Đời sống

Làm gì khi trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine mắc sởi

Tại Đắk Lắk, số bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi phải nhập viện điều trị sởi chiếm 30% tổng số bệnh nhân mắc sởi. Đáng nói, đây là độ tuổi chưa được tiêm chủng vaccine.

Một ly nước cam mỗi ngày làm giảm nguy cơ đột quỵ chết người / Lợi ích sức khỏe của nước dừa pha mật ong

1

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, tình hình bệnh sởi đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều bất thường là nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc, trong khi độ tuổi này chưa đến thời gian tiêm chủng và thường chỉ có miễn dịch từ mẹ thông qua việc cho con bú. Vì thế, nếu mẹ không có miễn dịch hoặc có nhưng trẻ không được bú mẹ thì cũng không được bảo vệ. Ở độ tuổi này, trẻ bị sởi rất dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm và khó khăn trong điều trị. Tốt nhất khi thấy trẻ có các biểu hiện sốt, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viêm kết mạc mắt; viêm đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, khò khè, khó thở, sốt cao liên tục, tiêu chảy mất nước, suy hô hấp... nên lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và điều trị kịp thời.

Với các trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm chủng vaccine sởi cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý, bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những ai nghi ngờ mắc sởi, những nơi đông người, không đến vùng diễn ra dịch.

Cũng theo bác sĩ Phạm Văn Lào, một phần nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát trở lại là do thời gian qua có một tỷ lệ nhất định bà mẹ không đưa con đi tiêm chủng vì sợ các tai biến liên quan đến vaccine. Thực tế có đến 96% số ca mắc sởi nhập viện nói trên do chưa tiêm phòng vaccine hoặc không có tiền sử tiêm chủng rõ ràng. Ngoài nguyên nhân do cha mẹ chủ quan, quên, còn có nhiều trường hợp nghe theo tin đồn, tham gia phong trào bài trừ vaccine vì sợ nguy hiểm đến con nên không tiêm phòng. Thực tế, tỷ lệ tiêm chủng ngừa các bệnh có vaccine vẫn chưa đạt, do người dân vẫn e ngại phản ứng sau tiêm nên không đưa con đi tiêm đầy đủ các mũi, điều này khiến cho dịch bệnh dễ bùng phát.

Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ dưới 9 tháng tuổi, tốt nhất các bà mẹ trước khi mang thai nên tiêm phòng đầy đủ và hoàn thành lịch tiêm trước 3 tháng các loại vaccine sởi - quai bị - rubella; thủy đậu; cúm để tạo miễn dịch cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai. Khi trẻ em đến độ tuổi tiêm chủng cha mẹ phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm phòng đầy đủ vaccine cho trẻ.

Theo vtv.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm