Hỗ trợ doanh nghiệp

Giá trị nào tạo nên thương hiệu Nhựa Tiền Phong?

58 năm là một chặng đường dài để tạo lập, gìn giữ và phát triển một thương hiệu Việt đã được người tiêu dùng tin tưởng. Thị phần, lợi nhuận, doanh số,… là những thứ có thể dễ dàng đo đếm được để đánh giá một doanh nghiệp, một thương hiệu. Nhưng thế là chưa đủ. Có những giá trị khác, có thể là vô hình nhưng lại là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Nhựa Tiền Phong.

Đoàn kết là cốt lõi

Trong nhiều cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Trường, Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong), người viết thấy rõ điều ông tự hào nhất khi nói về công ty rằng đây là một gia đình. Trong suốt 58 năm qua (1960-2018), đã biết bao thế hệ lãnh đạo, công nhân viên nối tiếp nhau, truyền lửa nhiệt huyết để cùng xây dựng “gia đình” Nhựa Tiền Phong vững mạnh. Mọi thành viên trong “gia đình” này đã cùng nhau vượt qua sự gian nguy của chiến tranh, qua sự “chông chênh” và những cái “bẫy” thương trường của thời kỳ nền kinh tế nước ta mới mở cửa hội nhập. Sức nóng của thị trường, cùng sự canh tranh đã được Nhựa Tiền Phong biến thành cơ hội để tự đổi mới mình từ chất đến lượng.

Từ năm 1986, khi nước ta bước vào giai đoạn đổi mới, chuyển từ nền kinh tế quan liêu bao cấp, dần sang vận hành theo cơ chế thị trường. Nhu cầu của xã hội cũng thay đổi, đòi hỏi sự đa dạng, phong phú chủng loại và khắt khe về chất lượng sản phẩm. Vì thế, những sản phẩm “truyền thống” của Nhựa Tiền Phong như đồ chơi trẻ em, dép nhựa, bóng bàn… đã không còn phù hợp.

Tất cả đã buộc ban lãnh đạo công ty khi đó phải đưa ra quyết định kịp thời: để tồn tại, phát triển hay là “chết”. Và với tư duy “bán cái thị trường cần, chứ không bán cái mình có”, lãnh đạo của công ty khi đó đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử - thay đổi sản phẩm truyền thống. Năm 1990, công ty đã quyết định “chia tay” với những sản phẩm truyền thống đã làm nên tên tuổi của mình và bắt tay vào sản xuất ống nhựa uPVC, HDPE, PPR để phục vụ cho các công trình xây dựng. Kể từ đó, nhắc đến Nhựa Tiền Phong là nhắc đến sản phẩm ống nhựa.

Và cũng từ đó, Nhựa Tiền Phong dần từng bước xây dựng, phát triển và trưởng thành. Năm 1992, Nhựa Tiền Phong chính thức được vận hành theo mô hình Công ty. Rồi năm 2004, Nhựa Tiền Phong tiến hành cổ phần hóa. Đến năm 2006, cổ phiếu của Nhựa Tiền Phong được niêm yết trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán “NTP”. Cùng với uy tín và thương hiệu đã tạo dựng được trước đó, cổ phiếu của Nhựa Tiền Phong có giai đoạn luôn rất “hot” trên sàn giao dịch. Và cũng từ kênh huy động vốn này, Nhựa Tiền Phong đã có được nguồn lực tài chính mạnh và vững để đầu tư mở rộng, nâng cao sức cạnh tranh. Để đến năm 2014, lần đầu tiên, Nhựa Tiền Phong đạt mốc sản lượng vượt qua con số 58.000 tấn sản phẩm.

Và mới đây nhất, toàn thể cổ đông của Nhựa Tiền Phong đã cùng nhau vượt qua “bão” M&A (Mua bán và sáp nhập) khi đã không đồng ý nới room khối ngoại lên 100% tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào cuối tháng 11/2017. Điều này, cũng đồng nghĩa không nhà đầu tư ngoại nào có thể sở hữu quá 49% cổ phần của Nhựa Tiền Phong. Như vậy, ngày nào mà Nhựa Tiền Phong chưa bị nới room khối ngoại lên 100% thì thương hiệu này vẫn là của người Việt. Sự đoàn kết này đâu dễ gì có…

Liên tục đổi mới

Dù đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cả nước (miền Bắc chiếm đến 70%) nhưng Nhựa Tiền Phong chưa bao giờ có tâm lý nghỉ ngơi, hay bằng lòng. Vậy nên, bên cạnh các sản phẩm từ nhựa PVC dùng trong xây dựng và dân dụng, vốn được xem là thế mạnh truyền thống, thì từ năm 2015 trở lại đây, Nhựa Tiền Phong đã cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới, với tính đột phá và được thị trường đón nhận, đánh giá cao.
Đó là ống MPVC với trọng lượng nhẹ, độ thông thủy lớn, tính năng siêu bền, chịu được lực va đập gấp 50 lần ống uPVC thông thường. Ống PP-R 2 lớp thì có khả chịu nhiệt lên đến 95 độ C, chống tác động tia UV, khắc phục nhược điểm bị phôi hóa và tăng tuổi thọ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; hay mới đây là dòng sản phẩm nhựa sử dụng trong hố ga tại các khu đô thị mới… Theo đại diện công ty chia sẻ thì Nhựa Tiền Phong là đơn vị đầu tiên trong nước và là một trong hai nhà sản xuất đầu tiên ở châu Á đầu tư và sở hữu dây chuyền sản xuất ống nhựa HDPE cỡ lớn HDPE DN 2000. Hiện trên thế giới mới chỉ có 5 dây chuyền sử dụng công nghệ hiện đại này.

Hiện Nhựa Tiền Phong còn đang đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn Sekisui Chemical (Nhật Bản) để nghiên cứu, sản xuất các hố ga thông minh, công nghệ cao, sử dụng trong các dự án hạ tầng, xây dựng dân dụng, mà hiện các nhà thầu và chủ đầu tư trong nước thường phải nhập khẩu.

Cơ sở vật chất hiện đại và đồng bộ, công nghệ tiến tiến, người lao động của Nhựa Tiền Phong được đào tạo bài bản và có trình độ, chính là nền tảng vững chắc nhất cho sự phát triển của Nhựa Tiền Phong trong tương lai. Điều này cũng giúp Nhựa Tiền Phong giành được nhiều giải thưởng lớn, khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm của mình.

Nhiều giải thưởng như Thương hiệu quốc gia Vietnam Value, Thương hiệu Việt xuất sắc, Thương hiệu mạnh Việt Nam, Fast 500 (500 Doanh nghiệp tăng trưởng và thịnh vượng Việt Nam), VNR500 (500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam) trong nhiều năm liền đều có sự góp mặt của Nhựa Tiền Phong với thứ hạng cao. Và mới đây, Nhựa Tiền Phong đã được công nhận đứng trong top 10 Thương hiệu Việt xuất sắc, xứng đáng là “thương hiệu vàng” trong ngành nhựa Việt Nam.

Nên đọc
Theo Nhịp sống Kinh tế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo