Hỗ trợ doanh nghiệp

Đưa doanh nghiệp nợ tiền điện ra tòa

Cực chẳng đã, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (Công ty Điện lực Hải Phòng) buộc phải đưa 3 doanh nghiệp (DN) lớn của ngành thép ra tòa án thành phố để tìm đến giải pháp chống thất thu tiền điện.
Ba DN này đến nay đã nợ xấu tiền điện lên tới trên 27 tỷ đồng. Đây là trăn trở của Công ty Điện lực Hải Phòng để tính đến phương án dài lâu trong việc tránh lãng phí đầu tư công trình điện tại Hải Phòng.
 
Ông Trần Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng - cho biết: 3 DN nợ đọng xấu là Công ty Cổ phần thép Vạn Lợi nợ tiền điện là 15,38 tỷ đồng; Công ty thép Cửu Long nợ 443 triệu đồng và Công ty Cổ phần thép Đình Vũ nợ 7,68 tỷ đồng. Các DN này có nguy cơ phá sản vì Công ty Cổ phần  thép Vạn Lợi đã không còn hoạt động 2 năm nay; công ty thép Cửu Long dừng hoạt động từ giữa năm 2012… Đây là những DN mà EVN Hải Phòng đã và đang hoàn tất hồ sơ để khởi kiện ra tòa án.
 
Do kinh tế suy thoái đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất - kinh doanh, nhiều DN hoạt động cầm chừng dẫn tới sản lượng điện không ổn định, khả năng chi trả tiền điện hàng tháng vô cùng khó khăn. Trong khi việc đầu tư của  Công ty Điện lực Hải Phòng để xây dựng một số công trình đường dây và trạm biến áp có công suất lớn, giá trị đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng. Thực tế có rất nhiều khách hàng không sử dụng đúng tiến độ hoặc công suất, điện năng đã cam kết trong hợp đồng mua bán điện, điển hình là Công ty thép Cửu Long đã vi phạm ngay từ khi ký hợp đồng xây dựng do chậm đưa công trình vào sử dụng, chỉ huy động được 1/3 công suất…
 
Ngoài việc nợ đọng tiền điện Công ty thép Vạn Lợi nợ đầu tư công trình 8,7 tỷ đồng; công ty thép Cửu Long 4,8 tỷ đồng; công ty cổ phần thép Đình Vũ nợ nguyên giá trị đầu tư công trình điện 15 tỷ đồng.
 
Trước thực trạng trên Công ty Điện lực Hải Phòng đã có văn bản báo cáo thành phố và Tổng công ty Điện lực Miền Bắc về việc thi hành luật và có thể đề xuất sửa đổi bổ sung luật điện lực. Cụ thể, tại khoản 6 điều 23 luật Điện lực, Công ty Điện lực Hải Phòng đề nghị được bổ sung thêm quy định: “Đối với khách hàng sản xuất ghi chỉ số 3 kỳ/tháng (có sản lượng điện bình quân  100.000 kwh/tháng) phải đặt cọc hoặc có thư bảo lãnh tương đương với số tiền điện của 1 kỳ ghi chỉ số cộng với số tiền sử dụng điện bình quân của 15 ngày tiếp theo trong trường hợp khách hàng không có khả năng thanh toán”… Công ty Điện lực Hải Phòng đề nghị Luật điện lực quy định rõ thêm chế tài xử lý cụ thể đối với các đơn vị được đầu tư công trình điện nhưng không thực hiện đúng tiến độ, công suất và điện năng đã đăng ký và việc bổ sung điều khoản “thư bảo lãnh đầu tư công trình điện” là cần thiết để đảm bảo thu hồi vốn khi khách hàng không còn sử dụng hoặc có nguy cơ phá sản.
 
Việc thu hồi nợ đọng tiền điện của các DN này vô cùng khó khăn, vì thế Công ty điện lực Hải Phòng cần một chế tài để giúp ngành điện có thể sớm thu hồi vốn. Đã đến lúc các cơ quan ngành điện cũng  như các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa để ngành điện phục vụ khách hàng ngày càng uy tín hơn. nTheo lãnh đạo Công ty Điện lực Hải Phòng, để giảm thiểu thất thu tiền điện, nhất thiết phải có thư bảo lãnh do ngân hàng phát hành để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán khi DN nợ tiền điện. Hiện tại, công ty đã triển khai thực hiện thư bảo lãnh với khách hàng lớn trên địa bàn, kết quả có 87 khách hàng chấp thuận với số tiền lên tới 17,5 tỷ đồng…
 
 
 
 
Đức Việt
Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo