Đời sống

Vĩnh Phúc: Trồng cây thuốc quý dưới chân núi, thu cả trăm triệu mỗi sào

Vùng núi huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) có nhiều cây dược liệu quý hiếm, trong đó có cây ba kích. Người dân xã Đạo Trù (Tam Đảo) đã mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và nhân giống cây ba kích, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Bình Phước: Có 1 ha vườn trồng "lung tung" thôi mà 9X lời 1,5 tỷ/năm / Hải Phòng: Trồng 20 sào vú sữa, mỗi cây thu 1 tạ quả, lời cả trăm triệu/năm

Mô hình trồng cây thuốc quý ba kích dưới chân núi Tam Đảo đã tạo nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho các công ty trong tỉnh sản xuất thuốc, chiết xuất và chế biến các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ cây ba kích.

Cây ba kích góp phần xóa đói giảm nghèo

Dẫn chúng tôi đi tham quan các vườn trồng cây ba kích trên địa bàn xã Đạo Trù, ông Lý Ngọc Một, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạo Trù (Tam Đảo) phấn khởi cho biết: Những năm trước đây, tại các chân đồi, bà con chủ yếu trồng sắn, hiệu quả kinh tế không cao, đời sống người nông dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, bà con nông dân bỏ trồng sắn chuyển sang trồng nhiều loại cây phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó, cây ba kích là cây phù hợp nhất với đất đồi dốc, sinh trưởng phát triển nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao.

trong cay thuoc quy duoi chan nui, thu ca tram trieu moi sao hinh anh 1

Gia đình anh Nguyễn Văn Sô, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (Tam Đảo) trồng hơn 1 ha cây ba kích, thu nhập từ 600 - 800 triệu đồng/năm

Bên cạnh đó, với đặc điểm là loại cây tự nhiên, mẫn cảm với các loại thuốc trừ cỏ nên quy trình chăm sóc dễ dàng loại bỏ được các yếu tố độc hại. Các hộ nông dân chủ yếu thực hiện khâu làm cỏ, tưới nước giữ ẩm giai đoạn đầu, cây sẽ phát triển tốt ở các năm sau. Xã Đạo Trù hiện có 7 hộ trồng, kết hợp ươm, nhân giống, với hơn 10 ha cây lấy củ và cây ba kích giống, tạo việc làm quanh năm cho người dân địa phương, góp phần giảm nghèo.

Anh Nguyễn Văn Sô, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (Tam Đảo) là một trong những hộ đưa cây ba kích về trồng trên đất vườn đồi nhà mình.

Anh Sô cho biết: "Trước đây, tôi chỉ trồng sắn trên vườn đồi cho hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, tôi thấy các thương lái thu mua ồ ạt củ ba kích rừng do bà con đào bán với giá cao. Hiểu được giá trị và nhu cầu về củ ba kích rất lớn, trong khi đó, cây ba kích mọc hoang nhiều trên các triền núi Tam Đảo, tôi mang về trồng thử trên vườn đồi nhà mình, thấy cây phát triển tốt, tôi nhân giống, mở rộng diện tích trồng cây ba kích...".

Từ chỗ trồng thử nghiệm, đến nay, gia đình anh Sôtrồng hơn 1 ha cây ba kích. Anh Sô cho biết,cây ba kích trồng từ 4 - 5 năm cho thu hoạch đạt từ 1.000 - 1.400 kg củ tươi/1 sào, nếu bán giá thấp nhất 120.000đ/kg củ tươi sẽ thu được 120 - 168 triệu đồng/1 sào.

Bà Âu Thị Kim Phượng, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm, Chứng nhận chất lượng đất và Vật tư nông nghiệp Vĩnh Phúc (cơ quan tham gia kiểm soát chất lượng sản phẩm cao ba kích Tam Đảo) cho biết: Theo kết quả phân tích và kiểm nghiệm của Viện Dược liệu cho thấy, các mẫu rễ củ ba kích từ cây 4 - 5 năm tuổitừ các vùng trồng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc có hàm lượng hoạt chất cao như: Hàm lượng nystose khá cao, đều đạt trên 3,0% (từ 3,40 - 3,87%).

 

"So sánh với tiêu chuẩn trong Dược điển Trung Quốc (hàm lượng nystose không được thấp hơn 2,0%, theo phương pháp HPLC-ELSD), có thể thấy giống ba kích trồng tại Vĩnh Phúc đều đạt và vượt so với hàm lượng nystose theo quy định trong Dược điển Trung Quốc...", bà Phượng khẳng định.

Xây dựng thương hiệu ba kích Tam Đảo

Có thể khẳng định, các vùng trồng cây ba kích đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho các công ty trong tỉnh sản xuất thuốc, chiết xuất và chế biến các sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

Năm 2018, các hộ trồng cây ba kích xã Đạo Trù đã thành lập HTX Dịch vụ vàThương mại Tam Đảo, ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm từ cây ba kích với Công ty TNHH MTV Minh Phúc An.

Anh Nguyễn Văn Sô, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ và Thương mại Tam Đảo cho biết, mặc dù thị trường tiêu thụ không gặp nhiều khó khăn nhưng từ trước đến nay củ ba kích chủ yếu được bán cho thương lái Trung Quốc nên giá cả luôn bấp bênh, không ổn định. Nhờ liên kết với công ty TNHH MTV Minh Phúc An, các thành viên HTX được hỗ trợ kỹ thuật, vốn sản xuất ban đầu, từ đó, có kế hoạch rõ ràng cho việc mở rộng, phát triển vùng sản xuất cây ba kích.

 

Bên cạnh đó, hợp tác liên kết sẽ giúp các hộ trồng cây ba kích được chia sẻ, giúp đỡ nhau tốt hơn về việc lựa chọn giống, kỹ thuật canh tác, chăm bón cho cây ba kích... Theo đề nghị của công ty, để có vùng nguyên liệu ổn định, trước mắt, chúng tôi đã hình thành được nhóm liên kết sản xuất gồm 12 hộ, với diện tích khoảng 12 ha.

Bà Trần Thị Phương Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Phúc An cho biết, sản phẩm cao Ba kích Tam Đảo do công ty sản xuất được Bộ Y tế cấp phép và cấp giấy phép quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho phép, Công ty TNHH MTV Minh Phúc An sử dụng nhãn hiệu chứng nhận địa lý “BAKITADA BA KÍCH TAM ĐẢO - VĨNH PHÚC” theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 260856 cho các sản phẩm nhóm 05 (Rượu thuốc ngâm từ rễ củ ba kích; Rễ củ ba kích dùng cho y tế; Sản phẩm nhóm 30 Trà Ba kích.).

Hiện nay, sau khi thu mua rễ ba kích, công ty thực hiện việc sơ chế và làm công đoạn như tách bỏ lõi gỗ của rễ cây (có hại cho sức khỏe), sau đó, công ty gia công chiết xuất dược liệu trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Sản phẩm của công ty đã xây dựng thương hiệu “Ba Kích Tam Đảo”, các sản phẩm như: Cao ba kích, rượu ba kích đều có nhãn mác và mang tên chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Hy vọng rằng, "Ba kích Tam Đảo" sẽ là món quà quý cho du khách gần xa khi đến với Vĩnh Phúc.

 

Với sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp, thương hiệu ba kích Tam Đảo sẽ là sản phẩm mang nhãn hiệu đặc trưng của Vĩnh Phúc, góp phần giúp người dân trồng cây ba kích có thu nhập ổn định và doanh nghiệp phát triển bền vững.

1
Theo Báo Vĩnh Phúc
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm