Hỗ trợ doanh nghiệp

Đua kích cầu tín dụng: Lãi suất vẫn khó giảm

Để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng, các ngân hàng liên tục đưa ra nhiều gói hỗ trợ vay vốn nhằm kích cầu, nhưng lãi suất chỉ ưu đãi trong thời gian ngắn. Trong khi đó, xu hướng lãi suất cho vay đối với phân khúc khách hàng cá nhân có dấu hiệu tăng.

HDBank vừa triển khai gói sản phẩm ưu đãi lãi suất 6%/năm cố định trong 2 tháng đầu, hoặc 8,5%/năm cố định trong 6 tháng đầu áp dụng đối với các khoản vay phê duyệt đến hết ngày 30/6/2018 và giải ngân chậm nhất đến ngày 31/7/2018.

Ưu đãi lãi suất này được áp dụng cho khách hàng bổ sung vốn sản xuất - kinh doanh (gồm cả sản phẩm cho vay nông nghiệp), có tài sản bảo đảm 100% là bất động sản và không thuộc mục đích cho vay kinh doanh cầm đồ, góp vốn. 

Trong khi đó, từ nay đến hết ngày 15/12/2018, Nam A Bank triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng ưu đãi lãi vay chỉ từ 6,88%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng. Còn tại BIDV, ngân hàng thường xuyên triển khai các chương trình cho vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) với tổng quy mô mỗi năm lên đến 50.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2018, BIDV nối tiếp triển khai các gói tín dụng ngắn hạn cạnh tranh lãi suất như gói tín dụng 11.000 tỷ đồng ưu đãi cho SME, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay trung dài hạn, gói 2.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Hà Nội...

Đa phần các chương trình hỗ trợ lãi suất đều nhằm mục tiêu giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn vốn, phát triển hoạt động kinh doanh, nhưng thực tế cho thấy, mức lãi suất ưu đãi chỉ được các nhà băng áp dụng trong thời gian rất ngắn, tối đa là 6 tháng. Đồng thời, lãi suất cho vay đối với phân khúc khách hàng cá nhân đang có dấu hiệu tăng trở lại. Điển hình là hầu hết các ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay mua nhà lên thêm 1-2%/năm so với đầu năm nay.

Chẳng hạn, VIB triển khai chương trình sở hữu ngay ngôi nhà mơ ước với lãi suất ưu đãi 6,99%/năm trong vòng 6 tháng đầu hoặc 7,99%/năm trong vòng 1 năm đầu, thời gian cho vay tối đa 25 năm. Nhưng thực tế, sau thời gian ưu đãi ngắn, Ngân hàng cộng biên độ lãi suất từ 3-4%/năm, đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay mua nhà vào khoảng 11-12%/năm.

Theo các nhà băng, việc lãi suất cho vay mua nhà tăng là bởi chi phí huy động vốn đầu vào đối với kỳ hạn dài ngày tiếp tục đi lên. Cụ thể, các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động được tiền nhàn rỗi, cơ cấu lại nguồn vốn, đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 50% tại Thông tư 06/2017/TT-NHNN vào đầu năm nay và xuống 45% vào đầu năm tới.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng cho biết, lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn giữ xu hướng tăng, nên lãi suất đầu ra khó có thể giảm. Chưa kể, vốn cho vay mua nhà chủ yếu là trung, dài hạn nên việc điều chỉnh nhích lên là điều dễ hiểu.

Hiện với các trường hợp vay dài hạn, lãi suất  cho vay mua, xây, sửa nhà tại các ngân hàng cổ phần đã lên đến 12,5%/năm, tăng khoảng 2%/năm so với trước đây. Đồng thời, trước tình trạng giá nhà đất thời gian qua tăng khá nóng, các nhà băng đều có động thái thẩm định lại giá và chỉ xét cho vay không quá 70% giá trị. Cùng với việc nâng lãi suất, các ngân hàng cũng tăng cường siết chặt ưu đãi và nâng phạt lãi suất trả trước hạn.

Trước tình hình các ngân hàng đang tỏ ra thận trọng và không loại trừ khả năng siết chặt tín dụng bất động sản, nhiều chuyên gia cho biết, điều này sẽ tác động mạnh đến người mua nhà. Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, tăng lãi suất vay lĩnh vực bất động sản kèm với quy định vay bị siết lại gây bất lợi, hạn chế khả năng trả nợ của khách hàng.

Nên đọc
Theo Đầu tư Chứng khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo