Phát triển du lịch cộng đồng: Cần có định hướng để giữ nguyên gốc của văn hóa bản địa
Phương Bắc Luxury Quảng Bình 4 sao đưa vào hoạt động / Những điểm du lịch Quảng Bình mê hoặc lòng người
Văn hóa làm nền tảng phát triển du lịch cộng đồng
Những ngày cuối năm, khi những nụ hoa đào còn e ấp trên cây, cái lạnh của mùa đông vẫn chưa chịu rời để nhường cho những ngọn gió Xuân, chúng tôi về làng du lịch cộng đồng A nôr- A Lưới - Huế. Bước chân vào khu làng đẹp như chuyện cổ tích ở vùng A Lưới này là những ngôi nhà sàn sạch đẹp, điện, đường được quy họach bài bản, những homestay xinh đẹp nằm dưới những tán cây.
Hôm nay là ngày đặc biệt của làng, vì làng nhộn nhịp chào đón đoàn du khách gần 100 người đến làng, những cô gái xinh đẹp, cùng những điệu hát, điệu múa của núi rừng làm say lòng du khách, các món đặc sản của núi rừng được bày bán trong nhà cộng đồng. Buổi sáng, khi tiếng chim hót véo von bắt đầu chào đón một ngày mới, ngôi làng A nôr xinh đẹp dần sáng lên trong màn sương mỏng, chúng tôi được người chủ nhà bưng ra một nồi nước xông răng, đây là loại thảo thảo dược quý của dân vùng A nôr, gia chủ còn bảo: "Loại thảo dược này chỉ có ở vùng A lưới này thôi".
Cánh đồng của làng A nôr.
Theo lời kể của già làng, thung lũng nhỏ xanh mướt nằm ngay dưới chân thác A Nôr từ xa xưa đã được dòng họ Kêr Pa Kô lựa chọn làm nơi an cư lạc nghiệp, trước kia mang tên Panon - A Nôr, sau đổi thành A Nôr - Việt Tiến. Ngôi làng mang đậm nét văn hóa của người dân tộc Pa Kô như: Tắm thác, xông răng bằng lá dân gian, gội đầu bằng lá rừng ngay tại thác A Nôr ba tầng trắng xóa. Dẫu trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thiên nhiên và con người nơi đây vẫn giữ được những nét bình dị, nguyên sơ cùng với những tập tục đặc sắc, làm xiêu lòng du khách ghé thăm.
Bên cạnh A Nôr, du khách có thể tham quan các bản làng thuộc thôn Akachi, xã A Roàng, tìm hiểu đời sống đời thường của dân tộc Cơ Tu và Tà Ôi nơi đây như: Đan lát, dệt thổ cẩm, hoạt động làm nông. Buổi tối, du khách hòa mình vào sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc tại các bản làng, hòa mình vào ánh lửa bập bùng cùng những điệu múa dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, cùng thưởng thức những món đặc sản đặc trưng văn hóa ẩm thực nơi đây bên chững chén rượu cần thơm nồng A Lưới.
Làng Cộng đồng Ta lang.
Còn ở Ta Lang Tây Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, giáp với nước bạn Lào, là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo trong các bản làng Cơ Tu, cùng những nét đẹp nguyên bản của các làng nghề truyền thống (làm gốm, đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, điêu khắc tượng gỗ…); các nghệ thuật nói lý, hát lý, dân ca, dân vũ Cơ Tu; các trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống Cơ Tu.
Tây Giang có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, với những cánh rừng nguyên sinh, quý hiếm nằm trong Sách Đỏ như: Rừng lim xanh, rừng pơ mu, rừng hoa đỗ quyên cổ; có tới 1.587 cây di sản Việt Nam, trong đó 1.146 cây pơmu có độ tuổi từ 200 năm đến hơn 1.000 năm tuổi; 5 cây đa hơn ngàn năm tuổi, 1 cây dổi, 435 cây đỗ quyên cổ nằm trên đỉnh K’lang có độ cao so với mặt biển 2.005m. Đặc biệt, Tây Giang có khí hậu mát mẻ quanh năm, đa dạng về hệ thống sông, suối với nhiều thác ghềnh hoang sơ như: thác R’cung (Bhalêê), thác R’măng (xã Gari)…
Nằm bên con suối Chơr Lang hiền hòa, làng Ta Lang thuộc huyện Tây Giang lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa dân tộc Cơ Tu đặc sắc, tiêu biểu như nghề chế tác và trình diễn các loại hình nhạc cụ dân tộc của cố nghệ nhân Alăng Avel - người đã sáng chế nhiều loại hình nhạc cụ độc đáo như aheen (sáo 3 lỗ), abel (đàn cò)… cùng nhiều loại hình văn hóa khác đang được cộng đồng làng giữ gìn, bảo tồn và phát huy đưa vào khai thác phục vụ du lịch.
Văn hóa thấm đẫm trong làng cộng đồng.
Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng góp phần đánh thức, khôi phục, khai thác đúng cách kho báu văn hóa Cơ Tu kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng một cách khoa học và hiệu quả, qua đó giúp tạo việc làm, nguồn thu nhập cho cộng đồng làng xã. Đây được xem là con đường phát triển kinh tế bền vững giúp nâng cao sinh kế của bà con, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hữu hạn từ rừng, hạn chế việc làm nương làm rẫy, săn bắt động vật hoang dã, bảo vệ rừng và khu bảo tồn loài sao la ngày càng tốt hơn, đồng thời quảng bá được nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu.
Để quy hoạch làng A nôr- A Lưới –Huế và Ta Lang- Quảng Nam thành làng du lịch cộng đồng, Hội Du lịch Cộng đồng (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) đã khảo sát và cùng đồng hành giúp dân.
Anh Phạm Hải Quỳnh Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam cùng những anh em trong Hội Du lịch Cộng đồng đã không quản tháng ngày về giúp dân. Mọi người vẫn thường gọi anh Quỳnh là “Già làng Quỳnh”. Để có danh là là “Già làng Quỳnh”, anh phải đồng hành cùng dân, dạy cho dân biết thế nào là làm du lịch.
Anh chia sẻ, năm 2019 làng A nôr và làng Ta Lang đón vài ngàn khách đến làng, năm 2020 vì dịch bệnh nên lượng khách đến làng có giảm sút. Tuy nhiên, điều mà làng cộng đồng A nôr và Ta Lang và một số làng cộng đồng khác làm được, là giải quyết công ăn việc làm và giúp dân làm du lịch.
“Già làng” Phạm Hải Quỳnh cho biết thêm: Hiện nay mỗi tour lưu trú và ăn ở trong làng Ta Lang là 700.000 đồng/ khách và ở A nôr là 600.000 đồng/khách. Mô hình du lịch cộng đồng này đã tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt rất đời thường và những món ăn dân dã đậm chất địa phương.
Chúng tôi dạo bước trên làng A-nôr những khuôn mặt người dân rạng rỡ, họ bảo: “Mừng lắm, chúng tôi may mắn được các anh chị em làm du lịch giúp đỡ để có làng du lịch hôm hay, một ngôi làng xanh, sạch đẹp, đậm chất văn hóa”.
Món bánh của người A nôr.
Muốn phát triển du lịch cộng đồng phải nhìn nhận đúng giá trị văn hóa của "cộng đồng"
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, trong tình hình hiện nay du lịch cộng đồng phát huy những ưu thế tối ưu. Khi xây dựng các làng du lịch cộng đồng thì Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam căn cứ trên giá trị vốn có của cộng đồng từng địa phương để khai thác và dần đưa cộng đồng tham gia vào du lịch với tiêu chí du lịch xanh, du lịch bền vững và dần chuyển đổi từ các nghề trước đây để tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng, căn cứ trên thực tế khách đến để chuyển đổi.
Khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ngoài việc lựa chọn, khai thác giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị vùng miền thì việc lựa chọn khai thác còn được gắn kết với giá trị cảnh quan thiên nhiên của vùng miền đó, từ đó sẽ phân định được nguồn khách chủ chốt và nguồn khách hướng tới.
Cái khó khi tham gia làm du lịch cộng đồng chính là chữ “Cộng đồng”. Muốn phát triển được du lịch cộng đồng thì cần nhìn nhận rõ nhất giá trị của cộng đồng từ đó lựa chọn ra giá trị để khai thác và tạo sản phẩm du lịch. Song hành với việc đó chính là giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng, để phát triển bền vững cũng như định hướng cộng đồng làm du lịch bài bản.
Với vai trò tư vấn thì Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam tư vấn rất nhiều những mô hình du lịch cộng đồng. Nhưng trực tiếp triển khai thì đã có A Nôr của Huế là mô hình được đánh giá cao, được Hiệp hội Du lịch Việt Nam khen tặng là làng du lịch phát triển vì cộng đồng.
Ngoài ra làng du lịch Kon Cơ Tu của Kon Tum cũng là một mô hình khởi đầu khá thành công. Mô hình du lịch cộng đồng là phong cảnh làng quê yên bình, đường làng, ngõ xóm được phong quang, sạch sẽ, người dân đã nhận thức được việc phát triển sản xuất gắn với đón khách du lịch đến tham quan và bảo vệ môi trường.
Mặc dù doanh thu từ du lịch cộng đồng chưa cao, nhưng đã mở ra một hướng phát triển trong việc xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch cộng đồng, người dân sẽ trực tiếp tham gia và thu lợi, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, những giá trị vật chất và văn hoá truyền thống để phục vụ du lịch. Các hoạt động mà du khách đến đây được khám phá rất bình dị, mộc mạc trong cuộc sống thường nhật nhưng lại rất sinh động. Du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con nông dân như xay lúa, giã gạo, úp cá, hay tham quan ngôi chùa cổ của làng, xem múa rối nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cũng đưa ra lời khuyến cáo: “Muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hoá bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. Phát triển du lịch thì phải có trách nhiệm với xã hội. Để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng thì loại hình du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng và bền vững. Một nền du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương. Du lịch cộng đồng thường được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch. Hoạt động này bắt đầu là tự phát ở những nơi có các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hấp dẫn du lịch mà dân cư tại chỗ tham gia vào phục vụ nhu cầu của du khách.
Theo bà Đinh Thanh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình, thành viên Ban chấp hành Du lịch Cộng đồng Việt Nam: “Để phát huy du lịch cộng đồng thì chúng ta cần hiểu và nhìn nhận rõ thế nào là du lịch cộng đồng, cách lựa chọn, hoàn thiện và khai thác du lịch cộng đồng. Nên có cách nhìn khách quan về vai trò của chính quyền, của cộng đồng và cộng đồng làm du lịch địa phương gắn kết như thế nào thì lúc đó du lịch cộng đồng mới thật sự có bước đi đúng hướng".
End of content
Không có tin nào tiếp theo