Đời sống

Vợ chồng căng thẳng vì ở nhà sang

Nhìn vào thực tế, chúng em bắt đầu vỡ mộng. Để vừa chăm sóc gia đình, vừa phải trả nợ, vừa nuôi con nhỏ, số tiền nợ kia vượt quá khả năng chi trả của chúng em. Cả 2 vợ chồng đều rất căng thẳng mỗi khi nghĩ đến tiền.

Cãi nhau, vợ đốt giấy hun khói vào phòng, chồng nhét... giấy đăng ký kết hôn qua khe cửa trả đũa / Chồng như "cái gai” trong mắt vợ

Cô gái viết thư cho Thanh Tâm dường như không vì muốn nhận được tư vấn mà chỉ để trút nỗi niềm. Và như cô nói là để chia sẻ bài học kinh nghiệm với các cặp vợ chồng trẻ khác.

"Hôm nay em viết thư này gửi chị để chia sẻ bài học kinh nghiệm của 2 vợ chồng về việc thu nhập thấp dưới 20 triệu đồng/tháng, nhưng vay tiền ngân hàng, người thân để mua nhà chung cư giá cao. Ở nhà đẹp nhưng đầu óc lúc nào cũng như trái bóng sắp bị nổ tung. Hi vọng nếu bạn đọc nào đang có ý định mua nhà theo kiểu ấy thì hãy cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định.

Hai vợ chồng em mua nhà cách đây 4 năm, khi vừa mới lập gia đình. Lúc đó, cả 2 còn trẻ, đều mong muốn có một ngôi nhà để an cư lập nghiệp. Vì vậy, dù thu nhập của 2 vợ chồng là 19 triệu đồng/tháng, có 500 triệu tiền vốn nhưng chúng em tìm hiểu và mua 1 căn chung cư giá 2,5 tỉ đồng. Lúc ấy chúng em bồng bột, lương thấp mà còn muốn sống sang, bây giờ thì mệt đủ đường chị ạ.

Có lẽ chị sẽ thắc mắc chúng em mua được nhà bằng cách nào? Chúng em mua nhà theo kiểu trả góp, từ khi khu chung cư ấy mới bắt đầu xây móng. Bởi vậy, tiền mua nhà đóng theo 5 đợt và mỗi lần đóng tiền, chúng em huy động mọi mối quan hệ để vay tiền và vay ngân hàng.

Được sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, chúng em đã có nhà để ở. Do nhìn họ hàng, người thân xung quanh làm việc thành công và trông có vẻ kiếm tiền dễ dàng nên chúng em tin tưởng rằng "mua là có", vay được là trả được, bất chấp tình hình tài chính và sự phân tích của người thân.

Thu nhập thấp nhưng muốn được ở nhà sang - Ảnh 1.

Nhiều hôm, dù rất cố gắng làm việc nhưng vẫn bị sếp la, em thấy chồng trốn vào góc nhà, ngồi lặng im hàng giờ đồng hồ. Ảnh minh hoạ

Thực sự nghĩ lại, em thấy đây đúng là một bài học lớn dành cho chúng em, suy nghĩ còn quá nông cạn, chưa biết nhìn xa để tránh các rủi ro. Mua được nhà là do vay nợ, mà đã vay thì phải có trả, dù người đó thân thiết với 2 vợ chồng ra sao.

Lúc mới nhận nhà, em và gia đình đều hân hoan, mọi người chúc mừng và khen vợ chồng em giỏi. Căn chung cư ấy có hướng đẹp, mát, đầy đủ tiện ích và được chúng em đầu tư trang trí nội thất khá đẹp. Vợ chồng em rất hạnh phúc vì điều đó. Nhưng hàng tháng, chúng em phải đối diện với khoản trả nợ ngân hàng cả gốc và lãi lên đến 15 triệu đồng.

Sang năm thứ 2, chúng em có con. Lương chưa tăng nhưng hộ khẩu thì thêm 1 đứa trẻ và hàng tháng tốn khá nhiều tiền bỉm sữa. Vậy là khoản tiền đáng lẽ dành cho tiết kiệm trả nợ thì đã được sử dụng để chi tiêu cho con cái. Chồng em phải làm tăng ca mỗi ngày và hàng tuần để có thể bù vào số tiền cần tiết kiệm trả nợ.

Chồng em làm nhiều tới nỗi, có khi cả tuần, con chẳng được đi chơi với bố ngày nào. Một mình chăm con, ức chế, em lại giận hờn, tủi thân. Đầu óc lúc nào cũng mệt mỏi vì nghĩ về tiền. Nhưng kết quả thì sao, cuối năm tổng kết lại, chúng em vẫn chưa trả được là bao, số nợ còn lại vẫn hơn 1,5 tỉ.

Nhìn vào thực tế, chúng em bắt đầu vỡ mộng. Để vừa chăm sóc gia đình, vừa phải trả nợ, vừa nuôi con nhỏ, số tiền nợ kia vượt quá khả năng chi trả của chúng em. Cả 2 vợ chồng đều rất căng thẳng mỗi khi nghĩ đến tiền. Nhiều hôm, dù rất cố gắng làm việc nhưng vẫn bị sếp la, em thấy chồng trốn vào góc nhà, ngồi lặng im hàng giờ đồng hồ. Trong căn nhà rộng 75 mét vuông ấy, với không gian đẹp, thoáng và sạch sẽ, nhưng cả 2 vợ chồng hầu như không cảm thấy thoải mái chút nào.

 

2 năm nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, do ảnh hưởng của mấy "đợt sóng Covid", thu nhập của 2 vợ chồng cũng bị giảm. Số tiền nợ người thân, chúng em có thể khất. Nhưng nợ ngân hàng thì hàng tháng không thể không trả. Vậy là đầu óc của 2 vợ chồng lại căng lên để suy nghĩ "Làm thêm việc gì?", "Làm như thế nào để trả nợ?"...

Chính những áp lực này khiến cuộc sống của vợ chồng em giảm chất lượng nghiêm trọng. Nhiều khi nghĩ lại, chúng em thầm trách bản thân vì đã suy nghĩ nông cạn, lựa chọn sai lầm, dẫn đến những khó khăn như hiện tại. Chị Thanh Tâm ơi, hiện tại 2 vợ chồng em đang rất mệt mỏi vì các khoản nợ. Ở nhà mùa Covid, em lo lắng mình sẽ bị trầm cảm mất".

Bức thư của cô gái bỏ lửng giữa chừng. Nhưng Thanh Tâm biết, họ muốn một người khách quan nhìn nhận tình huống của mình. Hai vợ chồng họ còn nợ hơn 1,5 tỷ, đó quả là một số tiền quá lớn với vợ chồng trẻ mà thu nhập cứng 20 triệu/tháng, thu nhập phụ chưa đến 10 triệu/tháng.

Thanh Tâm khuyên họ, nếu đã nghĩ lựa chọn của mình là sai lầm, nếu đã để ngôi nhà trở thành lý do cãi nhau của vợ chồng thì hãy nhanh chóng bán căn nhà đó khi giá cả chưa biến động nhiều. Chọn mua căn nhỏ hơn, ở vị trí phù hợp hơn, không phải là chung cư cao cấp. Như vậy, vừa đảm bảo có chỗ ở ổn định, vừa giảm gánh nặng nợ nần, vừa giảm chi phí dịch vụ sau khi hết gói miễn phí. Hãy để mục tiêu phấn đấu nhà đẹp ở kế hoạch 5 năm lần thứ hai một cách chắc chắn và tự tin hơn, họ cũng sẽ bảo vệ được niềm vui cuộc sống gia đình mình.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm