Đời sống

Miền Tây lũ muộn

DNVN - Hiện đã là giữa tháng 8 âm lịch nhưng mực nước ở các tỉnh miền Tây Nam bộ rất thấp, nhiều thửa ruộng còn trơ gốc rạ. Do đó, sau khi được nới lỏng giãn cách xã hội, người dân vùng “rốn lũ” chưa thể ra đồng đánh bắt sản vật, làm cho mùa nước nổi trở nên hiu hắt.

ĐBSCL: Dưa lưới thư pháp đắt hàng, dưa thỏi vàng lo “sập sàn” vì thời tiết / Loạt món ngon thưởng thức cùng hoa nổi tiếng miền Tây

Xuồng nằm bờ, dân ngóng chờ...

Hàng năm, khu vực đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp thường đón lũ sớm từ dòng thượng nguồn sông Mê Kông. Do vậy cứ độ tháng 5, tháng 6 âm lịch, khi kết thúc vụ sản xuất, người dân ở đây khép lại chuyện đồng áng để tất bật chuẩn bị ngư cụ mưu sinh mùa nước nổi. Hiện nước ở 2 dòng chính là sông Sở Thượng và sông Tiền còn ở mức thấp. Tình trạng này khiến cho các hoạt động sinh kế còn nằm dưới sàn nhà. Bà Nguyễn Thị Việt (xã Thường Thới Hậu A) nói: “Nước chưa có gì hết, giờ chỉ đặt theo nước lớn, nước ròng dưới sông”.

Đi sâu vào vùng rốn lũ giáp với biên giới Campuchia thấy nhiều cánh đồng đã thu hoạch lúa hè thu nhưng mực nước còn rất thấp, chưa thể nhấn chìm gốc rạ. Một số loại ngư cụ được nông dân đặt, thả dưới kênh thuỷ lợi, chưa thể lên đồng vì chờ con nước thượng nguồn đổ về. Ngồi nhìn ra cánh đồng sau nhà nhưng nét mặt không khỏi buồn bã, ông Trình Văn Minh (ngụ xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nói: “Năm ngoái nước thấp mà tầm này cũng ngang đầu gối rồi. Năm nay tệ hơn không thấy nước nôi gì, đoán chừng chắc không có lũ luôn rồi”.

Đặt xà di (ngư cụ bằng tre dùng để bắt cá rô) mùa lũ muộn.

Đặt xà di (ngư cụ bằng tre dùng để bắt cá rô) mùa lũ muộn.

Hơn 30 năm làm nghề săn bắt sản vật mùa nước nổi với ông Minh, lũ về là khoảng thời gian cá mắm gia đình ăn không hết và có đồng ra đồng vô mỗi ngày. Lúc này, lũ chưa về, ông không có việc làm, vợ ông thường ngày đan lát ghế mây cũng thất nghiệp vì ảnh hưởng dịch COVID-19. Hai người con của ông làm thợ hồ và công nhân cũng đang ở nhà vì dịch.

Theo ghi nhận tại các huyện đầu nguồn của An Giang như: An Phú, Tịnh Biên mực nước cũng thấp, nhiều xuồng ghe nằm bờ, ngư cụ đánh bắt treo lơ lửng dưới sàn nhà.

Tìm đến vàm Cỏ Lau (thuộc ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú) trước đây được xem là ngư trường đánh bắt của hàng trăm gia đình, nhưng nay tìm “đỏ mắt” mới kiếm đường một người dân đánh bắt. Đóng đô cùng dụng cụ hành nghề hơn tháng nay, lão ngư Năm Đằng (66 tuổi) cho hay: “Nước lũ giờ lạ lắm, đã giữa tháng Tám âm lịch rồi mà vẫn chưa chịu về, trong khi đó ông bà ta có câu “tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ”. Đây là khu vực trũng nhất cánh đồng này nên tôi dựng chiếc rớ (ngư cụ như vó cất) rộng 1.000m2 để đánh bắt cầm chừng chờ nước về”. Theo ông Đằng, hiện mỗi ngày nguồn thu nhập chỉ hơn 100 ngàn đồng, vì nước thượng nguồn đổ về chưa mạnh, đồng ruộng chưa ngập sâu nên cá, tôm chưa sinh sôi.

Do mược nước còn thấp nên nhiều người dân còn chưa đưa xuồng xuống nước để ra đồng.

Do mược nước còn thấp nên người dân còn chưa đưa xuồng xuống nước để ra đồng.

Đứng tần ngần hồi lâu trên bờ kênh Vĩnh Tế với ánh mắt xa xăm, anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc) thở dài: “Chắc năm nay nước nhỏ nữa rồi!”. Đó là câu nói gọn lỏn của người ngư dân hơn 20 năm sống cùng nghề câu lưới. Chỉ tay xuống chiếc vỏ lãi nằm gối đầu trên bến từ nhiều tháng nay, anh Hùng cho biết đã tranh thủ tu sửa, kiểm tra máy móc để sẵn sàng cho mùa cá mới. Nước chưa về, anh chỉ đánh bắt lòng vòng mấy đoạn kênh gần nhà. Sau giãn cách xã hội, nhiều người sống nghề “bà cậu” như anh Hùng đành xuống kênh Vĩnh Tế kiếm ít cá bán chợ để lo toan gia đình. “Bây giờ, nhìn mút con mắt vẫn chưa thấy nước đâu. Mỗi năm mấy tháng, tui nhờ con nước để tích lũy tiền bạc trang trải cuộc sống gia đình, rồi đón Tết. Năm nay tình hình coi bộ khó lắm! Dịch giã khó kiếm sống, giờ tới nước về ít thì dân câu lưới bỏ nghề hết cho coi” - anh Hùng bộc bạch.

Vào sâu trong nội địa, không khí đánh bắt còn vắng lặng hơn rất nhiều. Thấy con nước trước nhà chỉ mới rục rịch, ông Nguyễn Văn Tư (62 tuổi, ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) chẳng thiết tha soạn dớn, lưới đã cất từ mùa nước trước. “Năm ngoái tầm tháng này nước về ngập lút đầu, còn nay chống xuồng chưa được. Mấy hôm rày, gia đình đặt hơn chục cái dớn mà không thu được bao nhiêu. Vì vậy, gia đình đành chuyển qua giăng lưới dưới kênh để kiếm ít tiền đong gạo trong lúc dịch giã”, ông Tư bộc bạch.

Làng nghề, vựa cá đìu hiu

Năm trước, vừa thu hoạch xong vụ lúa là nhiều làng nghề, cơ sở bán ngư cụ, vựa thu mua cá, cua, ốc… hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm vui như Tết. Thế nhưng thời điểm này nhiều nơi của đóng then cài, có mở cửa thì lượng khách hàng thưa thớt. Anh Năm Hùng (ngụ xã Nhơn Hội, huyện An Phú) cho hay: “Mọi năm bến sông này vợ chồng tôi vừa tập kết lợp (ngư cụ bằng tre dùng để bắt cua, cá) cua, lợp cá linh, dớn để bán cho người dân, sau chuyến đánh bắt thì họ chở cá, cua đến cân cho mình. Hai tháng qua do dịch bệnh cũng như nước chưa về nên chúng tôi đành tạm nghỉ”.

Nước lũ chưa nhiều, địa bàn đánh bắt bị thu hẹp khiến việc mưu sinh của cư dân vùng lũ trở nên kém sung túc. Đối với những làng nghề sản xuất ngư cụ cũng trở nên đìu hiu. Trước đây, cứ tháng 5, tháng 6 âm lịch là làng nghề lợp cá linh ở cồn Cốc (xã Phước Hưng, huyện An Phú) hoạt động suốt ngày đêm, vì số lượng hàng làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu. Thế nhưng vài năm trở lại đây, dù được các địa phương hỗ trợ bằng nhiều cách, nhưng số hộ làm ngư cụ phục vụ việc đánh bắt cứ lần lượt bỏ nghề.

Ngư cụ xếp xó chưa thể ra đồng.

Ngư cụ xếp xó chưa thể ra đồng.

Nằm võng vì đang trong tình trạng thất nghiệp, ông Bùi Văn Hùng (ngụ ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú) mặt buồn hiu nói: “Mọi năm hết mùa đi làm mướn là chuyển sang làm lợp bán, còn giờ tôi và nhiều hộ lâm cảnh thất nghiệp”.

Tương tự là làng lợp cua ở xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú. Ông Đinh Văn Đỏ (ngụ tại địa phương) có thâm niên làm lợp cua hơn 30 năm nay. Cái nghề “ăn theo” lũ này đã giúp gia đình ông sống khỏe, nhưng giờ khó khăn, vất vả hơn bao giờ hết. “Mấy năm trước, nhà tui làm lợp cua để bán cho khách, mỗi mùa hơn 1.000 cái. Tính ra, hết mùa nước cũng kiếm được hơn 20 triệu đồng, đời sống căn bản lắm. Năm nay, lợp vẫn làm mà không có người mua. Phần vì giãn cách xã hội, họ không đi được, phần vì nước nhỏ nên chẳng ai mua lợp làm gì. Ở xóm lợp cua này đâu chỉ mình tôi”, ông Đỏ than thở.

Chung cảnh ngộ, tại làng nghề đóng xuồng rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) nhiều cơ sở đã nghỉ dịch hơn 2 tháng. Các năm trước, nước về sớm và nhiều, làng nghề nhộn nhịp đóng xuồng cho ngư dân ra đồng bắt cá. Những năm gần đây, nước về thấp lại muộn nên các đơn hàng đóng xuồng càng thưa thớt.

Bà Đỗ Thị Cẩm Loan (ngụ tại địa phương) cho biết: “Mỗi năm làm chừng vài chục chiếc để bán cho người dân đánh bắt mùa nước nổi, nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có người nào đặt hàng. Ngoài ra 50 chiếc ghe đóng cho khách hàng ở Bến Tre để đi trong những mương dừa, ao cá và do giãn cách xã hội nên số hàng chất trong kho chưa thể giao đi”.

Tại các tiệm lưới của làng nghề đan lưới Thơm Rơm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cũng hoạt động khá trầm lắng vì lượng mua hàng ít ỏi, trong khi đó thời điểm này được xem là đợt cao điểm của năm. Một chủ tiệm cho biết: “Có nhiều dự báo cho rằng năm nay lũ nhỏ nhưng tôi tin nhiều loại ngư cụ vẫn có đầu ra tốt vì nhiều người có nhu cầu mua. Do vậy, tôi tăng cường sản xuất trước một tháng để có hàng bán ngay khi thị trường có nhu cầu. Hiện nước lũ chưa về nên người mua ít”.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: Đầu mùa mưa năm nay, các đập thuỷ điện ở thượng nguồn đã giữ lại phần lớn lượng nước mưa đầu mùa làm cho khởi đầu của mùa lũ rất thấp so với điều kiện tự nhiên. Cụ thể, các đập ở Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng 1,4 tỷ m3 nước trong tuần, đập Nuozhadu giữ 1,15 tỷ m3 trong tuần làm dâng mực nước trong hồ lên 5m. Hầu hết 34 đập chi lưu ở Lào, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan cũng đã giữ lại nước trong tuần qua để dự trữ nước trong hồ, tổng cộng 633 tỷ m3. Sự tích nước này đã diễn ra hàng năm vào đầu mùa lũ, nhưng năm nay lượng mưa đầu mùa trong lưu vực lại thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ đó gây ra tác động lớn đến mực nước sông Mê Kông đầu mùa lũ, gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng thủy sản tự nhiên vì thiếu nơi sinh sản và ảnh hưởng đến nông nghiệp ở một số nơi trong lưu vực.

Thái Cường
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm