Đừng coi thường những lỗi nhỏ
Một sản phẩm trị giá 500 tỷ đồng sắp sửa đến ngày giao hàng mà lại phải đổi tên, quả là sự cố hy hữu. Đó là trường hợp xảy ra ở Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng HUD3.
Theo thông báo mới đây, HUD3 đã chính thức ngừng sử dụng tên gọi Golden Palace cho dự án khu chung cư cao cấp và căn phòng cho thuê ở Hà Đông, Hà Nội bởi nhãn hiệu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký cho Mai Linh từ ngày 11/8/2011.
Đây là một sơ suất không đáng có trong quản trị thương hiệu của doanh nghiệp. Trên thế giới cũng đã ghi lại những kỷ lục thiệt hại có khi lên đến hàng trăm triệu USD bởi những lỗi rất nhỏ.
Năm 1962, tàu thăm dò liên hành tinh Mariner 1 trị giá 80 triệu USD của NASA nổ tung chỉ sau mấy phút rời bệ phóng. Nguyên nhân sau đó được phát hiện ra là trong đoạn mã thiết lập tốc độ và quỹ đạo của con tàu đã thiếu một dấu gạch nối - “một dấu gạch nối đắt nhất lịch sử”.
Năm 1994, Juan Pablo Davila, nhân viên của một công ty quốc doanh tại Chile, đã mua số cổ phiếu mà chính mình đang bán. Sau khi nhận ra sai sót, ông đã cố gắng sửa chữa nhưng đến cuối ngày, Davila đã gây thiệt hại 175 triệu USD cho quốc gia.
Tháng 12/2005, Mizuho (Nhật Bản) giới thiệu công ty mới có tên J-Com Co., chào bán với giá 610.000 yên mỗi cổ phiếu. Chưa đầy năm sau, một trong số các giao dịch viên của họ có “sơ suất rất nhỏ” là đảo số sau thành số trước nên đã bán 610.000 cổ phiếu với giá... một yên mỗi cổ phiếu, khiến cho 340 triệu USD của công ty “đội nón ra đi” .
Kể lại những câu chuyện trên đây xem ra có thể "an ủi" sự cố ở HUD3 nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng, đừng bao giờ coi thường các sơ suất nhỏ!
N. M
Theo Công Thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo