Doanh nghiệp đầu mối 'ôm' hàng chục tỷ bỏ trốn, nông dân nuôi cá tra khốn đốn
Bước đầu xác minh 4 biển xe “siêu đẹp” ở Đồng Tháp được cấp đúng quy trình / Xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Bạc Liêu
Liên kết 3 bên đứt gãy, nông dân "ôm nợ"
Tháng 7/2014, UBND tỉnh An Giang ký quyết định triển khai thí điểm cho vay dự án chuỗi liên kết “Sản xuất - Chế biến - Xuất khẩu” cá tra (chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco) trong thời hạn 2 năm. Chuỗi liên kết gồm: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (công ty Thuận An) làm doanh nghiệp đầu mối, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh An Giang (Agribank An Giang) và 12 hộ nông dân nuôi cá tra.
Nhà máy của công ty Thuận An đã bị các ngân hàng bán cho đơn vị khác để thu hồi vốn.
Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco có tổng mức phê duyệt cho vay là 416 tỷ đồng gồm: 116 tỷ đồng cho vùng nuôi của công ty Thuận An, 300 tỷ đồng cho vùng nuôi của các hộ dân.
Về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia chuỗi, Agribank An Giang cấp tín dụng cho công ty Thuận An trong giai đoạn chế biến và xuất khẩu; cấp tín dụng bằng thức ăn cho nông dân trong giai đoạn nuôi cá (doanh nghiệp cung cấp thức ăn phải được sự đồng ý của ngân hàng và công ty Thuận An). Sau khi bán cá cho công ty Thuận An thì các hộ dân được tất toán khoản vay, chuyển sang cho công ty Thuận An nhận nợ.
Dự án được UBND tỉnh An Giang đánh giá rất hiệu quả, nên khi kết thúc thí điểm, tỉnh có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gia hạn thời gian thực hiện thí điểm đến hết ngày 28/5/2018. Tuy nhiên, vào tháng 11/2016, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng Giám đốc Công ty Thuận An đi công tác nước ngoài và bỏ trốn, "ôm" theo số tiền hàng chục tỷ đồng nợ các ngân hàng, trong đó có hơn 62 tỷ đồng bán cá của nông dân khiến chuỗi liên kết này bị đứt gãy.
Đại diện các hộ dân tham gia chuỗi liên kết cho biết, tại thời điểm bà Trinh bỏ trốn, Agribank An Giang đã giải ngân toàn bộ khoản vay theo dự án là 116 tỷ đồng cho doanh nghiệp này. Tính đến ngày 28/7/2017, ngân hàng này cũng đã giải ngân cho 12 hộ nuôi cá gần 130 tỷ đồng, trong đó có 4 hộ bán cá cho công ty Thuận An có dư nợ cao hơn dư nợ vay 5,2 tỷ đồng, 6 hộ có dư nợ thấp hơn dư nợ vay gần 21 tỷ đồng và 2 hộ còn lại có quan hệ công nợ riêng với công ty và ngân hàng.
Ao cá của ông Lê Quang Vinh (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) phải bỏ hoang, cỏ mọc um tùm do không vay được vốn tiếp tục sản xuất vì bị ngân hàng đưa vào nhóm nợ xấu.
Là người tham gia chuỗi liên kết trên, ông Lê Quang Vinh, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành cho biết, bản thân đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm nhưng giờ đây phải gánh với số nợ và lãi tổng cộng là 16,7 tỷ đồng, trong khi tài sản thế chấp là 35 công đất nuôi cá và 1 căn nhà thì bị ngân hàng “giam” nhiều năm qua.
Ông Vinh cho rằng, chuỗi liên kết là do tỉnh An Giang thành lập, phía công ty Thuận An cũng do tỉnh và Agribank An Giang chọn làm đối tác và là đầu mối thu mua độc quyền. Các nông dân tham gia chuỗi đã làm tròn trách nhiệm và quy định của chuỗi liên kết: mua thức ăn nuôi cá và trả bằng cá.
“Khi chuỗi liên kết đổ vỡ thì người nông dân chỉ là nạn nhân, lãnh đạo công ty Thuận An ôm tiền bỏ trốn, ngân hàng đẩy khoản nợ mua thức ăn cho nông dân là hoàn toàn phi lý, chẳng khác nào bắt nông dân phải trả nợ 2 lần”, ông Vinh bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Tấn, ngụ thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho hay, ông là một trong những hộ đầu tiên được chọn tham gia mô hình, với thâm niên gần 30 năm nuôi cá tra xuất khẩu chưa bao giờ ông rơi vào cảnh khốn đốn như hiện nay.
“Hiện gia đình đã bán hơn 10 công đất để trang trải nợ nần và mới đây Agribank An Giang lại yêu cầu tôi trả nợ gốc hơn 12,8 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh trong 8 năm gần 9,2 tỷ đồng”, ông Tấn lo lắng.
Khốn đốn vì tài sản bị "giam", nợ xấu
Cũng như trường hợp của ông Vinh và ông Tấn, các hộ nuôi cá trong chuỗi liên kết này như các hộ ông Nguyễn Danh Cởn, Ngô Quang Đức, Huỳnh Nhan Thiện Truất cũng cho biết, tại thời điểm vợ chồng chủ công ty Thuận An bỏ trốn, số tiến bán cá của hộ gia đình các ông tại công ty này cao hơn dư nợ vay của ngân hàng từ 1,6 - 1,7 tỷ đồng nhưng vẫn bị ngân hàng đưa vào nhóm nợ xấu nên mất hết quyền lợi vay vốn để tái sản xuất.
Còn hộ ông Trần Văn Tưởng tại thời điểm đó, tiền bán cá cho công ty Thuận An đến gần 7,2 tỷ đồng, so sánh với dư nợ vay thì chỉ còn thiếu ngân hàng 43 triệu đồng. Ông đồng ý trả hết phần nợ này cho ngân hàng để lấy tài sản thế chấp ra, tiếp tục vay vốn tái sản xuất nhưng phía ngân hàng cũng không đồng ý.
Bị Agribank An Giang “giam” tài sản thế chấp và đưa vào nhóm nợ xấu, những nông dân tham gia chuỗi liên kết đang gặp nhiều khó khăn về vốn để tái đầu tư vì không thể vay vốn nơi khác. Các ngành chức năng tỉnh An Giang cũng nhiều lần nhìn nhận, những nông dân tham gia chuỗi không có lỗi, do đó đề xuất các khoản nợ vay mua thức ăn của nông dân với ngân hàng chuyển sang cho công ty Thuận An. Phía công ty có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng theo chuỗi liên kết và ngân hàng trả lại tài sản thế chấp cho nông dân.
Hàng chục ao cá của ông Trần Văn Tưởng (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cùng chung số phận bị bỏ hoang khi chuỗi liên kết đứt gãy, ngân hàng không tiếp tục cấp vốn.
Sự việc kéo dài gần 8 năm nay, chưa được giải quyết thì ngày 25/6 vừa qua, Agribank An Giang tiếp tục mời các hộ tham “chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra Tafishco” gặp mặt, trao đổi tìm giải pháp xử lý khoản vay cho các hộ tham gia chuỗi liên kết.
Tại buổi gặp mặt, sao khi nghe ý kiến của 9 hộ nông dân và các sở ngành, đại diện Agribank Văn phòng Tây Nam bộ cho rằng, đối với các yêu cầu giải chấp tài sản, trả tài sản, thứ hai là điều chỉnh, xóa đi nợ xấu nhóm 5, thì đây là công cụ quản lý của Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát rủi ro, các hộ dân vướng vào khoản vay không thanh toán đúng hạn thì mất quyền lợi.
“Đối với yêu cầu bù trừ nợ của công ty, đối với ngân hàng đứng trước tình thế này các hộ nông dân nói ngân hàng không đúng, thì theo quan điểm của tôi tôi thống nhất 3 ý kiến của Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh. Ai cũng giành phần đúng thì chỉ có phương án thượng tôn pháp luật là đưa ra tòa án. Phán quyết cuối cùng có hiệu lực pháp luật của tòa án thì ngân hàng phải thực thi, bởi vì ngân hàng sai thì phải thực hiện trả lại tài sản cho nông dân…”, vị đại diện Agribank lý giải.
Cũng tại buổi gặp mặt này, các hộ nuôi cá một lần nữa kiến nghị phía ngân hàng thực hiện theo phương án của Tổ 441 đề xuất và UBND tỉnh An Giang đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép xử lý khoản vay theo quy định: “đối với các hộ nông dân vay nuôi cá và thực hiện đúng theo chuỗi liên kết thì các khoản nợ vay của các hộ này chuyển sang cho công ty Thuận An. Công ty Thuận An nhận nợ và có trách nhiệm trả nợ cho Agribank An Giang theo chuỗi liên kết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc chuyển khoản vay này và hướng dẫn việc giải chấp tài sản thế chấp cho các hộ dân đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vay bằng việc trả sản phẩm thông qua công ty Thuận An; dừng tính lãi phát sinh kể từ ngày 19/11/2016 (ngày công ty Thuận An gửi thông báo người đại diện pháp luật đi nước ngoài chưa trở về Việt Nam); chỉ đạo Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia không chuyển nợ xấu và hướng dẫn quy trình để các hộ nông dân trên được vay các khoản vay mới phục vụ nuôi cá”, văn bản nêu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo