Hỗ trợ doanh nghiệp

FDI từ Nhật Bản: Chuyển dòng vào phía Nam

Trong 4 tháng đầu năm 2012, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản chiếm quá nửa tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đáng lưu ý, trong khi TP.Hồ Chí Minh có vẻ chậm chân, thì các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lại nằm trong top đầu các địa phương thu hút vốn FDI từ Nhật Bản.

Bình Dương, Đồng Nai hút vốn Nhật

 

 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2012 đạt 2,86 tỷ USD, chiếm đến 67,1% tổng lượng vốn FDI. Trong đó, một số tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang chiếm ưu thế về thu hút vốn FDI từ Nhật Bản.

 

Đơn cử, trong số 1,58 tỷ USD vốn FDI đổ vào tỉnh Bình Dương trong 4 tháng đầu năm, thì riêng Dự án Thành phố Tokyu của nhà đầu tư Nhật Bản đã chiếm đến 1,2 tỷ USD, vượt cả mục tiêu thu hút 1 tỷ USD vốn FDI của tỉnh trong năm 2012.

 

Ngoài ra, 2 dự án khác của Nhật Bản cũng chiếm phần lớn lượng vốn còn lại, gồm Công ty Sun Steel đầu tư 132 triệu USD làm dây chuyền sản xuất tôn kẽm mạ màu thứ hai; Công ty Showa Gloves chuyên sản xuất găng tay cũng đăng ký tăng vốn thêm 100 triệu USD.

 

Tương tự, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, 4 tháng đầu năm, địa phương này thu hút được 775 triệu USD (bao gồm đăng ký mới 530 triệu USD, còn lại là tăng vốn), chỉ cách đích kế hoạch đặt ra cho năm 2012 gần 100 triệu USD.

 

Trong số này, Dự án nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng của Tập đoàn Lixil (Nhật Bản) có vốn đăng ký 441 triệu USD, chiếm phần lớn trong lượng vốn FDI đăng ký mới của tỉnh.

 

Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đều cho rằng, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Sau khi tiếp nhận đăng ký, việc tạo điều kiện để các dự án triển khai và giải ngân đúng tiến độ đòi hỏi nhiều nỗ lực.

 

Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng tìm hiểu nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản, nghiên cứu và đầu tư đón đầu.

 

Điều đó lý giải, mặc dù đang phải phân vân khi phân bổ đầu tư hạ tầng cho nhiều khu công nghiệp, nhưng tỉnh Đồng Nai vẫn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho 3 tập đoàn của Nhật Bản là Sojitz, Daiwa House và Kobelco phát triển khu công nghiệp Long Đức rộng hơn 280 ha, dành cho các doanh nghiệp Nhật.

 

Đến thời điểm này, đã có 2 nhà đầu tư của Nhật, trong đó có Lixil đầu tư xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Long Đức.

 

Ban quản lý khu công nghiệp Long Đức cho biết, nếu quá trình đàm phán với 2 doanh nghiệp Nhật Bản nữa được hoàn tất, thì diện tích lấp đầy của khu công nghiệp Long Đức sẽ đạt 100 ha.

 

Tại tỉnh Bình Dương, tiếp thu thành quả từ việc thu hút nhà đầu tư Singapore, tỉnh này đã lên kế hoạch nhằm tạo thuận lợi tối đa để Tokyu có thể triển khai dự án khu đô thị trị giá 1,2 tỷ USD, với kỳ vọng Tokyu sẽ là “nam châm” giúp Bình Dương thu hút thêm nhiều tên tuổi lớn từ Nhật Bản.

 

Thành phố Hồ Chí Minh có chậm chân?

 

 

Với vai trò đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.Hồ Chí Minh cũng được kỳ vọng là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.

 

Tuy nhiên, kế hoạch triển khai để hiện thực hóa kỳ vọng trên xem ra vẫn chưa tiến triển, dù sau 4 tháng đầu năm, TP.Hồ Chí Minh đang xếp vị trí thứ ba về thu hút vốn FDI, sau Bình Dương và Hải Phòng, với số vốn FDI đạt 535 triệu USD.

 

Theo ông Lư Thanh Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh, Nhật Bản là thị trường thu hút đầu tư trọng điểm của TP.Hồ Chí Minh. Năm 2012, Thành phố định hướng hút vốn vào các dự án hạ tầng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phân khu chức năng dọc Đại lộ Đông Tây và phát triển khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

 

Đại diện Ban quản lý các khu kinh tế TP.Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, Hepza sẽ triển khai một khu công nghiệp dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản với quy mô 100 ha trong khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn II, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được do chưa chọn được đối tác.

 

Cũng theo Hepza, vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế TP.Hồ Chí Minh tính tới ngày 7/5 đạt 70,93 triệu USD, chỉ giảm 0,85% so với cùng kỳ năm 2011.

 

Như vậy, nếu phát huy sức hút của các khu công nghiệp và tận dụng được nguồn vốn FDI từ Nhật Bản nhiều hơn, TP.Hồ Chí Minh có thể cải thiện kết quả thu hút FDI trong thời gian tới.

 

 

Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo