Góc nhìn

Nên cho tiểu thương ở các khu chợ truyền thống bị đóng cửa bày hàng hóa trên lề đường để buôn bán như chợ hoa ngày Tết

TP Hồ Chí Minh nên trưng dụng các lề đường rộng rãi để họp chợ kiểu như chợ hoa ngày tết, cho các tiểu thương bày kệ bán hàng dọc theo lề đường vừa tiện dụng vì có sẵn hệ thống thoát nước thải vừa có thể giãn cách tốt.

Bình Dương: Khẩn cấp đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vắc xin, dừng các hoạt động chợ tự phát / Tiền Giang: Phong tỏa phòng khám đa khoa An Thái Trung và chợ Tân Thanh

Tính đến ngày 9/7, TP Hồ Chí Minh đã đóng cửa đến 151 chợ truyền thống, chiếm hơn 50% số lượng chợ truyền thống trên toàn thành phố.

Số lượng chợ bị đóng cửa lớn như vậy dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là nhu yếu phẩm phục vụ người dân trong vùng dịch.

Chiều 9/7, tại buổi họp báo thông tin về các nội dung liên quan đến việc giãn cách toàn TP theo chỉ thị 16, phóng viên các báo đã hỏi Sở Công thương TP Hồ Chí Minh có phương thức nào khác để tổ chức cho người dân mua bán hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm trong điều kiện nhiều chợ truyền thống đóng cửa, việc bán hàng mang đi bị tạm ngưng?

Ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh - cho biết hiện nay có 151 chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tạm ngưng hoạt động nên chắc chắn ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa, đặc biệt là ảnh hưởng tới những người dân có thu nhập thấp, không có khả năng dự trữ mà phải mua thực phẩm sử dụng hằng ngày.

Đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết họ đã yêu cầu các quận huyện lên phương án tìm mặt bằng mới để thay thế các chợ truyền thống đã và sẽ bị đóng cửa.

Đây là một giải pháp chữa cháy tuy nhiên tôi cho rằng giải pháp này không nên áp dụng bởi 2 vấn đề:

Thứ nhất, khó có thể tìm được mặt bằng họp chợ trong một thời gian rất ngắn vừa có diện tích đủ rộng để họp chợ vừa có các hệ thống chiếu sáng, thoát nước… phục vụ cho việc bán hàng. Đặc biệt là ở các quận nội thành TP Hồ Chí Minh, việc tìm kiếm các mặt bằng như vậy là khá khó khăn.

Thứ hai, nếu tìm kiếm được những địa diểm mới họp chợ theo kiểu một khu vực khép kín rồi cho bày các quầy hàng san sát nhau thì cũng không khác gì các khu chợ cũ, vì khả năng lây nhiễm cũng cao như thế. Không khéo họp chợ mới được vài ngày rồi cũng lại đóng cửa tiếp vì có ca dương tính mới.

Như vậy phương án của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh rất không nên áp dụng.
Chợ giãn cách mùa dịch ở Myanmar.

Chợ giãn cách mùa dịch ở Myanmar.

Theo tôi, cách hay nhất hiện nay là trưng dụng một số lề đường rộng rãi gần các khu chợ truyền thống để họp chợ kiểu như chợ hoa ngày tết, cho các tiểu thương bày kệ bán hàng dọc theo lề đường. Cách này vừa tiện dụng vì có sẵn hệ thống thoát nước thải vừa có thể giãn cách tốt.

Vả lại đang trong thời gian giãn cách xã hội, hầu hết các tuyến đường đều vắng vẻ, ít xe cộ qua lại, việc trưng dụng một số lề đường để bày bán thực phẩm nhằm phục vụ những người dân có thu nhập thấp không ảnh hưởng gì đến giao thông đi lại.

Các quầy hàng có thể bố trí cách xa nhau, người mua hàng không phải chen chúc nhau như trong một khu vực chật chội. Có thể bố trí khoảng giãn cách giữa các quầy hàng cách nhau đến vài chục mét vẫn không sợ thiếu mặt bằng.

Mặt khác các quầy hàng bố trí trên lề đường như vậy thì khả năng thông gió tốt hơn nhiều so với trong một khu vực khép kín. Yếu tố này phù hợp với khuyến cáo của WHO về khả năng chống dịch do không khí luôn được làm sạch.

Hơn nữa quầy hàng bố trí ngoài trời thì ánh nắng sẽ góp phần tiêu diệt virus rất tốt.

Vì vậy tôi đề nghị Sở Công thương TP Hồ Chí Minh nên nghiên cứu phương án này thay vì yêu cầu các quận huyện tìm mặt bằng thay thế các khu chợ bị đóng cửa hiện nay.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm