Đồng Nai: Doanh nghiệp nhỏ và vừa được bảo lãnh vay vốn
Ông Trần Minh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh, Quỹ Đầu tư phát triển Đồng Nai sẽ bảo lãnh cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng chưa có khả năng đáp ứng các điều kiện về bảo đảm tiền vay.
(HQO) - Quy chế bảo lãnh tín dụng mới cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh bao gồm các điều kiện : Dự án đầu tư có tính khả thi và có khả năng hoàn trả vốn vay và sẽ được Quỹ Đầu tư phát triển thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chấp thuận bảo lãnh; dự án có vốn tự có tham gia tối thiểu 30% tổng giá trị dự án đầu tư; có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại ngân hàng thương mại tối thiểu bằng 30% giá trị khoản vay. Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không nợ đọng thuế hay có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai cho biết, tính đến ngày 31-5, số vốn huy động dư thừa mà các tổ chức tín dụng chưa thể cho vay của Đồng Nai đạt xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, vượt xa mức 12.000 tỷ đồng cách đây 2 tháng.
Hiện lãi suất cho vay phổ biến ở Đồng Nai đã được kéo về mức 11%/năm trở xuống (chiếm tỷ trọng trên 55% so với tổng dư nợ); thậm chí có gói vay ưu đãi chỉ còn 7,5-8%/năm nhưng nhiều ngân hàng vẫn không tìm được khách vay, do phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa dám mở rộng sản xuất kinh doanh. Mặc dù các ngân hàng đã nhiều lần kéo giảm lãi suất cho vay nhưng khả năng hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế vẫn thấp.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, đến hết tháng 5-2013, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 80.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2012. Riêng tháng 5 vừa qua, dư nợ ở Đồng Nai không tăng mà còn giảm gần 1.000 tỷ đồng so với tháng 4 trước đó.
Trong đó, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước như: Công thương Biên Hòa, Vietcombank Đồng Nai, Vietcombank Nhơn Trạch, BIDV Đồng Nai… có mức tăng trưởng tín dụng âm từ 6-14% so với cuối năm 2012. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, tổng dư nợ còn giảm sâu hơn, cụ thể, có ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng âm gần 45% so với cuối năm 2012./.
Lê Hiền
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo