Đời sống

Thói quen tuyệt đối tránh khi ăn để không bị hóc xương phải nhập viện cấp cứu

Với sự nguy hiểm của việc hóc xương khi ăn, bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khuyến cáo, người dân khi ăn không nên cười đùa và nói chuyện.

Thói quen tắm khuya: Cẩn thận kẻo có ngày ‘mất mạng’ / Ăn ít mà vẫn tăng cân bởi 6 thói quen tưởng chừng vô hại này

Ths.BS Trần Hữu Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết, thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 ca đến Khoa khám vì hóc xương khi ăn uống, trong đó có những ca nặng phải phẫu thuật và nằm viện điều trị nhiều ngày.

Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị T. (95 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định), nhập viện do bị hóc xương cá. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân T. còn bị xương cá đâm xuyên từ thực quản ra ngoài cổ.Kết quả chụp phim bệnh nhân cho thấy, bệnh nhân có dị vật (xương cá) đâm xuyên từ lòng thực quản ra vùng cổ, ngay sau đó bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương mở cạnh cổ lấy dị vật.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Lý Thị Ph. (SN 1959, Cao Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình), bị hóc xương gà và phải nhập viện trong tình trạng rất đau đớn. Bệnh nhân được chụp phim CT, nghi ngờ có dị vật trong thành thực quản, sau đó được nội soi thực quản ống cứng kiểm tra nhưng không phát hiện ra dị vật. Các bác sỹ đã phải mở cạnh cổ kiểm tra và phát hiện 3 mảnh xương gà, mảnh dài nhất 3cm trong thành thực quản.

Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương vì hóc xương.

Ths.BS Trần Hữu Thắng cho biết, trong số các ca hóc dị vật, thường gặp nhất vẫn là hóc xương cá. Nguyên nhân là do người dân thường có thói quen vừa ăn vừa nói chuyện hoặc cười đùa, ngoài ra còn do cách chế biến cá để nguyên con, không lọc hoặc loại bỏ phần xương trước khi ăn.

“Bản chất dị vật xương cá thường sắc nhọn và dài vì thế rất dễ hóc. Hơn nữa, khi bị hóc người bệnh sẽ thấy nuốt đau nhói, hoặc nuốt vướng. Trong trường hợp xương đâm ra ngoài thực quản người bệnh ban đầu không để ý, hoặc cố tình giấu chỉ đến khi sưng đau mới đến viện thăm khám. Tuy nhiên, đến lúc đó tình trạng đã chuyển biến nặng gây nhiễm trùng, đặc biệt là trường hợp hóc xương cá biển", Ths.BS Thắng cho biết.

Theo bác sĩ, bản chất dị vật xương cá thường sắc nhọn và dài vì thế rất dễ hóc.

Cũng theo BS.Thắng, vùng cổ là nơi có nhiều mạch máu lớn, đó là chưa kể người bệnh đã bị nhiễm trùng và dị vật sắc nhọn... vì thế nguy cơ chảy máu rất cao. Ngoài ra, những trường hợp có bệnh lý mãn tính cũng đòi hỏi bác sĩ phải đưa ra phương pháp điều trị sao cho hợp lý.

 

Với sự nguy hiểm của việc hóc xương đối với người bệnh khi ăn, BS Thắng khuyến cáo, khi ăn không nến cười đùa và nói chuyện. Ngoài ra, khi chế biến thức ăn đặc biệt cho người già và trẻ nhỏ cần lưu ý lọc bỏ phần thịt và phần xương riêng.Việc xử trí những dị vật đã chui qua thực quản ra ngoài vùng cổ sẽ phải tiến hành phẫu thuật lớn, thời gian điều trị kéo dài gây đau đớn cho bản thân người bệnh và chi phí cũng rất lớn.

Trong trường hợp bị hóc xương, không nên tự ý dùng tay để cố lấy dị vật hoặc dùng mẹo để chữa, mà đến ngay cơ sở y tế được được thăm khám và xử trí kịp thời.

Để biết chính xác vị trí dị vật, theo Ths.BS Thắng, bệnh nhân cần phải chụp CTScaner vùng cổ, kết hợp với nội soi ống cứng (ít sử dụng ống mềm vì khó gắp những dị vật to và có thể làm hỏng đầu gắp). Khi đã xác định được vị trí từ đó các bác sĩ sẽ có phương pháp xử lý tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Thông thường tất cả các bệnh nhân đều được soi ống cứng kiểm tra, nếu có dị vật sẽ tiến hành gắp luôn. Trong trường hợp soi không thấy dị vật, các bác sĩ có thể chọn phương pháp mở cạnh cổ để lấy dị vật. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu các bác sĩ phải có kinh nghiệm phẫu thuật đầu cổ, vì xương hóc thường nhỏ và dài rất dễ lẫn với tổ chức gân cơ vùng cổ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm