Du lịch

Du lịch Tết Tân Sửu: Địa phương không nằm trong vùng dịch vẫn thu hút du khách nội tỉnh

DNVN - Trước tình hình dịch bệnh Covid 19, du lịch là ngành ảnh hưởng nặng nề nhất, tuy nhiên với những cố gắng “vừa chống dịch, vừa sản xuất” nhiều địa phương vẫn có lượng khách trong tỉnh, làm hy vọng du lịch sẽ khởi sắc khi dịch bệnh được khống chế.

Sếp công ty du lịch "bạc tóc" lo tiền những ngày giáp Tết / Đời sống du lịch Tết "đóng băng" hoàn toàn?

Theo thông tin từ các Sở quản lý du lịch tại địa phương, do dịch Covid-19 lại xuất hiện tại một số tỉnh ngay trước Tết nên các địa phương trong cả nước thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch Covid-19, nhiều hoạt động văn hóa - du lịch phục vụ du khách tại các địa phương đã dừng tổ chức. Lượng khách du lịch nội địa đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 (trung bình khoảng từ 60% -80%); công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú chỉ đạt 10% - 20%; doanh thu du lịch đạt thấp.

Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, Tết Nguyên đán năm nay, Hà Nội đón khoảng 122.000 lượt khách, giảm 50% so với cùng kỳ. Từ 0h ngày 16/2/2021 thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố đã thực hiện đóng cửa tất cả các điểm du lịch, không thực hiện đón khách.

Thành phố Hồ Chí Minh, lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn Thành phố giảm từ 65-70% so với cùng kỳ Tết cổ truyền năm 2020. Nhiều khu điểm du lịch phải đóng cửa vì tình hình dịch bệnh, lượng khách giảm lớn như: Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Khu du lịch Một thoáng Việt Nam, Khu du lịch Vàm Sát, một số Bảo tàng trong trung tâm Thành phố… Ngoài ra, các điểm tham quan du lịch có mở cửa đón khách trong 7 ngày ước đạt như sau: Đường hoa Nguyễn Huệ khoảng 85.000 lượt khách, Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đạt 6.000 lượt khách, Chiến khu Rừng Sác đạt 5.000 lượt khách, Dinh Độc Lập đạt khoảng 1.200 lượt.

Điểm du lịch ở các tỉnh khác lượng du khách cũng sụt giảm thê thảm, Lào Cai đón 30.000 lượt khách, giảm 69%; Hà Giang đón 12.000 lượt khách, giảm 70%; Phú Thọ đón 40.000 lượt khách tham quan, giảm 70,5%; Ninh Bình đón 62.300 lượt khách, giảm khoảng 86%; Thanh Hoá đón 108.000 lượt khách, giảm 56,2%; Phú Yên đón 21.900 lượt khách, giảm 73,9%; Bình Thuận đón 20.000 lượt khách lưu trú, giảm khoảng 82%; Bà Rịa – Vũng Tàu đón 285.000 lượt khách, giảm 58,1%; Kiên Giang đón 130.535 lượt khách, giảm 57,4%...

Du khách đến Hà Nội

Tuy nhiên báo cáo của một số địa phương không nằm trong vùng dịch cho thấy, hoạt động du lịch trong dịp tết Nguyên đán khá sôi động, các loại hình được du khách ưa chuộng là du lịch tâm linh, thăm thân, chụp ảnh (check-in) tại các khu điểm du lịch, những nơi có danh lam thắng cảnh đẹp, vẫn ghi nhận và đón được một số lượng khách nhất định như: An Giang 400.000 lượt, Phú Quốc (Kiên Giang) hơn 22.000 lượt, Đà Lạt (Lâm Đồng) 45.000 lượt.

Quảng Bình cũng là địa phương không xảy ra dịch, tuy nhiên lượng khách hầu hết là khách nội tỉnh, khách từ các tỉnh lận cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị... Theo thông tin từ Sở Du lịch Quảng Bình, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, tổng số lượt khách đến với Quảng Bình ước đạt 25.000 lượt khách, giảm khoảng 75% so với cùng kỳ năm 2020. Những điểm đến chủ yếu của khách du lịch là: động Phong Nha, động Thiên Đường, Chùa Hoằng Phúc, Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, núi Thần Đinh, hang Tám Thanh niên xung phong... Khách đến các điểm tham quan trong dịp Tết chủ yếu là khách nội tỉnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị... Khách lẻ chiếm chủ yếu và đi đường bộ theo hình thức ô tô gia đình. Những điểm đến chủ yếu của khách du lịch là: động Phong Nha, động Thiên Đường, Chùa Hoằng Phúc, Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, núi Thần Đinh, hang Tám Thanh niên xung phong...

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Tổng cục Du lịch đã kịp thời ban hành công văn 112/TCDL-LH (ngày 28/01/2021) về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để chỉ đạo các cơ quan quản lý du lịch địa phương và các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc thường xuyên cập nhật thông tin chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ VH-TT-DL, UBND các tỉnh, thành và các cơ quan chức năng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để lây lan dịch bệnh trong hoạt động du lịch tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách du lịch và người lao động tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho du khách, cán bộ, nhân viên và người lao động trong ngành Du lịch.

Về công tác phòng chống dịch của các địa phương, các Sở quản lý du lịch địa phương đã có công văn gửi các cơ quan quản lý liên quan và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hầu hết các địa phương đã chủ động cập nhật thường xuyên tình hình dịch Covid-19 và thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuyên truyền, hướng dẫn tới khách du lịch cài đặt Bluezone để phục vụ giám sát, truy vết tiếp xúc.


Các đơn vị lữ hành, vận chuyển khách du lịch, các hướng dẫn viên du lịch, các điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch đã thông báo, hướng dẫn kịp thời đến các đoàn khách đi đến và về từ vùng có dịch để khai báo với các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, xử lý kịp thời theo quy định, nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng chống dịch Covid-19…

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch được các đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quốc được thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình, tại các điểm du lịch, đều có băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền về phòng chống dịch và nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, rửa tay bằng cồn…

Với những nỗ lực trong công tác khắc phục hậu quả những tổn thất do dịch Covid 19 gây ra, ngành du lịch đang đi từng bước vững chắc để khắc phục những “tổn thương”, tuy nhiên để hồi phục thì cần một bà toán và một chính sách rõ ràng mới mong ngành du lịch nhanh chóng hồi phục.

Thanh Loan
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm