Gieo trái ngọt đầu tư Việt – Nga
Giữa tháng 8 tới, một sự kiện đặc biệt sẽ đến với Liên doanh Vietsovpetro: khai thác tấn dầu thứ 200 triệu, đánh dấu 31 năm hai bên ký Hiệp định liên Chính phủ về việc thành lập Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro.
Vào thời điểm này năm ngoái, khi hai bên kỷ niệm 30 năm thành lập, Vietsovpetro cho biết, Xí nghiệp đã khai thác được 193 triệu tấn dầu thô, chiếm 76% tổng sản lượng khai thác toàn ngành.
Cũng vào thời điểm đó, tổng doanh thu bán dầu thô của Vietsovpetro đã đạt khoảng 54,3 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước và lợi nhuận của phía Việt Nam đạt gần 34,4 tỷ USD, còn lợi nhuận phía Nga đạt 8,8 tỷ USD… Vietsovpetro, cho tới thời điểm này, có thể coi là một biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị Việt - Nga.
Nhưng Vietsovpetro không phải là dự án duy nhất mà các doanh nghiệp Nga đầu tư tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho tới tới điểm này, Nga có 80 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 920 triệu USD, đứng thứ 23 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài Vietsovpetro, Công ty Gazprom và Công ty Zarubezhneftegaz cũng đã ký hợp đồng tìm kiếm và thăm dò dầu khí các lô từ 129 đến 132, với tổng vốn đầu tư 328,2 triệu USD.
Năm ngoái, TNK-BP, tập đoàn dầu khí lớn thứ ba tại Nga, cũng đã mua lại tài sản thượng nguồn của BP tại Việt Nam để khai thác khí ở mỏ Lan Đỏ. Dự kiến, cuối năm nay, dòng khí đầu tiên từ mỏ này sẽ được đưa vào bờ.
Không chỉ hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năm trước, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về Hợp tác xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Nga. Ngoài ra, hàng loạt dự án khác, như Phát triển du lịch ALT (tại Bình Định, vốn đăng ký 125 triệu USD), Dịch vụ hàng hải và dầu khí (Bà Rịa - Vũng Tàu)… cũng đang được các doanh nghiệp Nga triển khai tại Việt Nam.
“Chúng tôi nhìn thấy các cơ hội đầu tư và kinh doanh hấp dẫn tại Việt Nam, do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nguồn nhân lực dồi dào”, ông Boris Zilbermints, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các dự án quốc tế của TNK-BP nói và cho biết, giữa Nga và Việt Nam có mối quan hệ gần gũi, thân thiết đặc biệt.
“Rất nhiều cán bộ đang làm việc trong các cơ quan chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam đã từng học tập, nghiên cứu ở Nga. Khi tôi đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, cũng có nhiều cán bộ như vậy và chúng tôi thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga”, ông Zilbermints nói.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư 18 dự án ở Nga, với tổng vốn đăng ký của phía Việt Nam khoảng 967 triệu USD, chiếm 50% tổng vốn của toàn bộ các dự án. Tuy nhiên, trong số này, đã có 5 dự án chấm dứt đầu tư. Nga hiện đứng thứ 4 trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư của Việt Nam, tính về vốn đăng ký.
Các dự án đầu tư khai thác dầu khí 4 lô khu Nhenhexky của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (614 triệu USD, tỷ lệ góp vốn 50%) và Dự án xây dựng Trung tâm Thương mại Hà Nội - Mátxcơva của Công ty cổ phần Trung tâm Thương mại Hà Nội - Mátxcơva (190 triệu USD) là những dự án hàng đầu mà doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư tại Nga.
Đánh giá kết quả này, ông Melnikov Sergey F., Phó đại diện thương mại Cơ quan Đại diện Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, đó là kết quả “không đến nỗi tồi”, nhất là trong bối cảnh cả Nga và Việt Nam đang trong giai đoạn cải tổ sâu rộng nền kinh tế, mà trước hết, đang rất cần thu hút đầu tư từ bên ngoài, chứ chưa phải là mang vốn ra khỏi đất nước.
Ông này thậm chí còn cho rằng, hợp tác đầu tư là một bộ phận cấu thành quan trọng của hợp tác Việt - Nga. Tuy nhiên, do cách đánh giá khác nhau, nên các thống kê về đầu tư của Nga vào Việt Nam chưa chính xác.
“Nếu tính cả đầu tư trực tiếp và đầu tư tài chính, thì đầu tư của Nga vào Việt Nam phải lên tới 4,1 tỷ USD”, ông Melnikov đánh giá và cho rằng, hợp tác đầu tư Việt - Nga có thể tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, không chỉ trong lĩnh vực hợp tác nền tảng và thăm dò và khai thác dầu khí, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực xây dựng nhà máy thủy điện, nhiệt điện, khai khoáng…
Việc Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga được thành lập, với nguồn vốn 500 triệu USD, nhằm cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng, tài trợ vốn và thanh toán cho các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước có thể được xem là cầu nối hữu hiệu trong thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa hai bên.
Tuy nhiên, theo ông Nội, để thu hút vốn đầu tư từ Nga một cách hiệu quả, cần triển khai các giải pháp đồng bộ, từ việc hoàn thiện cơ chế pháp lý song phương đến việc cải tiến, nâng cao hiệu quả chương trình vận động đầu tư của Nga tại Việt Nam.
“Phải chuẩn bị thông tin chi tiết về một số dự án có tính khả thi cao để giới thiệu với các nhà đầu tư Nga. Đồng thời, cần khuyến khích cộng đồng người Việt Nam ở Nga về nước đầu tư…”, ông Nội nói.
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo