Dự án Viethaus ở Đức: Thua lỗ, có nguy cơ mất vốn
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản lấy ý kiến các bộ Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư về phương án xử lý Dự án Ngôi nhà Việt (Viethaus) tại Berlin - Đức của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án Viethaus là dự án đầu tư ra nước ngoài của Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất – SASCO (Công ty con của ACV) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài.
Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 9,4 triệu Euro. Trong đó, vốn điều lệ do cổ đông góp là hơn 2,63 triệu Euro (Trong đó Công ty Sasco góp 763.285 Euro, chiếm 29% vốn điều lệ; Công ty CP Dịch vụ Viễn thông Toàn Cầu góp hơn 1,86 triệu Euro, chiếm 71% vốn điều lệ); Vốn vay là hơn 6,78 triệu Euro.
Liên quan đến dự án này, Bộ Tài chính cho rằng việc xem xét, quyết định tiếp tục thực hiện hay chấm dứt thực hiện dự án Viethaus thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của ĐHCĐ. HĐQT Công ty Sasco hoặc theo phân cấp được quy định tại Điều lệ của Công ty Sasco.
Tuy nhiên, do dự án Viethaus là dự án đầu tư nước ngoài nên Công ty Sasco phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định pháp luật về đầu tư ra nước ngoài.
Ngoài ra, do ACV nắm giữ 51% vốn điều lệ tại Công ty Sasco, trường hợp người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV phải báo cáo, xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ GTVT) theo quy định của Điều lệ ACV để làm cơ sở cho người đại diện phần vốn của ACV tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của HĐQT Công ty Sasco. Theo đó, Bộ GTVT chịu trách nhiệm xem xét, quyết định đảm bảo nguyên tắc hiệu quả, bảo toàn giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, tránh thất thoát vốn tài sản của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến dự án này, Thanh tra Chính phủ cho biết Sasco đã đầu tư vốn thành lập công ty liên doanh nhà Viethaus từ năm 2005 đến năm 2015, kết quả kinh doanh không có hiệu quả, lỗ luỹ kế đến thời điểm 31/12/2015 là hơn 13,4 triệu Euro.
“Các mục tiêu kinh tế của dự án chưa đạt được, khó có khả năng thu hồi vốn đầu tư và các khoản nợ với số tiền là hơn 9,6 triệu Euro, tương đương gần 62 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về Sasco trong việc góp vốn đầu tư không hiệu quả và có nguy cơ mất vốn”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
Theo tìm hiểu, dự án Viethaus trước đây dự án liên doanh giữa SASCO và công ty HMSKY của người Việt tại Đức nhằm xây dựng một trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch của Việt Nam tại Berlin. Ðây cũng là dự án đầu tư đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài theo kiểu mô hình này.
Đến năm 2010, cổ đông HMSKY đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nắm giữ cho Công ty cổ phần Dịch vụ viễn thông Toàn Cầu, là một pháp nhân Việt Nam.
Từ năm 2015, đánh giá khả năng thu hồi thấp nên SASCO đã trích lập dự phòng toàn bộ số tiền đầu tư và phải thu này tại liên doanh này.
Việc phải dự phòng lớn trong năm 2015 đã khiến lợi nhuận công ty này giảm mạnh, còn 11 tỷ đồng so với 111 tỷ đồng năm 2014. Năm 2016 lợi nhuận của công ty đã phục hồi trở lại và tăng lên 234 tỷ đồng. Năm 2017 công ty lãi tiếp 290 tỷ đồng.
Hiện tại Công ty SASCO do Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) nắm giữ 49% vốn điều lệ. Còn lại của công ty được nắm giữ bởi IPP Group và các công ty liên quan đến “ông vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.
Từng trả lời báo chí, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, ông là Chủ tịch HĐQT của công ty này từ tháng 4/2017. Theo đó, những sai phạm của SASCO giai đoạn 2012-2015 thì ACV và lãnh đạo thời kỳ trước năm 2017 của SASCO đã và đang giải quyết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo