Giảm mạnh vốn Nhà nước tại ACV, Vietnam Airlines
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỉ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020.
Theo dó, tổng số lượt DN mà Nhà nước sẽ thoái vốn là 406 lượt DN, được chia ra theo từng năm để các bộ, địa phương thực hiện thoái vốn. Cụ thể, năm 2017 phải thoái ở 135 DN, năm 2018 thoái ở 181 DN, năm 2019 thoái ở 62 DN và năm 2020 thoái ở 28 DN. Trong danh sách này, có một số DN sẽ thoái vốn vài đợt trong khoảng thời gian này.
Điểm qua một số DNNN lớn trong danh sách này cho thấy, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Công Thương) phải thoái 52,47% tỉ lệ vốn tối thiểu (so với vốn điều lệ) trong năm 2017 và tới năm 2020 DN này sẽ phải thoái tiếp 36% nữa.
Ở Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng phải thoái vốn hai lần. Lần đầu tiên sẽ thoái 20% tỉ lệ vốn tối thiểu vào năm 2018 và tới năm 2020 sẽ thoái tiếp 10,40%. Còn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ thoái một lần, tối thiểu 35,16% vào năm 2019…
Để thực hiện thành công Quyết định, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt tổ chức thực hiện thoái vốn theo tiến độ và tỉ lệ đã được phê duyệt tại Danh mục kèm theo Quyết định này theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ thoái vốn Nhà nước theo Quyết định này; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung kịp thời việc thoái vốn Nhà nước tại các DN chưa có trong danh mục.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu người đứng đầu bộ, ngành, địa phương chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại DN để đẩy nhanh tiến độ và tăng tỉ lệ thoái vốn so với tỉ lệ tối thiểu hằng năm đã được phê duyệt; bổ sung thêm DN thực hiện thoái vốn sớm hơn nhưng cần bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu người đứng đầu bộ, địa phương nghiêm túc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đối với các DN thuộc diện chuyển giao theo quy định của pháp luật. Sau khi tiếp nhận, SCIC có trách nhiệm thực hiện thoái vốn theo Quyết định này.
Trước ngày 25 tháng cuối của quý và trước ngày 25/12 hằng năm, gửi báo cáo về tình hình triển khai thực hiện đến Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi.
Đối với một số DN đặc thù hoặc có quy mô lớn sẽ thực hiện theo Quyết định riêng của cấp có thẩm quyền. Đó là các công ty nông, lâm nghiệp và các công ty con và công ty liên kết của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa thực hiện cổ phần hóa; DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TPHCM, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội; Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn; Bệnh viện Giao thông vận tải; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam; Công ty Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam.
Với 406 lượt doanh nghiệp Nhà nước phải thoái vốn từ nay tới năm 2020, tổng số vốn dự kiến thoái theo mệnh giá là khoảng 65.000 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo