Exxon Mobil bắt đầu khảo sát siêu dự án 20 tỷ USD ở Việt Nam
Đầu năm nay, sau khi lên tiếng muốn đầu tư vào Việt Nam, đại gia dầu khí Mỹ- Tập đoàn Exxon Mobil lập tức tiến hành khảo sát, lên kế hoạch xây dựng dự án điện khí 20 tỷ USD tại Quảng Ngãi và Quảng Nam.
Xem xét 2 phương án
Ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Tập đoàn Exxon Mobil sau khi khảo sát, muốn triển khai dự án đưa khí từ ngoài khơi vào bờ và xây nhà máy điện với tổng vốn 20 tỷ USD. Cụ thể, nhà máy điện có công suất giai đoạn một là 1.500 MW; giai đoạn hai 4.000-5.000 MW và nhà máy xử lý khí.
Để triển khai, Exxon Mobil đang xem xét hai phương án. Phương án 1, đưa khí từ mỏ cá voi xanh vào bờ ở khu vực Bàu Cá Cái (gần sát nhà máy lọc dầu Dung Quất) và xây nhà máy điện tại Quảng Ngãi. Phương án 2, đưa khí vào khu vực cảng Tam Hiệp (huyện Núi Thành, Quảng Nam) và xây dựng nhà máy điện tại xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn), gần khu du lịch Thiên Đàng, Khu kinh tế Dung Quất.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn cho rằng, nếu Exxon Mobil lựa chọn phương án đưa khí vào Khu kinh tế Dung Quất sẽ gặp nhiều thuận lợi. Đó là có thể tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có (cảng biển nước sâu, hệ thống giao thông thuận lợi, có kho vật tư, phụ tùng, nhà xưởng...) của nhà máy lọc dầu.
Đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, hiện Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.
Theo đó, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ các mỏ thuộc các lô 117, 118, 119 vào bờ với công suất thiết kế khoảng 2-4 tỷ/m3/năm. Chính phủ cũng định hướng nghiên cứu, xây dựng mới nhà máy xử lý khí ở khu vực này với lưu lượng khoảng 1-4 tỷ m3/năm và dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2018.
Để giúp Exxon Mobil triển khai dự án, ông Cao Khoa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh này đã có kế hoạch cấp đất sạch theo yêu cầu của nhà đầu tư. Theo phương án nhà đầu tư đưa ra, cần địa điểm rộng khoảng 200ha. Trong đó, 100ha sẽ được đầu tư để xây dựng nhà máy điện công suất 1.500 MW. Giai đoạn 2, diện tích sẽ tăng lên 200ha, phục vụ xây dựng nhà máy điện công suất 4.000-5.000 MW và nhà máy xử lý khí.
Có làn sóng đầu tư mới từ Mỹ
Được biết, để đáp ứng nguyện vọng của nhà đầu tư đến từ Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi đã lên kế hoạch cấp đất cũng như các chế độ ưu đãi đặc thù. Các điều kiện nhà đầu tư đặt ra như: Đất đai, cảng, đường giao thông, điện, nước..., Quảng Ngãi đều có thể đáp ứng đầy đủ. Ngoài Exxon Mobil, theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đang có một làn sóng đầu tư mới đến từ Mỹ.
Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp Mỹ (Globe Venture Inc, Pacific Devolopment LLC, Tập đoàn Giải pháp Toàn cầu Thiên niên kỷ) đang ráo riết vào Việt Nam để tìm hiểu và bày tỏ nguyện vọng được tham gia đầu tư vào một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến một số dự án như: Đường cao tốc ở An Giang, khu kinh tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).
Bình luận về dự án trên, ngày 17/7, ông Đỗ Nhất Hoàng-Cục trưởng Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, Exxon Mobil là tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ, lớn nhất nhì trên thế giới. Với tiềm lực lớn về tài chính, tập đoàn này hoàn toàn có khả năng triển khai dự án điện - khí với tổng mức đầu tư 20 tỷ USD.
Theo ông Hoàng, việc Exxon Mobil đang muốn đầu tư dự án lớn tại Việt Nam là một xu hướng tích cực. Hiện có một làn sóng đầu tư mới từ Mỹ vào Việt Nam. Thực tế, trong hai tháng đầu năm, với lượng vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD, Mỹ đã vươn từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ nhất trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Trong 5 dự án đầu tư của Mỹ vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, lớn nhất là dự án xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí tại Bà Rịa-Vũng Tàu của Tập đoàn Good Choice (vốn đầu tư 1,29 tỷ USD). “Kết quả trên cho thấy, các nhà đầu tư Mỹ đang ngày càng tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Nhiều công ty của Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường đang nổi hấp dẫn nhất thế giới”, ông Hoàng nói.
Theo lãnh đạo PVN, nếu Exxon Mobil triển khai dự án, không những phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt mà còn có thể là đối tác lớn của PVN. Hiện, PVN cũng đang muốn đưa khí từ các lô (117, 118, 119) vào Quảng Ngãi để phát triển nơi đây thành cụm công nghiệp khí - điện lớn của miền Trung.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo