Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng khởi khởi nghiệp nhìn từ Bến Tre

Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh Bến Tre đã đặt mục tiêu khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp của nhân dân trong tỉnh.

Được Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre phát động từ cuối tháng 4/2016, Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh đặt mục tiêu khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp của nhân dân trong tỉnh; cải thiện và nâng chất môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương; đồng thời tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, doanh nhân tự tin, yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh lâu dài. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi đã chia sẻ với BNEWS/Thông tấn xã Việt Nam về những bài học kinh nghiệm, những thành công bước đầu sau 2 năm triển khai chương trình này. 

Sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, tỉnh Bến Tre đã thu hoạch được những kết quả gì, thưa ông? 

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN.

 Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Mãi: Phải nói rằng, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các cơ sở; sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu tới năm 2020. 

Cụ thể, tỉnh đã có gần 1.700 doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc thành lập mới; trong đó, có 989 doanh nghiệp. Như vậy, tính đến thời điểm này, tỉnh đã có hơn 3.900 doanh nghiệp đang hoạt động. Ngoài ra, có hơn 10.200 hộ kinh doanh cá thể thành lập mới, đạt 40,8% mục tiêu đề ra tới năm 2020 và nâng tổng số toàn tỉnh lên 46.423 hộ kinh doanh cá thể. Song song đó, tỉnh có 44 hợp tác xã, 459 tổ hợp tác được thành lập mới, nâng tổng số toàn tỉnh lên 95 hợp tác xã và 1.097 tổ hợp tác. 

Chúng tôi đã hỗ trợ vốn đối với 774 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng kinh phí khoảng 802 tỷ đồng từ các nguồn vốn như Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, Quỹ Khoa học và Công nghệ, Quỹ hợp tác công - tư của Dự án AMD Bến Tre hay như nguồn vốn khuyến công, vốn vay ưu đãi của các ngân hàng thương mại.... 

Tổng số đã có gần 39.900 lao động được tạo việc làm mới và hơn 1.400 lượt đi lao động xuất khẩu. Qua 2 năm với nhiều nguồn khác nhau, chúng tôi đã hỗ trợ khởi nghiệp thoát nghèo cho 4.133 hộ gia đình; trong đó, 2.656 hộ thoát nghèo bền vững. 

Cũng tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với 387 ý tưởng và dự án khởi nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ trực tiếp cho 168 ý tưởng, dự án; trong đó, có 54 ý tưởng, dự án phát triển thành các hợp tác xã và doanh nghiệp khởi nghiệp.... 

 

Có thể thấy, với mục tiêu thúc đẩy hoạt động lập nghiệp, khởi nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, các yếu tố tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp đã được quan tâm xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người khởi nghiệp và người hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai có hiệu quả. 

Nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp đã được xây dựng và ban hành góp phần thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư cũng được chú trọng thực hiện. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai rộng khắp mang lại hiệu quả thông qua nhiều hình thức. Hoạt động xúc tiến đầu tư cũng đã thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước, tạo động lực to lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp... 

Vậy trong quá trình thực hiện chương trình này, Bến Tre có gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì không? 

 Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Mãi: Kết quả thu được sẽ còn tốt hơn nếu các ban thuộc Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp như: Ban Chính sách và Hợp tác, Ban Hỗ trợ khởi nghiệp, Ban Phát triển kinh tế hợp tác, Ban Hỗ trợ sinh kế...hoạt động đồng đều và hiệu quả hơn. Các tổ hỗ trợ đầu tư và khởi nghiệp ở cấp xã, phường và thị trấn hoạt động còn thụ động và lúng túng. 

Một số sở, ngành địa phương chưa chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các chính sách, cơ chế có liên quan. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thiếu nhiệt tình, còn cứng nhắc trong thực thi công vụ.

 

Một số địa phương chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như: Chợ Lách, Bình Đại, Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam và Ba Tri. Các câu lạc bộ như Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu, Câu lạc bộ Khởi nghiệp tiên phong tỉnh Bến Tre đã được thành lập nhưng chưa phát huy tốt vai trò trong liên kết, hợp tác, dẫn dắt, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, khởi nghiệp của tỉnh. 

Hơn nữa, việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre quy mô còn nhỏ; chưa có quy chế rõ ràng nên chưa hỗ trợ được nhiều dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đa số dự án, mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp nhưng việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật còn hạn chế. Mô hình quản trị còn đơn giản, nhất là quản trị sản xuất, tài chính và thị trường.... nên khó tiếp cận các nguồn quỹ đầu tư. Một số doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ và thiếu nhiệt huyết để theo đuổi ý tưởng, dự án đến cùng. 

Việc vận động hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp thực hiện chưa đạt yêu cầu của mục tiêu đề ra, các địa phương thiếu quyết liệt trong tuyên truyền, vận động. Một phần là do chưa có quy định chế tài rõ ràng và đủ mạnh nên còn nhiều hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện và nắm rõ quy định nhưng không muốn lên doanh nghiệp, hoặc duy trì song song 2 mô hình hoạt động. 

Việc phối hợp truyền thông trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh còn hạn chế nên hiệu ứng truyền thông chưa rộng khắp; chưa thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Các hoạt động trải nghiệm khởi nghiệp, thi khởi nghiệp chưa tạo sức lan tỏa rộng khắp đến với các đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên... 

 

Vậy, thời gian tới, Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp sẽ tiếp tục được triển khai ra sao, thưa ông? 

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Mãi : Tỉnh Bến Tre đã lên kế hoạch thực hiện chương trình này tới năm 2020. Theo đó, tỉnh đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể như: sẽ thành lập mới ít nhất 1.500 doanh nghiệp và có ít nhất 14.000 hộ kinh doanh cá thể. Tỉnh phấn đấu xây dựng 8 mô hình hợp tác xã và trên 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh để nhân rộng. Đồng thời, hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho 8 nhãn hiệu và 15 lượt doanh nghiệp tham gia dự án năng suất chất lượng. 

Trong 2 năm tới, tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức ít nhất 4 diễn đàn, sự kiện khởi nghiệp hàng năm cấp tỉnh để truyền thông và kết nối khởi nghiệp. Cùng đó, tổ chức ít nhất 300 lớp đào tạo, tập huấn chuyên đề như nâng cao năng lực cho cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, đội ngũ cán bộ liên quan hoạt động khởi nghiệp các cấp... Ngoài ra, sớm thành lập và vận hành có hiệu quả Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh Bến Tre.

Từ đó, cơ bản có 100% hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện đăng ký tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020. Qua đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh xuống dưới 5,5%. 

Để thực hiện những mục tiêu trên, tỉnh tập trung toàn lực, nhất là ở cấp huyện, cấp xã; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong việc thực hiện chương trình này. Đồng thời, đưa vào làm tiêu chí bắt buộc để nhận xét, đánh giá cán bộ, bình xét thi đua cuối năm. Song song với đó, kiện toàn và nâng chất hoạt động của Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh; nâng cao hiệu quả truyền thông khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động đào tạo, tập huấn khởi nghiệp thông qua nhiều hình thức mới và hiệu quả hơn. 

 

Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sẽ được củng cố và nâng chất với quy mô dự kiến khoảng 50 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện tốt kết nối nguồn vốn cho khởi nghiệp và doanh nghiệp từ các ngân hàng, các quỹ đầu tư và xã hội. Dự kiến, tỉnh sẽ sớm triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre. 

Thêm nữa, việc kết nối, mở rộng thị trường để khuyến khích khởi nghiệp sẽ được chú trọng, bằng cách lấy thị trường TP.HCM làm trung tâm để kết nối nguồn lực và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, phát huy các liên kết như mô hình ABCD của 4 địa phương là An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp hay các chương trình hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trường đại học quốc gia TP.HCM... để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh. 

Nên đọc
Theo BNEWS/TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo