Hỗ trợ doanh nghiệp

Giá sàn xuất khẩu gạo để… làm cảnh?

Giá sàn đưa ra một đằng nhưng các DN XK (bao gồm cả các DN thành viên VFA) bán một nẻo. Các DN vi phạm bán dưới mức giá sàn đều không bị xử lý nghiêm nên có thể tự do mua bán, “tự do hạ giá”. Vấn đề đặt ra ở đây là giá sàn XK gạo được áp dụng để làm gì, nếu không phải chỉ để báo cáo và… làm cảnh?

DN XK gạo có thể “hạ sàn” giá thấp hơn quy định

Giữa tháng 7/2013, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ra thông báo tăng mức giá hướng dẫn XK đối với loại gạo 25% tấm của Việt Nam thêm 3%, từ 365 USD/tấn ấn định trong tháng 6 lên 375 USD/tấn. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một biện pháp gỡ khó cho người nông dân, gỡ rối cho việc XK gạo. Tuy nhiên, thực tế XK gạo thời gian qua cho thấy, việc quy định giá sàn chỉ mang tính chất “minh họa”. Hiệp hội chưa bao giờ kiểm soát được có bao nhiêu phần trăm lượng gạo xuất đã được bán dưới mức giá sàn?

 
Thực tế cho thấy, cuối năm 2012, khi VFA cho rằng thị trường gạo XK đầu năm 2013 sẽ gặp khó, ảnh hưởng đến giá gạo nội địa, Hiệp hội này đã công bố mức giá sàn loại gạo 35% tấm là 370 USD/tấn. Tuy nhiên, suốt quý I/2013, nhiều DN XK gạo đã liên tục hạ giá chào bán loại 25% tấm ở mức 345 - 360 USD/tấn.
 
Tương tự, thời điểm tháng 2/2013, VFA nâng mức giá sàn loại gạo 5% lên 410 USD/tấn thì giá chào bán thực tế của các DN chỉ khoảng 385 - 395 USD/tấn. Hay mới đây nhất, dù quy định giá sàn loại gạo 25% tấm là 375 USD/tấn thì suốt 2 tháng qua, loại gạo này chỉ được các DN bán ở mức 330 - 340 USD/tấn.
 
Như vậy, rõ ràng giá sàn đưa ra một đằng nhưng các DN XK (bao gồm cả các DN thành viên VFA) bán một nẻo. Các DN vi phạm bán dưới mức giá sàn đều không bị xử lý nghiêm nên có thể tự do mua bán, “tự do hạ giá”. Vấn đề đặt ra ở đây là giá sàn XK gạo được áp dụng để làm gì, nếu không phải chỉ để báo cáo và… làm cảnh?
 
Thực tế, từ sau khi có Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh XK gạo, VFA được giao nhiệm vụ tính toán, xác định giá sàn XK gạo để định hướng cho các DN trong nước. Họ đã làm công việc tính toán này nhằm hoàn thành nhiệm vụ. Bởi nếu tính toán chi tiết, mức giá 375 USD/tấn mà VFA đưa ra giữa tháng 7/2013 vừa khít trên giấy tờ để các DN XK gạo có thể bán loại gạo phẩm cấp thấp nhất với giá 8.000 đồng/kg. Mức giá này đồng nghĩa rằng, sau khi trừ đi các chi phí đóng gói, vận chuyển… giá lúa DN mua của người nông dân sẽ đạt khoảng 5.000 - 5.500 đồng/kg, mức giá thấp nhưng khả dĩ vẫn chấp nhận được.
 
Thế nhưng, đằng sau “quy định suông” về giá sàn là những hệ lụy mà người gánh chịu cuối cùng là người nông dân trồng lúa. Đơn giản là vì, mỗi khi VFA nâng mức giá sàn thì các DN XK dễ dàng phớt lờ bán giá thấp hơn mà không bị xử lý. Nhưng khi VFA hạ mức giá sàn, các DN tha hồ vin vào mức giá tối thiểu đã được Hiệp hội hướng dẫn để “đè” giá thu mua lúa gạo nội địa xuống thấp nhất có thể.
 
Như thế, sau 3 năm có Nghị định 109, từ hình thức cứng nhắc quy định mức giá sàn cho từng loại gạo XK, VFA đã nới rộng hơn những quy định về mức giá tối thiểu này. Thế nhưng, trong sân chơi không còn những DN thuần túy làm thương mại (vì không đáp ứng được các điều kiện của Nghị định 109), hoạt động cạnh tranh với những DN nhạy bén hơn về thị trường đã không còn nữa. Việc quản lý giá sàn như vậy, vô hình trung trở thành điều kiện để các DN XK gạo còn lại tự tung tự tác, bất chấp lợi nhuận của người nông dân và giá trị lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo