở Hồ Chí Minh chuẩn bị khăn gói về quê thì tạm hoãn, vì lệnh phong tỏa nhiều tòa nhà; nhiều người quyết định hủy vé vào phút cuối vì đảm bảo an toàn cho gia đình khi trở về từ vùng dịch… Riêng đối với những người làm du lịch, khi nghe tin TP. Hồ Chí Minh có những ca lây nhiễm cộng đồng thì những đoàn hi vọng vớt vát những chuyến du lịch cuối cùng trong dịp Tết coi như hoàn toàn tay trắng.

Một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cho biết, dịp Tết Nguyên Đán mỗi năm luôn là lúc bận rộn nhất của những người làm du lịch, tùy theo mức độ lớn nhỏ của công ty để đoàn đi và đoàn về. Năm nay, tình hình dịch bệnh bùng phát, du lịch sống “thoi thóp” cả năm nay, nhiều công ty đóng cửa hoặc phá sản, nhiều người chuyển sang ngành nghề khác, nhiều công ty và đơn vị đón tour đoàn vẫn cầm cự chờ ngày “tan băng” của ngành du lịch, nhưng với đà này thì du lịch khó cầm cự nếu không có một chính sách tốt.

"Với một công ty có quy mô nhỏ cũng lỗ trên 2 tỷ VNĐ. Nhiều công ty lớn họ lỗ lên đến vài chục tỷ, vài trăm tỷ. Nên để nói, tiếp tục cầm cự thì giờ đây là giai đoạn khá khó khăn, những người yêu ngành du lịch vẫn đang cố gắng. Thời điểm hiện tại, vì tình hình có ca lây nhiễm cộng, đơn vị tôi đang giải quyết một số booking hủy đã có ngày đi trong Tết Nguyên Đán. Cơ chế hoàn vé, đổi vé, cùng hoàn tiền và khuyến khích khách chuyển sang ngày khác trong năm. Với tình hình thực tế, hiện tại các công ty du lịch TP. Hồ Chí Minh hầu như đóng băng đến 99%”, theo một lãnh đạo của Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam tại phía Nam cho biết.

Phía Hà Nội, các công ty như Vietravel Travel, Saigontourist Travel, Train Travel… hiện tại vẫn đang còn làm việc, tuy nhiên đã cắt giảm nhân sự số nhiều. Khác hẳn không khí làm Tết mọi năm, công việc điều tour đi và đặt dịch vụ thì năm nay, những ngày cuối của năm điều hành và hướng dẫn viên đến để giải quyết những vấn đề tồn đọng của năm và hoàn trả vé và dịch vụ cho khách hàng… Khu vực phố cố Hà Nội, một số công ty lữ hành, một số công khách sạn đã đóng cửa, có đơn vị đóng cửa từ đợt dịch trước vẫn chưa mở lại, có đơn vị thì cố cầm cự tiếp tục. Tuy nhiên, đợt dịch này cầm cự không nỗi cũng đóng cửa trong dịp Tết để cắt giảm nguồn chi phí.

Các điểm đến vắng bóng du khách

Các điểm đến vắng bóng du khách.

Tại các tỉnh Miền Trung, các đơn vị lữ hành có tiếng như Vietravel Travel , Saigontourist Travel, Việt Nam Travelmart… cũng trong tình trạng khách đổi vé, hoàn vé, hủy booking, tình hình không mấy khả quan hơn so với Hà Nội và Sài Gòn. Đà Nẵng khách cũng không có khách, Huế cũng trong tình trạng tương tự.

Quảng Bình cũng là một trong những địa phương tập trung khách du lịch nổi tiếng trong những năm qua, cũng vắng bóng du khách. Trước đây, mỗi ngày Trung tâm Du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng của Quảng Bình cũng đón vài ngàn khách. Thời điểm hiện tại, Phong Nha- Kẻ Bàng đón mỗi ngày 20 đến 30 khách. Ông Hoàng Hải Vân, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chia sẻ: “Với tình hình hiện tại, khách hầu như không có, chúng tôi không biết lấy nguồn thu nào để trả lương cho công nhân. Thực sự là quá khó. Câu chuyện nguồn thu của du lịch năm sau cũng là bài toán khó khăn với những người làm du lịch. Làm sao để tồn tại. Làm sao để có lương cho hàng trăm công nhân khiến nhũng người làm quản lý như chúng tôi "đau đầu"”.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh bùng phát, những doanh nghiệp làm du lịch đang trong giai đoạn cầm cự, “thở ô xy” để tồn tại. Nhiều doanh nghiệp cũng đã bán nhiều tài sản của mình để duy trì công ty. Nhiều doanh nghiệp nổi tiếng trong giới đoàn tour vì yêu nghề và chờ mong ngày “nắng ấm” cũng đã làm thêm mảng thực phẩm hoặc bán hàng qua mạng… để tồn tại, mong duy trì công ty và trả tạm ứng lương nhân viên. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trong giai đoạn tạm thời trước mắt.

Theo lãnh đạo Hội Du lịch Unesco Hà Nội: “Hiện tại du lịch đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, chúng ta phải đồng hành và tuân theo chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch. Tuy nhiên, khi tan dịch ngành du lịch cũng cần nhìn nhận lại và có động thái tích cực để cứu du lịch khỏi tê liệt. Cộng đồng làm du lịch mong Chính phủ quan tâm và có những quyết sách giúp thoát khỏi khó khăn".

Đại diện Hội Du lịch Cộng Đồng Việt Nam cũng chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng Chính phủ sẽ dập dịch tốt. Chúng tôi tin điều ấy. Người ta nói, “cha mẹ khó, con có sướng được đâu”. Thời điểm này, nhà nhà nên tuân thủ và tuân theo chỉ đạo của Chính phủ. Còn câu chuyện hỗ trợ khi chúng ta trở lại “trạng thái bình thường mới” cũng mong những quyết sách từ trên xuống để cứu ngành du lịch thoát khỏi khó khăn.

Thanh Loan
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm