Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long: Điểm hẹn đầu tư

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, đã có 178 dự án được công bố để mời gọi đầu tư trong và ngoài nước...

 

Ngoài ra, còn có 21 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng… Đây được xem là tín hiệu lạc quan đối với sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới đây.

 

Vùng đất gọi...

 

10 năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long luôn tăng trưởng 2 con số. Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 22% GDP của cả nước. Hàng năm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

 

Trong thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, là một trong những trung tâm năng lượng lớn cả nước.

 

Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng kinh tế năng động, vùng sản xuất lương thực, thủy hải sản trọng điểm, trung tâm năng lượng lớn.

 

Phấn đấu, giai đoạn 2011-2020, GDP của vùng tăng bình quân 12%/năm; cơ cấu kinh tế: khu vực I chiếm 30%, khu vực II là 35% và khu vực III chiếm 35%. Khâu đột phá trong 10 năm tới vẫn được xác định là đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội như giao thông, thủy lợi, giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề và xây dựng nông thôn mới kết hợp với phát triển hợp lý các đô thị trung tâm và các khu công nghiệp đã được quy hoạch.

 

Khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng, phát triển toàn diện, hiệu quả, tiếp tục đầu tư phát triển bền vững nông nghiệp, phát triển mạnh kinh tế biển, tập trung đầu tư Vùng kinh tế trọng điểm (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau), xây dựng Cần Thơ thành trung tâm vùng, xây dựng Phú Quốc thành đặc khu hành chính - kinh tế, trung tâm dịch vụ, du lịch của khu vực; xây dựng hợp lý các khu, cụm công nghiệp tập trung, vận dụng tốt các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.

 

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vừa qua,13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa ra 178 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư, với tổng vốn hơn 171 ngàn tỷ đồng và trên 1,5 tỷ USD. Các dự án mời gọi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cảng, nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, thương mại dịch vụ, du lịch, giải trí, kinh tế cửa khẩu, nhà ở, môi trường…

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, cơ sở hạ tầng kinh tế đã được đầu tư đồng bộ hơn, môi trường đầu tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng cải thiện. Kỳ vọng là các nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn trong gần 180 dự án đang mời gọi đầu tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để đầu tư.

 

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để thuận lợi cho các nhà đầu tư hơn; đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, các địa phương nghiên cứu cơ chế chính sách phát triển cho vùng, tập trung vào thế mạnh lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái.

 

Các địa phương cần rà soát lại quy hoạch của từng tỉnh, vùng để điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Các tỉnh, thành sớm liên kết trong vùng và liên kết trong nước để phát huy sức mạnh, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để tạo đầu tư mới. Cần đẩy mạnh cuộc cải cách hành chính để nhà đầu tư nước ngoài đến Đồng bằng sông Cửu Long được thông thoáng, thuận lợi hơn…

 

Cơ hội phát triển

 

 

Đại diện BIDV trao hợp đồng tài trợ vốn cho nhà đầu tư vào Phú Quốc

 

Thời cơ lớn đang đến với Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi rào cản lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long là cơ sở hạ tầng nhưng hiện nay đã đã được cải thiện đáng kể do Chính Phủ quan tâm đầu tư trong nhiều năm qua.

 

Ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, so với các vùng khác, Đồng bằng sông Cửu Long có những thế mạnh rất hấp dẫn các nhà đầu tư như có vị trí chiến lược, nằm giữa một khu vực kinh tế năng động và phát triển, liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Đây là vị trí thuận lợi cho giao thương quốc tế bằng đường thủy, hàng không và đường bộ. Đồng bằng sông Cửu Long cũng là vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, vùng sản xuất lương thực lớn nhất cả nước, bờ biển dài 700 km có lợi thế phát triển kinh tế biển…

 

Theo ông Nguyễn Nội, để Đồng bằng sông Cửu Long hấp dẫn nhà đầu tư và là điểm đến đầu tư, Đồng bằng sông Cửu Long cần thực hiện các chính sách và giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh. Công khai hóa và minh bạch trong quản lý, điều hành trong đầu tư.

 

Làm được như vậy thì triển vọng đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn.

 

Nắm bắt được thời cơ phát triển, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, BIDV thực hiện ký 9 hợp đồng tín dụng cung ứng vốn lưu động và vốn trung dài hạn (trong đó tài trợ cho 7 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 1.988 tỷ đồng).

 

Ngoài ra, trong những năm qua, ngân hàng này đã dành nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng (đến cuối năm 2011 tổng dư nợ tín dụng đạt trên 22.000 tỷ đồng) để xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long.  Riêng năm 2011, BIDV đã triển khai 2 chương trình tài trợ xuất khẩu với 8.000 tỷ đồng và mới đây đi đầu trong việc thực hiện cho vay tạm trữ 1 triệu tấn lúa bằng việc dành khoảng 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi và cơ chế linh hoạt, đảm bảo đáp ứng vốn kịp thời cho nhu cầu doanh nghiệp mua lúa gạo tạm trữ.

 

Hiện nay, BIDV tiếp tục triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ xuất khẩu nông - thủy sản (riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ 100 triệu USD). BIDV cam kết sẽ dành nguồn vốn từ 5.000 -10.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1% - 2%/năm để phát triển hoạt động tín dụng song hành với chính sách và định hướng phát triển kinh tế, phát triển ngành của Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Ông Trần Bắc Ha - Chủ tịch HĐQT BIDV, đánh giá: “Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn có rất nhiều tiềm năng về kinh tế - xã hội. Tuy đã đạt được những thành tựu, kết quả đáng kể nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Để Đồng bằng sông Cửu Long  khai thác tối đa và thế mạnh, các bộ ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với địa phương sớm nghiên cứu, đề xuất Chính phủ những cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là về thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực… nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của vùng để phát triển nhanh và bền vững…”.

 

 

Theo TBDN

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo