Một nghiên cứu cho thấy thời lượng ngủ, ngáy và chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Thần kinh học đã phát hiện ra mối liên quan giữa các vấn đề về giấc ngủ và tăng nguy cơ đột quỵ.
Các vấn đề về giấc ngủ bao gồm ngủ quá nhiều hoặc quá ít, ngủ trưa kéo dài, ngủ kém chất lượng, ngáy, khịt mũi và ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, những người có từ 5 triệu chứng trở lên có nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Tiến sĩ Christine Mc Carthy của Đại học Galway ở Ireland là tác giả nghiên cứu trên.
Bà cho biết, kết quả thu được không chỉ cho thấy các vấn đề về giấc ngủ của từng cá nhân có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của một người.
Nếu có hơn 5 triệu chứng này, nguy cơ nguy cơ đột quỵ của một người có thể cao gấp 5 lần so với những người không có bất kỳ vấn đề nào về giấc ngủ.
Nghiên cứu quốc tế trên có sự tham gia của 4.496 người, trong đó có 2.243 người bị đột quỵ và 2.253 người không bị đột quỵ. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 62.
Những người tham gia được hỏi về hành vi giấc ngủ của họ bao gồm số giờ họ ngủ, chất lượng giấc ngủ, giấc ngủ ngắn, ngáy, khịt mũi và các vấn đề về hô hấp trong khi ngủ.
Những người ngủ quá nhiều hoặc quá ít giờ có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn những người ngủ với số giờ trung bình.
Trong số những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm, số người bị đột quỵ là 162 và 43 người không bị đột quỵ. Trong số người ngủ hơn 9 tiếng mỗi đêm, có 151 người bị đột quỵ và 84 người không bị đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ngủ ít hơn 5 tiếng có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người ngủ trung bình 7 tiếng. Những người ngủ hơn 9 tiếng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn gấp 2 lần so với những người ngủ 7 tiếng một đêm.
Những người ngủ trưa hơn 1 giờ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 88% so với những người không ngủ trưa.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét các vấn đề về hô hấp trong khi ngủ, bao gồm ngáy, khịt mũi và ngưng thở khi ngủ.
Những người ngáy có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 91% so với những người không ngáy và những người khịt mũi có nguy cơ bị đột quỵ cao gần gấp 3 lần so với những người không làm việc này.
Những người bị ngưng thở khi ngủ có nguy cơ bị đột quỵ cao gần gấp 3 lần so với những người không mắc chứng này.
Sau khi các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ như hút thuốc, hoạt động thể chất, trầm cảm và uống rượu được điều chỉnh, kết quả vẫn tương tự.
Bà Mc Carthy cho biết, với những kết quả này, các bác sĩ có thể trò chuyện sớm hơn với những người đang gặp vấn đề về giấc ngủ.
Các biện pháp can thiệp để cải thiện giấc ngủ cũng có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và nên là chủ đề của nghiên cứu trong tương lai.
Một hạn chế của nghiên cứu là mọi người báo cáo các triệu chứng khó ngủ của chính họ, vì vậy thông tin có thể không chính xác.
Theo Giáo dục và Thời đại