Hỗ trợ doanh nghiệp

Gỡ vướng dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

(DNVN) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT để xác định rõ tổng mức hỗ trợ, ưu đãi đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo từng năm, từng kịch bản giá dầu.

Theo tin tức từ Văn phòng Chính phủ, sáng 21/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để giải quyết một số vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn.

Báo cáo tại cuộc họp cho biết, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn được khởi công xây dựng năm 2013 tại khu kinh tế Nghi Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.

Chủ đầu tư Nhà máy là Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn, trong đó PVN góp vốn 25,1%, Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait 35,1%, Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản 35,1%, Công ty Hoá chất Mitsui Nhật Bản 4,7%.

Sản phẩm của Nhà máy gồm khí hoá lỏng LPG, xăng, diesel, dầu hoả/nhiên liệu máy bay, lưu huỳnh, polypropylen, benzen, paraxylen.

Theo dự kiến, tháng 11/2016 Nhà máy sẽ hoàn thành phần cơ khí để chạy thử; tháng 7/2017 bắt đầu vận hành thương mại. Tuy nhiên, hiện tại một số hạng mục đang chậm tiến độ. Theo báo cáo của PVN, tiến độ chung của nhà máy có thể chậm khoảng 4 tháng.

Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Thanh Hoá trực tiếp kiểm tra, làm việc với các nhà đầu tư để bảo đảm tiến độ xây dựng Nhà máy.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng cho rằng, chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn là nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, tạo việc làm, sản xuất được nhiều sản phẩm phục vụ cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ trong nước. Do đó, trong những năm qua, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn được xác định là công trình trọng điểm của ngành dầu khí, huy động các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT để xác định rõ tổng mức hỗ trợ, ưu đãi đối với Nhà máy theo từng năm, từng kịch bản giá dầu. Trên cơ sở đó kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách tổng thể, bảo đảm hiệu quả của dự án.

Về tiêu thụ sản phẩm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương, các bộ, ngành làm việc với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và phân phối xăng dầu để có kế hoạch phân phối các sản phẩm của nhà máy lọc dầu trong nước, bảo đảm tiêu thụ những sản phẩm mà các nhà máy trong nước sản xuất, chế biến.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành khi lên phương án tiêu thụ sản phẩm dầu khí trong nước phải bảo đảm hài hoà được lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư nhà máy cấp nước sạch, bảo đảm đúng cam kết của địa phương.

 

Giao Bộ Công Thương, Bộ TT&TT, UBND tỉnh Thanh Hoá phối hợp chỉ đạo các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ hạ tầng điện, công nghệ thông tin, viễn thông… đến ngoài hàng rào nhà máy như đã cam kết.

Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm dầu, khí sử dụng trong nước, đáp ứng yêu cầu của những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo cơ quan phòng cháy chữa cháy nghiên cứu kiến nghị của PVN về việc cho phép lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động song song với quá trình vận hành thử và nghiệm thu trước khi vận hành thương mại.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo