Ông Trắng (66 tuổi, ngụ xã Vị Đông, H.Vị Thủy) cho biết bén duyên với cây mít ruột đỏ rất tình cờ. Năm 2003, trong lúc đi tham quan hội chợ triển lãm các loại trái cây ngon, ông biết được giống mít lạ này nên bắt đầu tìm hiểu. Qua tư vấn của người bán cây giống và thông tin từ sách báo, nhận thấy giống mít này dễ trồng, năng suất và lợi nhuận cao nên ông mạnh dạn mua 50 cây giống về trồng thử nghiệm trong vườn nhà.
Để tích lũy kinh nghiệm, ông thường xuyên đi đến các vườn chuyên canh giống mít này để học hỏi. Sau đó, ông quyết định đốn bỏ 4 công vườn tạp, nhân giống và trồng toàn mít ruột đỏ. Sau 2 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch. Lứa đầu tiên thu hoạch trái bán được 10.000 đồng/kg, rồi tăng lên 30.000 đồng/kg, cao hơn hẳn một số loại mít khác. Nhờ đó kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá.
Theo ông Trắng, giống mít này có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu nước ta khá tốt. Cây sinh trưởng nhanh và cho thu hoạch khá sớm. Chỉ cần trồng cây con giống trong vòng 24 tháng là đã có thể cho thu hoạch; đặc biệt cây ra trái quanh năm và năng suất khá cao. Trái to đều, chất lượng ổn định qua các năm, trọng lượng trung bình mỗi trái khoảng 10 kg, có trái nặng tới 15 kg. Hương vị của mít ruột đỏ cũng lạ và ngon hơn giống mít thường. Múi mít dày, ăn dai và có vị ngọt thanh.
Để cây phát triển tốt, khi mít đạt chiều cao khoảng 1 m thì tiến hành cắt tỉa chồi ngọn để tạo cành cấp 1. Khi cây chưa có trái, định kỳ 1 năm tỉa cành 2 - 3 lần; khi đã cho trái đều thì 1 năm tỉa cành 1 lần. Cần loại bỏ những cành mọc sát đất, cành già úa để giúp chống lại sâu bệnh và tăng năng suất cho cây trong vụ sau. Bón nhiều phân chuồng hoai để mít sai và tăng chất lượng trái ngon. Khi trái nhỏ cần đề phòng sâu đục trái, thán thư. Trái lớn thì cần bao lại và không phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Tỉa bớt trái xấu, sâu bệnh, nhỏ... để giữ mật độ trái phù hợp.
Hiện trên thị trường giống mít này được các thương lái mua với giá ổn định ở mức cao, từ 60.000 đồng/kg, nhưng không đủ hàng để bán. Đến nay, với 4 công mít ruột đỏ 15 năm tuổi, ông Trắng có nguồn thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm. “Nếu giống mít này vẫn giữ mức giá như hiện tại thì hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây truyền thống như xoài, bưởi và cả sầu riêng”, ông Trắng chia sẻ.
Nhận thấy nhu cầu thị trường khá lớn, ông Trắng đang tiếp tục trồng thêm 12 công và nhân giống bán ra thị trường. Ngoài ra, ông cho biết sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho nhà vườn muốn chuyển sang canh tác loại mít này để phát triển kinh tế gia đình.