Đời sống

Nhớ cá lóc nướng trui miến Tây

Tự lúc nào chẳng biết, một dãy cá lóc nướng trui trên đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) thơm lựng mùi rạ rơm làm tôi nao nao, bồi hồi nhớ Đồng Tháp Mười, nhớ Cà Mau và nhớ miền hạ Cần Đước quê mình. Cá lóc nướng trui ở Sài Gòn có giống như ở ruộng đồng mà người mua đứng xếp hàng chờ mua, còn người bán thì không kịp trở tay.

Cách nấu món canh chua cá lóc thanh mát chuẩn vị miền Bắc / Cách nấu món canh chua cá lóc thanh mát chuẩn vị miền Bắc

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa.

Chà! Con nào con nấy bự bằng bắp tay, ai mua con nào, người bán bẻ cổ con đó, nướng trên bếp than rực đỏ cho khách đem về.

Thấy chưa nè, cá lóc nướng trui ở Sài Gòn tôi mới vừa mua đem về không phải nướng bằng rơm rạ. Cho nên, tuy có ngon nhưng cũng không ngon bằng, nó cũng ngọt nhưng mùi da cá khét không thơm bằng, không đượm bằng nướng rơm đồng nông thôn.

Kỳ vậy ta!

Có gì đâu, ông bạn Võ Đắc Danh đã nhắc điều nhà văn Sơn Nam thường nói “Hồi nhỏ cha mẹ cho ăn món gì thì khi lớn lên, món ấy trở thành ngon nhất trên đời”. Thì ra vậy, so sánh cá lóc nướng trui bằng bếp than ở Sài Gòn không thơm ngon bằng nướng trong rơm rạ có khi bị khập khểnh. Nhưng mà phải nói để biết cá lóc nướng trui ở Sài Gòn khác cá lóc nướng trui ở đồng ruộng ra sao.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa.

Cá lóc đồng có sẵn trên đồng, rơm rạ có sẵn quanh nhà, dân đồng ruộng, ngàn người thì hết 909 người đã biết đến mùi rơm rạ trước khi biết đến cá biển. Vậy là không cần vòng vo tam quốc chi cho mệt thì cũng đủ biết ngon hay là không ngon giữa hai cách nướng cá lóc rồi. Cách nướng nào cũng là nướng, vị ngon của món cá nướng đồng quê nầy đối với dân Sài Gòn gốc nông thôn được dậy lên ngùn ngụt từ trong ký ức thời đầu trần chân đất

Ừ !

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa.

Cũng chẳng cần dài dòng làm chi, chỉ cần nhắc đến một món ngon ở đâu đó thì dù đang ngồi ở Sài Gòn cũng đủ nhớ những nơi xa trên đường thiên lý ta đã đi qua. Ờ Cà Mau, khi gió chướng từ biển thổi vào cũng là lúc những cánh đồng cuối Việt trơ gốc rạ, đất trời thoảng mùi thơm của lúa, của rơm rạ, mùi thơm của những bãi sình non. Nắng chang chang dội xuống bàu, đìa, ao bốc hơi nước cạn dần. Người nông dân miền cực Nam tổ quốc lúc này rãnh tay chân, còn gì hơn là tát ao, tát đìa bắt cá làm mắm dự trữ cho mùa mưa năm sau. Nhất thiết là nhà nào cũng như vậy, phải để dành cho bằng được vài khạp cá đồng để đổi món ba ngày tết thừa mứa thịt gà thịt vịt, tôm khô củ kiệu.

Mô tả ảnh.

Nhà cô Út ở vàm Thị Phụng bên bờ sông Trẹm, huyện Thới Bình, Cà Mau rủ tôi. “Gần tết anh về Cà Mau tát đìa chơi, nhà em đã anh cá lóc nướng trui”.Cái đìa bên nhà cô Út nho nhỏ thôi, năm nào gần tết mấy anh em cô cũng về Cà Mau tảo mộ ông bà rồi tổ chức tát đìa bắt cá. Trước ngày tát đìa, má cô Út chuẩn bị lu, hũ, khạp da bò để rọng cá, còn đứa em út của cô ấy đi mượn chiếc máy bơm để bơm nước. Nghe cô Út ở Sài Gòn về tát cá, trai gái quanh xóm tề tựu giúp cô bạn xa nhà về quê. Máy bơm nước làm cái đìa cạn nước rất nhanh, càng cạn, cá nổi lên càng nhiều, kêu rồ rồ dưới mặt nước nghe thiệt là vui cái lổ tai. Những chú cá lóc, anh chàng cá trê, cá sặc to đùng lấp xấp trong đìa cạn nước tung mình vọt lên cao để thóat thân, còn mấy cô nàng tôm càng quơ râu dày đặc, giơ chiếc càng lên khỏi mặt nước trông vui mắt lắm. Còn tép bạc thì khỏi phải nói, chúng nổi lềnh khềnh bắp không kịp. Đã trở thành dân Sài Gòn rồi, nhưng về sông Trẹm cô Út vẫn còn là tay sát cá như lúc nhỏ, cô nhảy xuống đìa chộp liền mấy con cá lóc bự, đem rọng nước cho nó sạch sẽ trước khi tính tới việc khác, mấy con tôm càng cũng như vậy.

Mô tả ảnh.

Rồi, đây là cá trê, cá rô, đây là con lươn, con cá chình, cá chạch nổi tiếng chui sâu, luồn kỹ dưới sình non lần lượt bị thộp đầu lúc nước trong đìa đã cạn khô. Cảnh tát đìa rộn rịp kết thúc, trong nhà đã có sẵn rượu đế để đưa cây cá lóc nướng trui. Nè nghen, những con cá lóc đen trùi trụi không quá lớn, cũng không quá nhỏ, chỉ vừa ăn được ông anh cô Út xiên từ trên miệng xuống tới đuôi bằng cái que tre còn tươi chong, sau đó đem cắm xuống đất, chất rơm chung quanh. Nhưng nướng làm sao để nó không bị bị khét đen, hoặc còn sống nhít ăn không được. Cô Út bảo “Chỉ có dân miệt đồng như Cà Mau mới đạt tới trình độ biết chất rơm như thế nào để cá vừa chín tới. Chín quá thì mất ngọt, chưa đủ độ thì nó nhão, tanh lắm à nghen! Còn nếu chất rơm ít, nửa chừng phải chất thêm thì khúc đầu sống, khúc đuôi khô nước, ăn cũng được đó, mà hỏng có ngon”. Theo đà cô Út nói, tôi thấy nó đơn giản lắm, và tôi đã nướng thử. Trời đất ơi, con đầu tiền thì sống nhăn, con thứ hai nó giống như cục than, vậy là không được rồi. Chưa cần đợi tới mâm chén đầy đủ, mà nướng xong con nào, làm ngay con nấy theo kiểu “tay làm hàm nhai” của dân Cà Mau, vừa ăn vừa thổi, ngọt ngon đến không kịp thở.

Mô tả ảnh.

Cá lóc, cá trê dựng đầy lu, đầy khạp, tắm rửa cho sạch bùn non, quanh quần bên mâm cá lóc nướng trui cạnh bờ đìa, tình thương mến thương rất là đã lòng thỏa dạ.

Ăn cá lóc nướng trui trên lửa rơm thơm lắm, bẻ khúc cá thịt trắng nõn còn bọc miếng da cháy bên ngòai, kèm rau diếp cá, húng cây, húng lủi, tía tô, đợt vừng, đọt sộp, đọt cóc, đọat xòai, chuối chát đúng theo kiểu người Cà Mau thời khẩn hoang thì sau khi sắp có lớp cá lang các lọai rau cây nhà lá vườn , đặt khúc cá còn nóng hôi hổi, gòi lại, chấm vô đĩa muối hột đâm nhuyễn với ớt hiểm còn xanh thì mới đúng điệu người xưa. Khỏi cần phải nói thêm gì nửa, cho vào miệng rồi đưa cay bằng chén rượu đế sủi tăm, cả đất trời phương Nam cuối Việt tan dần trong từng thớ thịt, mạch máu.

Nhớ cá lóc nướng trui miến Tây

“Hồi nhỏ cha mẹ cho ăn món gì thì khi lớn lên, món ấy trở thành ngon nhất trên đời “. Ông thầy Sơn Nam thiệt là tinh tế. Và tôi đã nhận ra vì sao con cá lóc nướng trui ở tôi mua trên đường Tân Kỳ- Tân Quý tuy có ngon, có ngọt những không thể nào ngon, ngọt bằng con cá lóc nướng trui ở đồng quê nơi tôi sinh ra. Nhưng thôi, gặp được cá lóc nướng trui ở Sài Gòn là tôi đã gặp lại ký ức của mình, gặp lại kỷ niệm ngày cuối năm về Thới Bình tát đìa bắt cá lóc nướng trui bên song Trẹm với cô Út.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm