Du lịch lại chịu cú "knock out", rơi vào cảnh khốn đốn khi booking bị hủy hàng loạt
Ngành du lịch thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển trung tâm dữ liệu và bản đồ du lịch / Du lịch Quảng Bình: Tin vui những ngày đầu năm mới 2021
Với những tổn thương do những đợt dịch Covid-19 gây ra từ đầu năm 2020 tới nay, những người làm du lịch đã cố gắng cầm cự để duy trì, có người phải bán nhà để duy trì công ty, có người cầm cố thêm tài sản để duy trì hoạt động của đơn vị, và có đơn vị vay mượn thêm để tung ra những chiến lược kích cầu nhằm thu hút khách trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh bùng phát trên diện rộng một cách bất ngờ khiến ngành du lịch đứng trước khủng hoảng trầm trọng về mọi mặt.
Vừa nhận tin ca lây nhiễm cộng đồng trong buổi sáng 28/1, thì đến chiều chị Hà - Nhà hàng Quê Nhà Quảng Bình, một trong những đơn vị đón đoàn tour chuyên nghiệp nhận ngay điện thoại của đoàn báo xin được hủy booking, con số hủy đoàn cứ thế tăng lên từng ngày. Chị và anh em trong đơn vị chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Tết đến rồi, bao dự định cho kế hoạch kinh doanh trong của đơn vị coi như không còn. Không chỉ Nhà hàng Quê Nhà, mà các đơn vị đón đoàn tour ở Quảng Bình cũng lâm vào tình trạng tương tự. Khách Sạn Phương Bắc 4 sao Quảng Bình, cũng lâm vào tình cảnh “hụt hẫng”, khi khách đã booking phòng trước Tết và sau Tết đều báo hủy hàng loạt.
Hạn chế tụ họp đông người - tổn thất của ngành du lịch.
Ở Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng các đơn vị dịch vụ nhà hàng và khách sạn cũng trong tình cảnh nhận tin về hủy booking liên tiếp. Không chỉ các đơn vị dịch vụ bị hủy tour mà đầu mối các tour, đoàn hủy là các doanh nghiệp lữ hành, khách đã hủy coi như đồng loạt.
Đại diện Công ty Top Ten Travel ở Hồ Chí Minh cho biết, số khách hủy đến nay đã lên tới 3.000 khách, số tiền mà công ty thiệt hại lên đến tiền tỷ. Không chỉ công ty Top Ten Travel mà hầu hết các công ty lữ hành trên toàn quốc ngày nào cũng nhận thông tin hủy chuyến của khách hàng. Trên các nhóm hội, như Hội Du lịch Cộng đồng, Uneso Hà Nội, là diễn đàn của các đơn vị công ty lữ hành và dịch vụ du lịch trên toàn quốc đều kêu ca, buồn bã vì việc liên tiếp nhận thông báo khách hủy và hủy đoàn…
Nhiều ý kiến các công ty lữ hành chia sẻ: “Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng đợt dịch lần này đến “bất ngờ”, bao tiền bạc và kế hoạch cho kinh doanh trong dịp Tết đã bị hoãn lại. Tiền đặt cọc của khách thì tùy theo yêu cầu của khách để có thể hoàn trả hay di dời ngày. Tuy nhiên, khó khăn nhất về hoàn tiền cho khách là tiền vé máy bay, và một số khách sạn 5 sao, có khách sạn còn không chịu chuyển dời ngày, mà bắt khách phải chịu mất 100% phí đặt cọc. Thế là công ty du lịch mất hoàn toàn khoản tiền trên".
Ông Trần Cương - Giám đốc Netin travel cho hay: "Khi nghe tin dịch bệnh các booking của chúng tôi hủy đến 80%, cũng có booking chuyển ngày, nhưng trước tình hình này không nói trước được điều gì. Hiện tại, chúng tôi đang làm việc cùng các đối tác để có hướng giải quyết cho khách hàng thích hợp nhất. Hi vọng dịch bệnh được khống chế sớm và sau đó tìm cách hồi phục lại kinh doanh. Thực sự câu chuyện ngành du lịch đang lâm vào tình trạng khốn khó, các công ty đã dốc toàn lực để duy trì và kích cầu... Khi dịch bệnh tan, chúng tôi mong Chính phủ quan tâm và giúp đỡ những công ty du lịch, phải có chính sách hỗ trợ may ra doanh nghiệp mới sống nổi".
Theo bà Đinh Thanh Loan Phó Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam: "Hiện tại chúng tôi cùng các anh em trong Hội đang tìm cách giải quyết một phần “gây khó dễ” của một số đối tác, như vé máy bay, khách sạn... Dịch bệnh đến không ai lường trước cả, đây là trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, để tồn tại ngành cần sự giúp sức của Chính phủ. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch qua 3 đợt dịch, tiền bạc đều chi ra để cầm cự, như nuôi nhân viên, công ty, ngân hàng, và chuẩn bị cho những lần kích cầu. Hiện tại, doanh nghiệp du lịch đang lâm vào tình trạng khốn đốn và không biết sẽ như thế nào trong những ngày tiếp theo. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng sự quyết liệt của Chính phủ trong khống chế dịch, tuy nhiên khi dịch bệnh đã được khống chế cần sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành du lịch.”
End of content
Không có tin nào tiếp theo