Gỡ khó về kiểm soát sản phẩm thủy sản xuất khẩu
Từ phản ánh của các doanh nghiệp ngành thủy sản, Vasep đã kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bốn vấn đề quan trọng tại Hội nghị bàn về biện pháp thay đổi chính sách cách tiếp cận kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu được tổ chức vào ngày 2/5.
Trước thực trạng một số Thông tư, Quyết định được ban hành sau khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực (1/7/2011) đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản, ngày 2/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội nghị bàn về biện pháp thay đổi chính sách cách tiếp cận kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.
Từ phản ánh của các doanh nghiệp ngành thủy sản, Vasep đã kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bốn vấn đề:
Cần thay đổi cách tiếp cận kiểm soát an toàn thực phẩm phù hợp với luật an toàn thực phẩm, thông lệ quốc tế và giảm giá thành cho doanh nghiệp theo hướng kiểm soát điều kiện sản xuất là chính, không áp dụng việc lấy mẫu kiểm nghiệm bắt buộc lô hàng làm điều kiện để cấp Chứng thư xuất khẩu;
Không yêu cầu các doanh nghiệp phải có chứng thư của nhà nước khi phía nhập khẩu không yêu cầu, cũng như không áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm mang tính trừng phạt và vượt quá các nội dung sau này của Luật an toàn thực phẩm; Đề nghị xã hội hóa công tác kiểm nghiệm nhằm kịp thời phục vụ xuất khẩu; Cần thay đổi các kiểm soát kháng sinh và các yếu tố rủi ro an toàn thực phẩm theo hướng kiểm soát đầu nguồn thay vì kiểm tra lô hàng như hiện nay.
Theo Vasep, hiện nay chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu đang trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp (doanh nghiệp) khi mức phí phải trả tăng trung bình 1,5-2 lần so với trước đây.
Việc lấy mấu kiểm nghiệm lô hàng cùng các biện pháp, thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu đã khiến đa phần các lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp phải chờ từ 7-10 ngày là một bất lợi lớn, nhất là trong thời điểm doanh nghiệp khó khăn về vốn, tín dụng như hiện nay đồng thời làm giảm tính cạnh tranh so với các nước xuất khẩu thủy sản tương tự như Việt Nam. Vì vậy các doanh nghiệp kiến nghị hay đổi cách tiếp cận kiểm soát.
Đại diện một doanh nghiệp tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, nhiều tiêu chuẩn khách hàng nhập khẩu không yêu cầu mà trong nước vẫn áp dụng cho doanh nghiệp, trong khi để đáp ứng thì có những tiêu chuẩn tính ra doanh nghiệp phải chi phí hơn 1 tỷ đồng một năm.
Không những vậy, theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Vasep, trước đây các doanh nghiệp chỉ cần làm tờ khai là có thể xuất khẩu nhưng hiện cơ quan chức năng yêu cầu phải có thêm chứng thư (health certificate) mới cho xuất khẩu khiến doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí.
Ông Minh kiến nghị, đối với các thị trường có quy định thì Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) kiểm tra, nhưng những thị trường không yêu cầu thủ tục này thì cũng không nên ràng buộc và những thủ tục hành chính không mang tính quốc tế thì không nên áp dụng.
Với giá trị xuất khẩu lên đến 6 tỷ USD, những sự cố nhỏ từ các thị trường theo ông Dương Ngọc Minh là điều không tránh khỏi. Tỷ lệ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với thủy sản xuất khẩu hiện nay chưa đến 1:10.000, không đến mức phải dựng một hàng rào làm khó doanh nghiệp.
Vì vậy không nên tự đặt rào cản kiểm tra và hải quan làm khó cho doanh nghiệp xuất trong nước vì bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu đều đủ nhận thức để phòng thủ khi xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Trước những bức xúc từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad cho rằng, số vụ cảnh báo của EU với các lô hàng từ Việt Nam nhiều hơn hẳn từ Hoa Kỳ hay Thái Lan, Indonesia…
Một số nước láng giềng thực hiện việc kiểm tra còn khắc nghiệt hơn, chẳng hạn Singapore kiểm tra từng lô hàng để đảm bảo uy tín, Indonesia cũng chỉ cho xuất khẩu những lô hàng được sản xuất tại các cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan thẩm quyền nhà nước công nhận...
Cũng theo ông Nguyễn Như Tiệp thì phí kiểm tra hiện đang giữ nguyên mức từ năm 2002, nếu so với biến động của thời giá thì phí này rất thấp.
Thêm vào đó, không phải quy định nào cũng giữ nguyên, nhiều quy định thuộc nhóm biện pháp xiết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm từ những vụ cảnh báo trước đây đã được gỡ bỏ. Ông cho biết, có hai loại chứng nhận là chứng nhận nhà nước và chứng nhận thương mại.
Các doanh nghiệp muốn áp dụng hình thức chứng nhận thương mại (Nhà nhập khẩu yêu cầu kiểm tra chỉ tiêu nào, chỉ thực hiện kiểm tra chỉ tiêu đó của doanh nghiệp), song phía Nafiquad chỉ có thể làm theo chứng nhận Nhà nước vì điều này lên quan đến quan hệ thương mại giữa hai quốc gia chứ không phải hai doanh nghiệp.
Mục đích của việc kiểm tra là duy trì uy tín sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của cả quốc gia./.
Theo Báo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo