Hỗ trợ doanh nghiệp

Google cũng phải chào thua... Olympic

Thủa sơ khai, thế vận hội được lên ý tưởng nhằm cổ vũ phong trào rèn luyện thân thể, lòng dũng cảm. Ngày nay, nó đã trở thành một vận hội làm ăn lớn cho những nhà tổ chức.
Chỉ xếp sau "Quả táo"

 
Có một thực tế, Olympic là một trong những thương hiệu lớn nhất hành tinh. Sự kiện thể thao diễn ra 4 năm một lần được hãng thống kê Brand Finace đánh giá có giá trị 47,5 tỷ USD.
 
 
Đây là một con số khổng lồ - chỉ đứng sau thương hiệu số 1 thế giới Apple (70,6 tỷ USD) và xếp trên cả công cụ tìm kiếm Google (47,4 tỷ USD), Samsung (38,2 tỷ USD) hay Coca-Cola (31,1 tỷ USD).
 
 
Rất ngạc nhiên nếu biết rằng 116 năm sau khi kỳ Olympic đầu tiên tổ chức tại Athens, sự kiện này đã có giá trị gấp 134 lần tổng số tiền có trong két sắt ngân hàng nhà nước Hy Lạp (354 triệu USD). 
 
 

 Olympic (47,5 tỷ USD) xếp thứ 2 về giá trị thương hiệu toàn cầu.

 

Trái ngược bức tranh ảm đạm nền kinh tế thế giới gần đây (điển hình là vụ Hy Lạp vỡ nợ), Olympic ngày càng có bước tăng trưởng đáng nể về mặt tài chính. 4 năm sau Bắc Kinh 2008, tổng doanh thu IOC đạt được đã tăng 38% lên mức 5,1 tỷ USD. Trong đó, doanh thu từ truyền hình nhảy vọt 51% lên mức 3,9 tỷ USD (so với 1,2 tỷ USD của năm 1960).
 

Chắc chắn, những số liệu ấn tượng kể trên sẽ còn tăng hơn nữa khi Olympic 2016 diễn ra sau đây 4 năm tại Brazil. 
 

"Mỏ vàng" cho nước đăng cai và nhà tài trợ

 
Cần biết rằng, IOC chỉ trích 10% doanh thu để trang trải các chi phí hoạt động. Phần còn lại họ dùng để phục vụ tái đầu tư vào các môn thể thao Olympic trên khắp hành tinh. Có thể thấy sức hút từ việc được đăng cai Olympic lớn đến mức nào.
 

"Lợi ích mà Olympic đem lại cho chủ nhà Anh là không phải bàn cãi. Dự kiến, nền kinh tế nước này sẽ được lợi khoản tiền lên tới 25 tỷ Bảng", David Haigh, giám đốc hãng thống kê Brand Finance quả quyết.

 
 
Dĩ nhiên, ngoài nước chủ nhà, những công ty dịch vụ cũng đổ xô vào Olympic hòng kiếm bằng được cái mác "nhà tài trợ". Điển hình là McDonald (thương hiệu trị giá 22,2 tỷ USD). Sau khi đạt được thỏa thuận cung cấp đồ ăn cho London 2012, công ty này dự kiến đạt doanh thu kỷ lục trong một chiến dịch, gấp bội số lần họ trả cho IOC.
 

General Electric, công ty chuyên về công nghệ, tài chính, tiêu dùng, đã trả IOC 200 triệu USD để chen chân vào đội ngũ "nhà tài trợ chính" ("TOP sponsorship") cho Vancouver 2012 và London 2012. Và ngay từ bây giờ, khi London 2012 còn chưa khai mạc, công ty này đã công bố thu hồi vốn thành công.
 

Nỗi lo thương hiệu bị truyền hình "bao vây"
 

Trong bức tranh đầy màu hồng về Olympic, cũng có một vài nét tối. Điển hình là lợi ích thực sự các kỳ thế vận hội đem lại được phân bố không đồng đều.
 

Trong khi phần lớn lợi nhuận chảy vào túi các công ty, tập đoàn đa quốc gia và việc định hình thương hiệu Olympic phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị độc quyền truyền hình, câu hỏi đặt ra là vai trò của người tiêu dùng, các khán giả, cổ động viên, vận động viên - những người trực tiếp đem lại thành công cho giải đấu nằm ở đâu?
 

Có một thực tế, thương hiệu Olympic chỉ là con số không tròn trĩnh tại châu Phi (nơi chỉ chiếm 1% tổng doanh thu bản quyền truyền hình). Bất chấp lục địa đen là nơi sản sinh ra những VĐV vĩ đại như Usain Bolt (đương kim kỷ lục gia chạy 100m nam), David Lekuta Rudisha (VĐV của năm 2010) hay Kenenisa Bekele Beyecha (đương kim vô địch Olympic chạy 5.000m và 10.000 m nam)...

 
Rõ ràng sự thống trị của truyền hình trong việc định hình thương hiệu Olympic vẫn là nỗi trăn trở đối với các nhà tổ chức, điều hành thế vận hội.

 

 

Theo VTC

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo