Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng tiền liền khúc ruột, đầu tư sao cho trúng?

Thua lỗ lớn vì đầu tư ngoài ngành một cách thiếu tính toán, câu chuyện của Vinashin, Vinalines có lẽ là bài học không chỉ cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mà còn cho cả các công ty tư nhân trong hành trình hướng tới một tập đoàn kinh tế đa ngành nghề.

Nhiều quan điểm cho rằng, với các công ty tư nhân, khi mà “đồng tiền liền khúc ruột”, thì càng cần phải thận trọng hơn trước mỗi quyết định đầu tư.

 

Rất dễ hiểu vì sao sau một thời gian nỗ lực và tích lũy, có một ngân khoản lớn, nhiều ông chủ doanh nghiệp đã tính tới chuyện mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực mới. Bất động sản, hay chứng khoán chẳng hạn. Đây đều là những lĩnh vực đã một thời lôi kéo không chỉ doanh nghiệp tư nhân, mà cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng đổ tiền vào đầu tư để kiếm lời.

 

Khát vọng trở thành một doanh nghiệp, hay một tập đoàn kinh tế đa ngành là hoàn toàn chính đáng. Nhưng thời thế nay đã khác, kinh tế suy giảm, thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán tuột dốc, cầu của nền kinh tế vẫn đang ở mức đáy… Nên móc hầu bao để đầu tư hay không? Đây là câu hỏi đã tốn rất nhiều giấy mực của các chuyên gia trong thời gian qua.

 

Một câu hỏi không dễ trả lời, bởi ngay cả Masan, một thương hiệu nổi đình đám ở thị trường Việt Nam cũng không vội vàng chọn một hướng đi mới, mà quyết định gửi ngân hàng số tiền gần 5.000 tỷ đồng để lấy lãi và chờ cơ hội đầu tư mới.

 

Không ít doanh nghiệp, khi trao đổi với báo giới thời gian gần đây, cũng đều lắc đầu than rằng, vẫn đang cố cầm cự để “chờ thời”. Chi phí đầu vào tăng cao, kinh doanh khó có lãi trong bối cảnh đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp phải dừng hoạt động là lý do đầu tiên.

 

“Thay vì mở rộng thêm hệ thống phân phối như dự tính ban đầu, chúng tôi đã quyết định làm gọn lại hệ thống đang có, mạnh dạn đóng cửa những cửa hàng kinh doanh kém hiệu quả để tránh bị ngâm vốn. Đây là một quyết định khá khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, vốn rất cần mở rộng hệ thống bán lẻ để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng”, bà Đặng Quỳnh Đoan, Giám đốc Công ty Thời trang Việt Thy đã cho biết như vậy.

 

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, vẫn có không ít doanh nghiệp mạnh tay đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh. Chẳng hạn, CTCP Minh Long 1, ngoài việc hoàn thành nhà máy mới, còn mở rộng đầu tư vào bất động sản, truyền thông, kinh doanh tài chính để thực hiện chiến lược đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh của mình.

 

Công ty PNJ cũng đang đầu tư phát triển theo hướng trở thành tập đoàn đa ngành bằng cách thành lập các công ty cổ phần mà PNJ nắm cổ phần chi phối trong các lĩnh vực liên quan đến thời trang, địa ốc, hàng tiêu dùng…

 

Những cái tên như Kinh Đô, Đồng Tâm, Thép Việt, ICP, Việt Tiến… cũng có thể coi là những ví dụ điển hình cho xu hướng doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác nhau, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế.

 

Một ví dụ khác, vào đầu năm, Casumina cũng đã quyết định vay 1.300 tỷ đồng để đầu tư Dự án Sản xuất lốp radial toàn thép ở Bình Dương. Lý giải cho quyết định táo bạo này, ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Casumina cho biết, Công ty bắt buộc phải làm vậy, bởi nếu không, cơ hội sẽ vuột mất. “Chúng tôi không thể ngưng lại khoản đầu tư này và chấp nhận đối mặt với khó khăn phía trước”, ông Trí nói.

 

Một sự thật hiển nhiên trong kinh tế thị trường, khó khăn của người này có thể là cơ hội cho người khác. Bởi thế, trên thị trường đã luôn diễn ra hai xu hướng trái ngược nhau, người thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, kẻ tiếp tục thành công và không ngừng mở rộng đầu tư.

 

Chính nhà đầu tư tài ba Warren Bufett cũng đã rút ra một bài học kinh điển trong đầu tư, đó là “hãy sợ hãi khi những người khác tham lam và hãy tham lam khi những người khác sợ hãi”.

 

Nói thì dễ, nhưng trên thực tế, để đầu tư thành công như Warren Bufett là điều không đơn giản. Bởi muốn đầu tư thành công, ngoài tầm nhìn chiến lược, sự tính toán kỹ lưỡng thì phải có sự nhạy bén để nhìn nhận và nắm bắt kịp thời cơ hội, nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều nguy cơ hơn là cơ hội như hiện nay.

 

Có thể kể không ít ví dụ điển hình cho những thất bại trong kinh doanh chỉ vì những quyết định đầu tư thiếu chuẩn xác. Câu chuyện của Vinashin, Vinalines… là bài học còn “nóng hôi hổi” và rõ ràng là không chỉ có ý nghĩa đối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, mà còn cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Việc doanh nghiệp thành hay bại phụ thuộc rất lớn vào các quyết định của ông chủ doanh nghiệp, dựa trên đề xuất của CEO. Nếu có cơ hội thì CEO không nên bỏ qua, nhưng trước đó, cần tính toán kỹ lưỡng, thấu đáo để có thể đưa ra quyết định chuẩn xác, mang lại hiệu quả cao cho hoạt động của doanh nghiệp.

 

 

Theo ĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo