Đồng ý cho Tổng công ty Đường sắt ứng trước 471 tỷ để trả nợ
Theo đó, về việc thanh toán nợ khối lượng đã hoàn thành của các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) là 471,149 tỷ đồng cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thanh toán nợ khối lượng hoàn thành của Công trình xây dựng mới 3 cầu theo lệnh khẩn cấp: Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu và Công trình xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn II Kế hoạch 1856 theo lệnh khẩn cấp. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải để hoàn trả số vốn ứng trước nêu trên theo đúng quy định.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo giá trị khối lượng hoàn thành của 2 công trình trên; đảm bảo quản lý, sử dụng số vốn được giao đúng mục đích, đối tượng và quy định hiện hành.
Về một số cầu đặc biệt yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải để xây dựng 6 cầu và gia cố, xây trụ chống va cho 2 cầu.
Theo phản ánh của báo chí trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính ohur báo cáo về việc thực hiện các công trình khẩn cấp tại tổng công ty này và đề nghị một số nội dung để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, với vai trò là chủ đầu tư các công trình xây dựng, VNR đã yêu cầu nhà thầu triển khai hoàn thành công trình theo đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng. Đến nay, công trình xây dựng mới 3 cầu Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu đều cơ bản hoàn thành vào quý II/2013 và cuối năm 2013.
Tuy nhiên, VNR đang nợ 471 tỷ đồng các nhà thầu thi công từ năm 2013. Tình hình các nhà thầu hiện đang rất khó khăn. Nợ lương công nhân, nợ tiền vật tư, nợ chi trả lãi vay ngân hàng phát sinh mỗi năm hơn 45 tỷ đồng tiền lãi (bình quân mỗi tháng gần 4 tỷ đồng).
Theo đơn vị này, công việc những năm qua lại vô cùng khó khăn dẫn đến các nhà thầu có nguy cơ đóng tài khoản, nếu tiếp tục kéo dài sẽ phải dừng hoạt động.
Các nhà thầu này trước đây trực thuộc tổng công ty nay đã được cổ phần hoá, một số công ty đã thoái hết vốn, số còn lại đang tiếp tục thoái vốn. Vì vậy, việc thanh toán cổ tức, đối chiếu thanh toán nợ với VNR không thực hiện được. Các đơn vị quá khó khăn, không có kinh phí để trả nợ tổng công ty.
Chính những lý do trên, VNR kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông Vận tải ứng trước 471 tỷ đồng hoặc bố trí đủ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016, để bộ này giao cho đơn vị thanh toán hết cho các nhà thầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo